Say mê công việc dịch và hiệu đính từ điển, học giả Fulbright Trần Mạnh Quang, giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) chia sẻ rằng, kiến thức để yên, không sử dụng thì sẽ lỗi thời nên ông muốn chia sẻ những hiểu biết của mình với người học tiếng Anh. Ông là người Việt Nam duy nhất hiệu đính từ điển Oxford Advanced Learner’s Dictionary (OALD) phiên bản 8.0 song ngữ Anh-Anh-Việt đang được bán rất chạy.
Học giả Fulbright Trần Mạnh Quang bên cạnh từ điển Oxford Advanced Learner’s Dictionary phiên bản 8.0 song ngữ Anh-Anh-Việt được in đợt đầu. |
36 năm giảng dạy ngôn ngữ Anh, trong đó có 30 năm gắn bó với Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng), giờ đây, ở tuổi 59, ông Trần Mạnh Quang càng muốn dành nhiều thời gian cho công tác nghiên cứu bởi như ông chia sẻ: “Nếu không làm lúc này thì sẽ không còn thời gian và sức khỏe để làm những gì mà mình yêu thích nữa”. Và ông đã chọn một công việc rất khó, không những đòi hỏi kiến thức, kỹ năng mà còn cả sự kiên nhẫn, đam mê: dịch và hiệu đính từ điển.
Giới thiệu thành tựu tri thức của người Việt
Để có thể chuyển tải hết những tinh hoa của dữ liệu gốc OALD 8.0 với 35 triệu bản từ điển đã được bán trên thế giới, nhóm chuyên gia biên soạn phần tiếng Việt đã mất 4 năm biên dịch và công việc của người hiệu đính cũng kéo dài chừng đó năm. Nhớ lại quãng thời gian miệt mài với chữ nghĩa, ông Quang nói rằng, không hiểu sao có thể hoàn thành được khối lượng công việc khổng lồ như thế.
Từ điển với dung lượng đồ sộ gồm 184.500 từ, cụm từ, trong đó có 1.000 từ và nghĩa mới, đòi hỏi người dịch và người hiệu đính phải lý giải súc tích, chính xác bằng cả ngôn ngữ tiếng Anh lẫn tiếng Việt, cung cấp thông tin về các quan hệ ngữ nghĩa, khả năng kết hợp của từ...
Đó là chưa kể phần phụ lục cũng đồ sộ không kém: hướng dẫn người học cách viết nhiều thể loại văn bản trong tiếng Anh; hướng dẫn cách phát triển ý tưởng cho bài viết; đồng thời giúp người học sử dụng từ vựng đúng. “Áp lực về thời gian rất lớn vì chúng tôi vừa phải bảo đảm tiến độ, vừa phải tìm tiếng nói đồng thuận với nhau khi đối diện với tính phức tạp của ngôn ngữ”, học giả Trần Mạnh Quang kể.
Những người tham gia dự án đều là những chuyên gia hàng đầu về ngôn ngữ Anh ở Việt Nam, đã trải qua vòng tuyển chọn kỹ lưỡng của NXB Oxford và Viện Từ điển. Song, dần dần, một số người đã rút lui; từ 20 người, chỉ còn lại vài chuyên gia dịch thuật, 1 chuyên gia hiệu đính và 1 người thẩm định, giới thiệu.
Học giả Trần Mạnh Quang cho biết, có khi 1 ngày, ông sửa được 2 trang dịch, nhưng có ngày chỉ sửa 1 trang; có khi cả tiếng đồng hồ loay hoay với 1 từ bởi có những vấn đề, những từ mà người dịch “bó tay” thì người hiệu đính phải tiếp tục tra cứu, góp phần lý giải một cách đơn giản, dễ hiểu nhất.
