Giáo dục

Hào hứng với cách học mới

07:29, 17/09/2015 (GMT+7)

Năm học mới 2015-2016, Đà Nẵng triển khai mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) đến 19 trường tiểu học và THCS ở quận, huyện, hầu hết ở học sinh lớp 2. Chỉ mới gần 10 ngày trải qua mô hình VNEN, nhưng giáo viên, học sinh lẫn phụ huynh đều ủng hộ cách học này, dù vẫn còn nhiều nỗi lo.

Học sinh Trường tiểu học Ông Ích Khiêm hào hứng với cách học mới.
Học sinh Trường tiểu học Ông Ích Khiêm hào hứng với cách học mới.

Thú vị từng buổi học

Ấn tượng đầu tiên ở các lớp thực hiện mô hình trường học mới là không gian lớp được trang trí khá sinh động, đẹp mắt, với nhiều hình thức khác nhau như: 10 bước học tập, con đường đến trường, hộp thư chia sẻ gương mặt bạn bè… Học sinh không ngồi từng dãy mà thành từng nhóm (mỗi nhóm từ 4-6 học sinh); mỗi nhóm mang tên các loài hoa, các loài vật thân quen thật ngộ nghĩnh…

Khi tham gia nhóm học, học sinh chia sẻ suy nghĩ, hiểu biết của mình với cả nhóm để cùng thảo luận về vấn đề mà bài học đặt ra. Mỗi nhóm có biển màu đỏ và màu xanh. Biển màu xanh báo khi cả nhóm hoàn thành bài học, biển màu đỏ được giơ lên khi cả nhóm cần sự trợ giúp của cô giáo.

Học sinh Phan Bảo Ân (lớp 2/1, Trường tiểu học Ông Ích Khiêm) bày tỏ: “Con rất thích học theo cách này vì con được khởi động, thư giãn trong tiết học và cùng học cặp đôi, học cả nhóm nên có thể cùng nhau giải những bài tập khó mà mình con không làm được”.

Đứng lớp mô hình trường học mới hơn 1 tuần nay, cô Trần Thị Duyến (giáo viên lớp 2/1, Trường tiểu học Ông Ích Khiêm) chia sẻ rằng, học sinh rất hào hứng, thú vị; các em cũng bắt đầu có thói quen đi lấy đồ dùng học tập, tự đọc tài liệu và làm theo tờ hướng dẫn…

“Thật ra trước đây, cách học theo nhóm được lồng ghép trong các tiết học. Nhưng bây giờ, học cả buổi thì đòi hỏi cả học sinh lẫn giáo viên năng động hơn. Với mô hình này, học sinh được đặt vào những tình huống thực tế, trực tiếp quan sát, làm thí nghiệm, thảo luận, giải quyết vấn đề đặt ra theo cách nghĩ của riêng mình để có thể vừa lĩnh hội kiến thức, vừa bộc lộ khả năng sáng tạo. Giáo viên không dạy theo cách cô nói - trò nghe mà chỉ có vai trò hỗ trợ. Song, giáo viên phải dõi theo từng nhóm, từng học sinh, hiểu từng học sinh, hiểu năng lực của từng em để quan tâm kịp thời”, cô Duyến chia sẻ.

Vẫn còn lo lắng…

Có thể thấy, mô hình VNEN nhận được nhiều sự quan tâm của lãnh đạo ngành giáo dục, sự ủng hộ của phụ huynh; sự hào hứng của học sinh, sự tận tình của thầy cô giáo…, nhưng vẫn còn nhiều lo ngại.

Cô Trần Thị Thu Ba, Hiệu trưởng Trường tiểu học Ông Ích Khiêm, cho biết nhà trường đáp ứng được cơ sở vật chất trang bị cho VNEN, nhưng các lớp học VNEN tại trường, bình quân từ 39-40 học sinh (khoảng 9-10 nhóm) là quá nhiều. Nếu sĩ số khoảng 26 em/lớp (6 nhóm) sẽ lý tưởng hơn cho cách học này. Hơn nữa, ở độ tuổi lớp 2, học sinh chưa thể chủ động nhiều trong mọi hoạt động.

Các em vẫn cần sự dìu dắt, chỉ bảo từng li từng tí của giáo viên chứ chưa thể chủ động hoàn toàn việc học tập, sinh hoạt ở trường. Vì thế, nếu triển khai mô hình VNEN ở các khối lớp lớn hơn thì phù hợp hơn. Hơn nữa, các trường VNEN gặp một số khó khăn do không có sự ưu tiên ngân sách, mà phải tự lo các khoản trang bị tài liệu cho học sinh.

Trao đổi thêm về vấn đề này, bà Hồ Thị Cẩm Bình, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT thành phố, cho biết trước khi nhân rộng mô hình VNEN, cách đây 3 năm, Trường tiểu học Hòa Phú (huyện Hòa Vang) là đơn vị đầu tiên của Đà Nẵng được Bộ GD&ĐT chọn triển khai thí điểm và đến nay có nhiều kết quả tích cực. Trong đó, thấy rõ chất lượng việc học của học sinh tăng lên với những đổi mới trong cách thức tổ chức quản lý lớp học; sự chủ động, ý thức tự học của học sinh cũng tăng.

“Khi nhân rộng VNEN, có những thuận lợi nhất định nhưng bước đầu chắc chắn sẽ có khó khăn. Tuần vừa qua, chúng tôi đã kiểm tra thực tế một số trường và nhận ra rằng, đối với lớp 2, kỹ năng tự chủ chưa tốt. Vì thế, khuyến nghị các trường trong 1-2 tháng đầu, giáo viên cùng học với học sinh; bài học trong một tiết có thể kéo sang 2 tiết…, cho đến khi các em quen dần mô hình mới. Chỉ hơn 1 tuần thì chưa đánh giá được nhiều. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra để tìm ra giải pháp phù hợp, thực hiện hiệu quả mô hình VNEN trên địa bàn thành phố”, bà Bình nói.

Cũng theo bà Bình, kinh phí cho mô hình VNEN so với mô hình dạy truyền thống không chênh lệch bao nhiêu. “Có lẽ do mô hình mới và có nhiều việc phải làm nên các trường lo lắng cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu bố trí hợp lý thì mọi việc sẽ ổn”, bà Bình cho biết thêm.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

.