Giáo dục

Các trường hệ trung cấp, cao đẳng: Khó tuyển sinh!

07:58, 02/11/2015 (GMT+7)

Hiện nay, nhiều trường trung cấp, cao đẳng hệ chuyên nghiệp hoặc dạy nghề tại Đà Nẵng đang gặp khó, vì số thí sinh đăng ký học ít, dẫn đến lãng phí về cơ sở vật chất. Nhiều trường đã phải ngưng hoạt động vì thu không đủ bù chi.

Nghề thuộc lĩnh vực du lịch hiện có nhiều người đăng ký theo học tại Đà Nẵng.
Nghề thuộc lĩnh vực du lịch hiện có nhiều người đăng ký theo học tại Đà Nẵng.

Khó tuyển...

Đó là thực trạng chung của các trường hệ cao đẳng, trung cấp đang gặp phải. Tại Trường Trung cấp nghề số 5 thuộc Bộ Quốc phòng, chỉ tiêu là 1.000 học viên nhưng chỉ tuyển được 700 em, thầy Nguyễn Hữu Hoàng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đó là nỗ lực rất lớn của nhà trường trong việc tuyên truyền tuyển sinh và thực hiện nhiều ưu đãi như: có ký túc xá cho học viên ở xa, giảm học phí, bố trí chỗ ở miễn phí cho bộ đội xuất ngũ và con em gia đình chính sách, ưu tiên gíới thiệu việc làm cho học sinh sau khi ra trường… Bởi vậy, trong số gần 700 học viên vừa tuyển được thì đã có gần 500 em là bộ đội xuất ngũ.

Dù không có “lợi thế” về một nguồn lớn học viên là bộ đội xuất ngũ như Trường Trung cấp nghề số 5, Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng (quận Sơn Trà) vẫn được xem là đứng “top ten” về tuyển sinh bởi uy tín và học phí “mềm”.

Năm nay, chỉ tiêu tuyển là 2.000 học viên nhưng đến thời điểm hiện nay chỉ có khoảng 1.400 em nộp hồ sơ, giảm nhiều so với năm ngoái. Ban giám hiệu nhà trường cho biết, các em chủ yếu tập trung vào một số nghề như: công nghệ ô-tô, quản trị khách sạn… và ít đăng ký nghề kỹ thuật lắp điện.

Gặp khó trong tuyển sinh tại các trường hệ cao đẳng, trung cấp không chỉ mới diễn ra ở năm nay mà là thực trạng của nhiều năm trở lại đây. Chẳng hạn như Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Đức Minh (số 85 Nguyễn Quý Đức) đã “cửa đóng then cài” gần 3 năm nay do không có người học, nhiều hạng mục phải bỏ không rất lãng phí.

Hay như Trường Cao đẳng Đức Trí dù chỉ tiêu tuyển sinh lên tới hơn 1.000 em, nhưng số lượng người đăng ký chỉ có vài trăm. Và mặc dù các trường hệ cao đẳng, trung cấp đua nhau rao tuyển với nhiều chế độ ưu đãi hấp dẫn, cam kết có việc làm sau khi ra trường nhưng vẫn không thu hút được nhiều học viên đăng ký học.

Tâm lý chuộng bằng cấp

Theo thầy Phan Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng, hiện nay, nhiều trường hệ cao đẳng, trung cấp khó tuyển do một số trường đại học mở thêm các ngành, nghề hệ trung cấp nên đã thu hút một lượng không nhỏ các em vào đây. Ngoài ra, các trường đại học tổ chức dạy liên kết, đại học liên thông, đại học mở, tại chức thi nhau mọc như nấm sau cơn mưa dẫn đến sự mất cân đối giữa cung và cầu, làm “thừa thầy thiếu thợ”.

Cạnh đó, phần quan trọng nữa là tâm lý chuộng bằng cấp vẫn còn nặng nề. “Tâm lý của các bậc làm cha, làm mẹ hiện nay đều muốn con mình phải thi đỗ đại học, dù đại học công hay tư, xa hay gần, có phù hợp với sở thích của con mình hay không mà ít nghĩ đến vấn đề việc làm sau khi ra trường của các em” - thầy Sơn nói.

Một nguyên do khác là việc phân luồng hiện nay chưa thực sự hiệu quả. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng, nếu năm 2013, thành phố có hơn 10.000 em tốt nghiệp THCS thì có 592 em học nghề (chiếm 5,9%). Còn trong năm 2014, thành phố có hơn 11.000 em tốt nghiệp THCS thì chỉ có 615 em học nghề (chiếm 5,4%).

Bởi vậy, trên thực tế hiện nay, tình trạng sinh viên tốt nghiệp đại học, học thêm bằng hai, thậm chí đã tốt nghiệp cao học nhưng phải xin làm công nhân khá phổ biến. Khi nhận vào làm rồi các doanh nghiệp lại phải chi khoản tiền khá lớn để đào tạo lại các vị cử nhân, thạc sĩ “thành” công nhân là vấn đề nghịch lý hiện nay.

Theo khảo sát của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), Việt Nam đang rất thiếu lao động có kỹ năng nghề. Hiện chỉ có khoảng 20% lực lượng lao động của Việt Nam được đào tạo chuyên môn, kỹ năng nghề. Trong khi đó, nhu cầu của doanh nghiệp là tuyển tới 80% lao động có kỹ năng nghề.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

.