.
NGÀY KHUYẾN HỌC VIỆT NAM (2-10)

Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời

.

Ngày 2-10, ngày truyền thống công tác khuyến học, là dịp ôn lại truyền thống vẻ vang của công tác khuyến học, nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí và vai trò quan trọng của công tác khuyến học trong giai đoạn mới...

Ngày 2-10-1996, Hội Khuyến học Việt Nam được chính thức thành lập. Từ đó, khuyến học, khuyến tài trở thành phong trào sâu rộng của toàn dân. Thành tựu khuyến học, khuyến tài đã và đang ghi dấu ấn đậm nét trong xã hội, khơi dậy, phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, nhằm góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, phát triển và bồi dưỡng nhân tài.

Hội Khuyến học Việt Nam đã trở thành tổ chức xã hội đông đảo về lực lượng tham gia, phong phú về hình thức hoạt động; được các cấp ủy Đảng, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo; được Mặt trận và các hội, đoàn thể phối hợp vận động, các tầng lớp nhân dân hoan nghênh, ủng hộ. Những đóng góp tích cực của Hội trong thời gian qua là một trong những căn cứ để Đảng và Nhà nước lấy ngày 2-10 hằng năm làm Ngày Khuyến học Việt Nam.

Từ đó đến nay, ngày 2-10 đã trở thành ngày truyền thống công tác khuyến học. Đây là dịp ôn lại truyền thống vẻ vang của công tác khuyến học, nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí và vai trò quan trọng của công tác khuyến học trong giai đoạn mới.

Đây cũng là dịp tri ân các tổ chức, cá nhân đã đóng góp to lớn cho công tác khuyến học, khuyến tài và các thế hệ cán bộ, hội viên khuyến học, những người đã âm thầm phấn đấu vì sự nghiệp khuyến học; đồng thời động viên, nhắc nhở cán bộ, hội viên tiếp bước truyền thống cha anh làm tốt công tác khuyến học, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.

Chọn ngày 2-10 làm ngày truyền thống công tác khuyến học Việt Nam là sự kiện rất có ý nghĩa, bởi tháng 10 gắn với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng về giáo dục. Tháng 10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi chống nạn thất học. Tháng 10-1968, Người đã gửi bức thư cuối cùng cho ngành giáo dục yêu cầu “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”.

Ngày 2-10-1996, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Khuyến học Việt Nam được khai mạc tại Hà Nội. Tháng 10 cũng là tháng học sinh, sinh viên bước vào năm học mới; toàn ngành GD&ĐT phối hợp với các lực lượng xã hội quán triệt, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về nhiệm vụ năm học mới nên rất phù hợp để phát động các phong trào khuyến học, khuyến tài.

Tại Đà Nẵng, tháng 10 có thêm một sự kiện quan trọng về khuyến học. Đó là vào ngày 26-10-1991, UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng quyết định thành lập Hội Khuyến học Quảng Nam-Đà Nẵng, trước khi Hội Khuyến học Việt Nam ra đời 5 năm. Đó là sự kiện chưa từng xảy ra trong hệ thống tổ chức Hội ở nước ta, bởi tổ chức Hội ở địa phương bao giờ cũng ra đời sau tổ chức Hội Trung ương. Nhiều bậc tiền bối lãnh đạo công tác khuyến học nói rằng, đây là sự tiếp nối phong trào khuyến học được xác lập vào thập niên 30 của thế kỷ 20 do cụ Huỳnh Thúc Kháng, một chí sĩ yêu nước, một người học rộng tài cao khởi xướng.

Phát huy truyền thống hiếu học của vùng đất “Ngũ phụng tề phi”, lúc bấy giờ, việc học được cổ vũ, khuyến khích, học để mở rộng hiểu biết, học để cứu nước. Tuy có lúc, có nơi bị gián đoạn nhưng phong trào khuyến học vẫn tồn tại đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ngày 1-1-1997, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng được chia tách thành 2 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương và cũng ngay sau đó, Hội Khuyến học thành phố được thành lập trên cơ sở tách ra từ Hội Khuyến học Quảng Nam-Đà Nẵng. Cũng ngay sau thời điểm ấy, Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng gia nhập Hội Khuyến học Việt Nam.

Phát huy truyền thống hiếu học của người dân đất Quảng, trong những năm qua, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn của thành phố đã có bước phát triển mạnh mẽ. Hoạt động khuyến học đã thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Hội Khuyến học được thành lập ở tất cả quận, huyện, phường, xã. Hầu hết các thôn, tổ dân phố, trường học, tộc họ đều có tổ chức khuyến học.

Hàng vạn học sinh hiếu học có hoàn cảnh gia đình khó khăn đã được nhận học bổng từ quỹ học bổng khuyến học của thành phố và các địa phương. Quỹ Khuyến tài Huỳnh Thúc Kháng tiếp tục là giải thưởng đặc biệt và uy tín của Hội Khuyến học. Sở GD&ĐT thành phố động viên kịp thời những học sinh xuất sắc toàn diện.

Các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng đã tạo điều kiện cho hàng vạn lượt người lao động tham gia học tập, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất và hiểu biết để cải thiện chất lượng cuộc sống. Phong trào thi đua xây dựng “Gia đình hiếu học” được đẩy mạnh; đã xuất hiện nhiều dòng họ khuyến học, nhiều gương sáng hiếu học, nhiều mô hình khuyến học tiêu biểu. Phong trào khuyến học đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển GD&ĐT của thành phố Đà Nẵng.

Đặc biệt, để xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành xã hội học tập, thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg ngày 20-2-2014 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” và kế hoạch triển khai thí điểm các mô hình học tập giai đoạn 2014-2015, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Chỉ thị 39-CT/TU ngày 6-11-2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời; UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 281. Sau gần một năm thực hiện thí điểm cho thấy Đà Nẵng có đủ nguồn lực và tâm thế để triển khai đại trà các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”,“Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” từ năm 2016.

Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời thông qua việc xây dựng và thực hiện các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”,“Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” theo quan điểm được đề ra tại Chỉ thị 39-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy: “Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận và các hội, đoàn thể vận động, trong đó Hội Khuyến học và ngành GD&ĐT làm nòng cốt” chắc chắn sẽ tạo nhiều thành quả lớn lao hơn nữa trong công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập tại Đà Nẵng trong thời gian tới.

TRẦN ĐÌNH LIỄN

Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng

;
.
.
.
.
.