Giáo dục

Lặng thầm "rót mật" cho đời

07:31, 20/11/2015 (GMT+7)

Phương pháp dạy học tiên tiến “Bàn tay nặn bột” (BTNB) của Pháp được áp dụng ở bậc tiểu học và THCS tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước trong những năm qua do một cô giáo ở Đà Nẵng truyền đạt. Cô giáo ấy là Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó phòng GD&ĐT quận Thanh Khê.

Cô Hương và các đồng nghiệp nước ngoài tại hội thảo quốc tế lần đầu tiên về phương pháp “Bàn tay nặn bột” tổ chức tại Paris (Pháp).
Cô Hương và các đồng nghiệp nước ngoài tại hội thảo quốc tế lần đầu tiên về phương pháp “Bàn tay nặn bột” tổ chức tại Paris (Pháp).

Phương pháp BTNB được GS Georges Charpak (người Pháp) khởi xướng  và được Bộ Giáo dục Quốc gia Pháp triển khai thực hiện chương trình năm học 1995-1996 tại 30 trường học trên nước Pháp. Phương pháp này là tạo tính tò mò, ham muốn khám phá và say mê khoa học, giúp học sinh rèn luyện kỹ năng diễn đạt thông qua ngôn ngữ nói và viết… Đây là phương pháp dạy học tiên tiến được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới.

Năm 2009, GS Jean Trần Thanh Vân (Việt kiều tại Pháp), Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, mời các GS tình nguyện thuộc Viện Đào tạo giáo viên IUFM của Pháp về Việt Nam tổ chức lớp tập huấn về phương pháp BTNB cho các giáo viên cốt cán và cán bộ quản lý giáo dục tại Đà Nẵng. Và cô Nguyễn Thị Thanh Hương, khi ấy là chuyên viên Phòng GD&ĐT quận Thanh Khê, đã bị hấp dẫn bởi cái hay, cái lạ, sự thú vị của phương pháp này.      

“Sau đợt tập huấn, tôi triển khai phương pháp BTNB cho cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán của các trường tiểu học trên địa bàn quận Thanh Khê. Nhưng trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ bởi phương pháp này không phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất lúc bấy giờ. Những khó khăn ấy đã thôi thúc tôi tìm tòi, nghiên cứu để ứng dụng thành công”, cô Hương nhớ lại.

Ngày ngày cô Hương nghiên cứu, tìm hiểu tài liệu trên mạng. Cô dịch hàng trăm trang tài liệu bằng tiếng Anh, rồi truyền đạt cho cán bộ quản lý và giáo viên hiểu rõ về các đặc trưng của phương pháp BTNB. Chỗ nào chưa hiểu, cô liên hệ với các GS người Pháp thuộc Viện Đào tạo giáo viên IUFM nhờ chỉ dẫn. Sau thời gian trao đổi qua email, biết được năng lực, sự am hiểu của cô Hương về phương pháp BTNB, năm 2010, GS Jean Trần Thanh Vân và các GS người Pháp mời cô Hương tham dự hội thảo quốc tế lần đầu tiên về phương pháp BTNB, do Viện Hàn lâm khoa học Pháp và Bộ Giáo dục Quốc gia Pháp tổ chức tại Paris, với sự tham dự của 40 quốc gia. Cô Hương là giáo viên Việt Nam đầu tiên tham dự hội thảo này.  

Về nước, cô Hương được Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng tín nhiệm giao cùng tổ chuyên môn của Sở chỉ đạo việc tổ chức dạy và học theo phương pháp BTNB ở các trường tiểu học trên địa bàn thành phố. Hằng năm, cô xây dựng chương trình tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán của toàn thành phố về phương pháp BTNB. Từ năm 2010 đến nay, Hội Gặp gỡ Việt Nam cùng các GS người Pháp và Bộ GD&ĐT Việt Nam mời cô Hương tham gia tổ chức các lớp tập huấn về phương pháp BTNB cho cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán trên nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.  

Với sự cần cù, ham mê học hỏi, cô Hương ngày đêm miệt mài nghiên cứu, viết gần chục đầu sách và các bài báo khoa học trên các tạp chí giáo dục uy tín trong nước để chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy. Nổi bật như các cuốn: Phương pháp BTNB trong dạy học các môn khoa học cấp tiểu học và cấp THCS, do Bộ GD&ĐT phát hành; Phương pháp BTNB trong dạy học các môn tự nhiên và xã hội, môn khoa học ở trường tiểu học, do Bộ GD&ĐT phát hành; Dạy học ở tiểu học theo phương pháp BTNB viết cùng PGS,TS Nguyễn Thị Thấn (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)… Ngoài ra, cô Hương còn viết nhiều bài nghiên cứu về ứng dụng phương pháp BTNB ở Việt Nam trên nhiều báo, tạp chí giáo dục.

Không dừng lại ở đó, năm 2012, cô Hương điều tra, nghiên cứu đề tài Sách giáo khoa và việc ứng dụng phương pháp dạy học tìm tòi - nghiên cứu tại Việt Nam. Đề tài nghiên cứu này được đánh giá cao và báo cáo tại Hội thảo Khoa học ở thành phố Reims (Pháp) vào tháng 6-2012.  

Năm 2013, cô Hương được bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê, phụ trách bậc tiểu học và mầm non. Ở cương vị công tác mới, cô đã nghiên cứu, tổ chức thực hiện các hoạt động bổ trợ như: tổ chức CLB Em yêu khoa học, Hội giảng tiết học lý thú… ở các trường tiểu học trên địa bàn quận Thanh Khê mang lại hiệu quả giáo dục cao.

Với những thành tích nổi bật trong công tác, từ năm 2008 đến nay, cô Hương là Chiến sĩ thi đua cơ sở, được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Dịp 20-11 này, cô Nguyễn Thị Thanh Hương được Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng tặng bằng khen. “Mong muốn lớn nhất của tôi là có điều kiện tiếp tục học tập, nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm dạy học với các tổ chức giáo dục uy tín trong và ngoài nước. Qua đó, tích lũy kinh nghiệm áp dụng vào thực tế dạy học ở thành phố nhằm nâng cao chất lượng giáo dục học sinh”, cô Hương tâm sự.    

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, từ năm học 2013-2014, phương pháp “Bàn tay nặn bột” đã chính thức được triển khai đại trà ở cấp tiểu học và THCS trên toàn quốc. Phương pháp dạy học mới này giúp mỗi học sinh đều tích cực, chủ động, tự mình tìm được kiến thức mới; kiến thức và kỹ năng mà các em đạt được sẽ có tính bền vững, đồng thời bồi dưỡng tính tò mò, niềm vui hứng thú và ham thích khoa học; cũng qua đó các em dần hình thành, rèn luyện phương pháp tự học và nghiên cứu khoa học.

Bài và ảnh: ANH THY

.