Khi học môn Lịch sử với thầy Hoàng Văn Khánh, giáo viên Trường THPT Phan Châu Trinh (quận Hải Châu), học trò không cảm thấy khô khan bởi các con số, tư liệu mà bị thu hút bởi ý nghĩa, bản chất của sự kiện. Với thầy Khánh, học Lịch sử chính là học để làm người.
Thầy Hoàng Văn Khánh đang giải thích cho học trò về Lịch sử. |
Đưa bản đồ, phim vào tiết dạy
Một tiết dạy của thầy Khánh thường lỉnh kỉnh với rất nhiều đồ đạc. Ngoài sách giáo khoa, thầy còn mang theo bản đồ, máy vi tính, các đoạn phim tư liệu… để phục vụ tiết dạy nếu cần.
Nhưng thầy Khánh không để ý đến sự lỉnh kỉnh đó, bởi với người thầy giáo 56 tuổi này, miễn sao tụi nhỏ thích thú và có hứng thú với tiết học là được. Để có được những phút chiếu phim tư liệu quý giá và sống động ấy, thầy phải vào thành phố Hồ Chí Minh tìm mua các đĩa phim về chiến dịch Điện Biên Phủ, về Bác Hồ…
Đồng thời, thầy đến Bảo tàng Quân khu 5 mượn các đĩa phim tư liệu lịch sử về sao chép lại. Không chỉ thế, thầy còn bỏ công biên tập các đoạn phim lịch sử cho phù hợp với bài giảng, bởi nếu đưa phim vào bài giảng nhiều quá thì sẽ làm loãng nội dung bài.
Thấy học trò ngày càng nghiêng về học các môn tự nhiên, thờ ơ với môn Lịch sử, thầy Khánh suy nghĩ nhiều lắm. Thầy bảo, sở dĩ các em “ngán” học Sử là do số liệu quá nhiều, sự kiện dày đặc và khó nhớ nếu học theo kiểu thuộc lòng như lâu nay. Bởi vậy, học sinh học với thầy không cần nhớ quá nhiều số liệu, chỉ cần nhớ bản chất của sự kiện. Để giúp các em nhớ sự kiện, sự việc, thầy chỉ ra các quy luật, tìm ra cấu trúc của vấn đề. Một điều mà thầy luôn căn dặn học sinh là phải đặt sự việc trong bối cảnh để hiểu đúng, hiểu rõ và hiểu sâu sự kiện, bởi nếu đặt sai bối cảnh thì ý nghĩa của nó khác đi.
Giáo dục về lòng yêu nước và nguồn cội
Một tiết dạy môn Lịch sử của thầy Khánh thường bắt đầu với các câu hỏi “Tại sao?”. Không hỏi về những nội dung đã có sẵn trong sách giáo khoa, thầy luôn yêu cầu cả lớp suy nghĩ theo những câu thầy đặt ra: “Tại sao chỉ Nguyễn Ái Quốc tìm thấy luận cương của Lênin mà người khác không tìm thấy?”, “Tại sao Người đến Quảng Châu chứ không phải là nơi nào khác?”…
Cứ thế, những câu hỏi nối tiếp câu hỏi khiến các em bị thu hút, bị cuốn vào bài giảng của thầy lúc nào không hay. Chỉ đến khi chuông reo hết giờ, các em mới giật mình, nuối tiếc.
“Bây giờ, khối lượng thông tin nhiều, các em vào mạng Internet đọc báo hoặc tìm hiểu thông tin nên nắm rõ. Bởi vậy, nếu chỉ dạy trong sách giáo khoa thì không đủ mà phải hệ thống lại, định hướng và giúp các em suy luận nhiều hơn”, thầy Khánh thổ lộ.
Sách Lịch sử Đà Nẵng gồm 2 tập do thầy tham gia biên soạn đã được triển khai trong các tiết học lịch sử địa phương (trong sách giáo khoa) ở bậc THPT và THCS trên toàn thành phố Đà Nẵng từ năm học 2014-2015.
Tiếp xúc với thầy, người ta cứ ngỡ như đang trò chuyện với một người còn trẻ bởi sự hào hứng và tình yêu mà thầy dành cho môn Lịch sử. Hơn 30 năm đi dạy, chưa bao giờ thầy vơi niềm yêu thích với môn học này.
Trước đây, đã có lúc vì kinh tế khó khăn, người vợ bàn với thầy hay là chuyển nghề khác có thu nhập cao hơn nhưng tình yêu với con đường mình đã chọn níu giữ thầy ở lại cho đến hôm nay. Để sống với tình yêu ấy, thầy phải bươn chải làm thêm đủ việc khác.
Có những lúc người ta quay lưng với môn Sử nhưng thầy Khánh vẫn lặng lẽ tìm về, lặng lẽ cuốn hút các em vào những bài học, để các em hiểu hơn những gì ông cha đã làm được, để biết trân trọng và sống sao cho xứng đáng. Thầy hiểu rõ dạy Sử chính là giáo dục cho các em lòng yêu nước và nguồn cội. Và ngày ngày, người ta vẫn thấy người thầy giáo với mái tóc muối tiêu chăm chú với những trang báo nóng hổi hay vào mạng cập nhập tình hình thời sự, tình hình Biển Đông để đưa vào bài giảng.
“Thầy Khánh là tổ trưởng tổ Lịch sử của nhà trường. Thầy rất nhiệt huyết trong công việc, từng đoạt nhiều giải trong các kỳ thi giáo viên dạy giỏi và là chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm liền. Đặc biệt, dù tuổi cao nhưng thầy vẫn chăm chỉ làm đồ dùng dạy học như: sơ đồ tư duy, hình ảnh về văn hóa trống đồng… để đưa vào bài giảng nâng cao chất lượng dạy học. Có lúc sức khỏe yếu, bác sĩ cho nằm nội trú nhưng thầy xin được điều trị ngoại trú để không phải bỏ nhiều tiết dạy”, thầy Nguyễn Quang Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh cho biết. |
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