Giáo dục

Vẫn rất thời sự!

09:09, 01/09/2015 (GMT+7)

Chỉ mấy ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập - khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho học sinh nước ta nhân ngày tựu trường đầu tiên trong chính thể mới.

Đây không chỉ là thời điểm học sinh đi học lại sau mấy tháng nghỉ hè như thường lệ hằng năm, mà đây còn là và quan trọng hơn là thời điểm giao thừa giữa nền giáo dục nô lệ và nền giáo dục tự do. Chính vì thế mà ngay từ đầu thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Trước đây cha anh các em, và mới năm ngoái cả các em nữa, đã phải chịu nhận một nền học vấn nô lệ, nghĩa là nó chỉ đào tạo nên những kẻ làm tay sai, làm tôi tớ cho một bọn thực dân người Pháp. Ngày nay, các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”.

Có thể nói, từ 70 năm trước, Bác Hồ muôn vàn kính yêu đã có một nhãn quan hết sức hiện đại về vấn đề mục tiêu đào tạo của các nhà trường và của cả nền giáo dục. Mục tiêu của nền giáo dục nô lệ là đào tạo nên những kẻ làm tay sai, làm tôi tớ cho ngoại bang, khác với mục tiêu đào tạo của nền giáo dục tự do - sản phẩm của Cách mạng Tháng Tám, của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - là đào tạo nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam.

Mục tiêu đào tạo quyết định phương pháp dạy-học. Nhằm đào tạo nên những kẻ làm tay sai, làm tôi tớ cho ngoại bang, nền giáo dục nô lệ thiên về lối dạy học áp đặt, thầy đọc trò chép, thầy giảng trò nghe và trò phải nhớ đúng lời thầy dạy để đi thi. Trong khi đó, nhằm đào tạo nên những người công dân hữu ích cho đất nước, nền giáo dục tự do nhất thiết phải làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của người học. Sau 70 năm nhìn lại, tư duy giáo dục của Bác Hồ vẫn rất thời sự!

Càng thời sự hơn khi trong thư có một đoạn thường được hậu thế nhắc đến như là kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thế hệ trẻ: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Tất nhiên công phu học tập mà Bác Hồ nói ở đây nhất thiết phải được bảo đảm bởi một nền giáo dục có đủ khả năng làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của người học.

Chỉ có một nền giáo dục hiện đại và nhân bản như thế mới có thể khơi nguồn sáng tạo để làm cho Việt Nam trở nên phồn thịnh và nhờ vậy mà dân tộc ta mới không bị thua chị kém em, mới có cơ hội bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu. Sở dĩ nói càng thời sự hơn bởi đã bảy mươi năm rồi mà kỳ vọng của Bác về việc đất nước sớm thoát khỏi thân phận nhược tiểu vẫn đang còn là… kỳ vọng.

Và thời sự hơn nữa khi cuối thư, Bác Hồ có lời khuyên dành riêng cho những học sinh lớn: “Chúng ta đã đánh đuổi bọn thực dân, chúng ta đã giành được độc lập. Nhưng giặc Pháp còn lăm le quay lại. Chúng ỷ vào kẻ khác mạnh hơn mà gây sự với ta (...) Phải sẵn sàng mà chống quân giặc cướp nước, đấy là bổn phận của mỗi công dân. Các em lớn chưa hẳn đến tuổi phải gánh công việc nặng nhọc ấy, nhưng các em cũng nên, ngoài giờ học ở trường (...) giúp đỡ một vài việc nhẹ nhàng trong cuộc phòng thủ đất nước”.

Câu chuyện 70 năm trước mà sao nghe như câu chuyện của hôm nay, khi Biển Đông vẫn đang từng ngày dậy sóng bởi có kẻ ỷ mạnh hơn mà gây sự với ta, khi Hoàng Sa hơn bốn chục năm rồi vẫn còn nằm trong tay Trung Quốc, khi một số đảo ở Trường Sa gần ba chục năm rồi cũng bị họ chiếm đóng trái phép và đang manh tâm xây dựng ở đó những vạn lý trường thành bằng cát... Hỡi các em học sinh lớn, hãy nghe lời Bác khuyên!

BÙI VĂN TIẾNG

.