Những năm gần đây, các trường học, nhất là các trường khu vực trung tâm thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc giải quyết tình trạng ùn tắc trước cổng trường vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chừng đó là chưa đủ…
Mặc dù ngay cổng Trường THPT Phan Châu Trinh đã có tấm biển yêu cầu phụ huynh đứng cách cổng trường 20 mét, nhưng nhiều phụ huynh vẫn vô tư chen vào trước cổng để đón con. |
Một khó khăn trong “cuộc chiến” chống ùn tắc của các trường học ở khu vực trung tâm thành phố là hầu hết trường có số học sinh rất đông, trong khi đó các trường học này lại nằm trên những tuyến đường kinh doanh sầm uất, dân cư đông đúc, mật độ giao thông cao.
Đặc biệt, quỹ đất xung quanh trường, nhất là trước khu vực cổng trường rất ít, thậm chí gần như không có, vì vậy việc xử lý ùn tắc rất khó khăn. Vài năm gần đây, các trường đã nỗ lực giải quyết tình trạng này. Điển hình như Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ khi sửa chữa, nâng cấp đã thiết kế lại vỉa hè, tổ chức cho từng lớp trật tự đi ra cổng chính, sau đó đi thành hàng dài sát tường rào của trường để phụ huynh đón.
Trường hợp học sinh khi ra không có phụ huynh đón sẽ quay vào trường trở lại bằng cổng phụ và ở lại đó chờ ba, mẹ đến đón sau. Bên cạnh đó, trường còn huy động các giáo viên hướng dẫn giao thông vào giờ tan học.
Trường THCS Nguyễn Huệ (đường Quang Trung) thành lập đội trật tự giao thông với nòng cốt là các em học sinh lớp 8 và 9; hằng ngày đến giờ tan học các đội viên tham gia hướng dẫn giao thông, nhắc nhở những trường hợp phụ huynh đỗ xe gây cản trở giao thông.
Ở Trường THCS Nguyễn Trãi, do đường Hải Phòng phía trước trường nhỏ nhưng mật độ phương tiện lưu thông cao nên trường đã sử dụng diện tích sân trường tương đối rộng để phụ huynh vào sân trường đón con. Sau khi phụ huynh đón con và ra khỏi cổng trường sẽ có các thầy, cô giáo hướng dẫn phụ huynh rẽ phải, hạn chế rẽ trái, tránh tình trạng giao cắt trên đường gây ùn tắc.
Về phía học sinh, nhà trường hướng dẫn các em từ các lớp đi ra đến trụ cờ giữa sân phải xếp thành hàng một trật tự đi ra khu vực có phụ huynh đứng đón. Thầy Trần Công Mỹ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cách tổ chức giao thông như vậy đã được thực hiện từ 2 năm nay, góp phần vào việc giảm ùn tắc giao thông trước cổng trường.
Ngoài việc giải quyết nội bộ của trường, các trường học ở gần nhau cũng đã có sự phối hợp nhằm hạn chế số lượng học sinh cùng lúc đổ ra đường với việc thống nhất phương án tan học lệch nhau khoảng 15 phút để tránh tình trạng cùng lúc có quá nhiều phụ huynh, học sinh tham gia giao thông trên đường.
Mặc dù các trường đã có những nỗ lực như vậy, nhưng thực tế tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường học vẫn còn xảy ra, nhất là mỗi khi trời đổ mưa, cảnh tượng cổng trường rất lộn xộn. Thầy Trần Công Mỹ cho rằng các trường đã làm những gì có thể làm được, phần còn lại rất cần sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan chức năng, đặc biệt là sự hợp tác của phụ huynh học sinh.
Một giáo viên của Trường THCS Trưng Vương tỏ ra mệt mỏi trong “cuộc chiến” chống ùn tắc trước cổng trường: “Chúng tôi đã làm đủ cách, như yêu cầu phụ huynh và học sinh ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tổ chức nói chuyện dưới cờ hằng tuần… Thậm chí trong năm học mới này, chúng tôi đã treo tấm biển khẩn thiết “Xin hãy giữ cổng trường chúng em được bình yên”. Vậy mà tình trạng ùn tắc giao thông ở trước cổng trường trong giờ tan học vẫn không tránh được”.
Giải quyết ùn tắc giao thông trước cổng trường đã tốn rất nhiều công sức của các trường học và lực lượng chức năng, nhưng xem ra thiếu hiệu quả.
Ở đây có thể thấy có nhiều nguyên nhân gây ùn tắc giao thông, song về phần chủ quan phụ huynh học sinh là đối tượng “đóng góp” nhiều nhất, bởi thực tế có nhiều phụ huynh khi đưa đón con, mặc dù trước cổng trường đều có bảng yêu cầu “phụ huynh đón học sinh đứng cách cổng trường 20 mét”, nhưng vẫn ngang nhiên đến sát cổng trường, thậm chí nhiều người dùng ô-tô đưa đón con đỗ xe ngay trước cổng trường dù có biển cấm.
Giá như phụ huynh học sinh chịu hợp tác với nhà trường đúng theo những gì họ đã ký cam kết thì việc ùn tắc giao thông trước cổng trường sẽ được giải quyết một cách căn bản.
Bài và ảnh: Thanh Vân