“Trong dịch thuật, có 3 tiêu chí quan trọng là tín, đạt và nhã. Tín: trung thành, đạt: đầy đủ và nhã: hay. Ngày nay, 3 tiêu chí này dường như đã cũ, thay vì xem trọng cùng lúc cả ba tiêu chí trong tác phẩm dịch thì người ta đánh giá cao tiêu chí nhã. Tuy nhiên, đối với từ điển, tiêu chí tín lại quan trọng nhất”, ông nói.
Khi giới thiệu về OALD 8.0 song ngữ Anh-Anh-Việt, GS,TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam đánh giá: “Phần tiếng Việt của từ điển đã khẳng định năng lực của tiếng Việt hiện đại. Đây như là công trình nghiên cứu mang tầm quốc gia nhằm giới thiệu thành tựu tri thức của người Việt ra với thế giới, qua con đường tiếng Anh”.
Mang lợi ích cho nhiều người
Yêu thích lĩnh vực từ điển từ rất lâu, học giả Trần Mạnh Quang cho rằng, từ điển không chỉ được dùng để tra cứu mà còn để học và nâng cao kiến thức. Năm 1995, trong thời gian học thạc sĩ về Ngôn ngữ học ứng dụng tại Đại học Macquarie (Sydney, Úc), ông cũng học chuyên ngành từ điển. Nay được làm đúng công việc yêu thích nên ông vui lắm, thậm chí cảm thấy mình may mắn vì được NXB Oxford lựa chọn để cộng tác.
“Dù biết việc dịch hay hiệu đính từ điển rất khó nhưng nếu mình không làm thì sẽ không có cái tốt hơn. Hơn nữa, công việc này không đụng chạm ai, cũng không có hại cho ai mà chỉ mang lại lợi ích cho nhiều người. Biết đâu cuốn OALD 8.0 Anh-Anh-Việt này về sau sẽ được hoàn thiện hơn bởi những người có tâm huyết và cùng chí hướng”, ông Quang chia sẻ.
Các thế hệ sinh viên khoa tiếng Anh chuyên ngữ - Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng (cũ), sau này là Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) có lẽ đều biết và yêu quý thầy giáo Trần Mạnh Quang bởi trong suốt 30 năm giảng dạy, mục đích duy nhất của ông là chia sẻ kiến thức với người học. Bỏ lại tất cả hơn - thua, được - mất giữa đời thường, ông cùng vợ say mê giảng dạy và nghiên cứu, làm sao cho người học tiếp cận, sử dụng tiếng Anh không chỉ đơn thuần là phương tiện giao tiếp liên văn hóa mà còn phải hiểu, nắm lấy tiếng Anh như chìa khóa để vươn đến thành công trong nghề nghiệp của mỗi người.
Ông chia sẻ về những dự án mới, trong đó có công trình dịch một cuốn từ điển với các thuật ngữ, khái niệm bổ sung cho các môn học trong chương trình của nhà trường phổ thông tại Việt Nam, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2016. Từ điển này sẽ hỗ trợ việc học tập và giảng dạy các bộ môn bằng tiếng Anh. Ngoài ra, còn một dự án khác: đánh giá những từ điển điện tử mà học sinh, sinh viên đang sử dụng phổ biến.
Ông nói rằng, trong thời đại công nghệ số, hầu hết người học có xu hướng sử dụng từ điển điện tử nhưng có những phiên bản được dịch, chú giải chưa chuẩn, dẫn đến người học tiếp nhận kiến thức sai. Và ông muốn đem những hiểu biết của mình để giúp ích cho nhiều thế hệ bởi thời gian không chờ đợi một ai. “Tôi sợ nhất là lãng phí những năm tháng sống trên cuộc đời này, sợ nếu để yên kiến thức mà mình đã tích lũy suốt mấy chục năm thì sẽ lỗi thời. Sự học là mênh mông, mình trao đi kiến thức này thì sẽ nhận lại kiến thức và nhiều điều ý nghĩa khác”, ông nói.
TÚ PHƯƠNG