Lớp học của cô Hà thật đặc biệt. Trò của cô có em ngồi, có em nằm trên bàn cười ngặt nghẽo, có em lên cơn động kinh bất ngờ. Trò của cô mỗi em một dạng tật, một tính cách, một số phận... nhưng với cô, tất cả đều bé bỏng và cần được chăm sóc, chở che.
Cô Hà đang giải lại bài cho một học sinh trong lớp C6. |
“On iu o”
Lớp C6 của cô giáo Trương Thị Ngọc Hà (41 tuổi, giáo viên Trường chuyên biệt Tương Lai) gần như ngày nào cũng đủ 13 thành viên.
Thấy người lạ vào lớp, các em đồng thanh đứng dậy khoanh tay chào rất lễ phép. Buổi học của cô Hà thường bắt đầu với những câu chuyện vui, những hình ảnh con vật, phong cảnh xinh xinh ngộ nghĩnh đầy lý thú. “Năng ơi, ngồi thẳng dậy đi con”, “Tuệ ơi, sửa lại cái áo con nhé”…
Nghe lời cô nhắc, ở cuối lớp, cậu bé Hoàng Năng (16 tuổi) cười ngặt nghẽo, bẽn lẽn ngồi dậy nghiêm ngắn, thỉnh thoảng lại đưa tay vò cái khăn được cô Hà cẩn thận cài lên cổ áo để chùi nước bọt ở mép. Hoàng Năng được cô ưu tiên ngồi ở gần cuối, sát cửa sổ và có thêm 1 cái quạt máy to đùng bên cạnh (ngoài quạt trần dành cho cả lớp).
“Năng sức khỏe yếu, thường hay bị lên cơn động kinh (1 ngày lên cơn từ 1-2 lần - PV). Bởi vậy, mình phải bố trí em ngồi chỗ thoáng mát và sát vách”, cô Hà cho hay. Có lúc, đang trong giờ học, Năng bị ngã lăn đùng ra đất, sùi bọt mép, tím tái cả người. Rất nhanh, cô Hà và các bạn chuẩn bị sẵn gối và chiếu để em nằm nghỉ và cho em uống thuốc…
Lớp C6 có 13 học sinh tuổi từ 12 đến 16. Hầu hết đều bị khuyết tật trí tuệ, bệnh down hoặc tự kỷ. Anh Quân (13 tuổi) bị chậm phát triển, nói ngọng; Hà Văn có giọng đọc đánh vần tốt nhưng học toán chậm; Lan Vi (15 tuổi) mắt rất yếu nên được cô bố trí ngồi ở bàn trên, gần bảng…
Dù mới đảm nhận lớp được 4 tháng, nhưng cô Hà nắm rõ đặc điểm của từng em như hiểu rõ những đứa con của mình.
“Nhiều em trước đây học ở trường với các bạn bình thường và bị bạn bè chế giễu, về nhà bị ức chế, suốt ngày mắng chửi, nói nhảm, không muốn đi học. Khi vào đây, mình phải động viên nhiều, cho các em điểm 9, 10 và khen thưởng ngay khi tiến bộ nên các em không còn “sợ” đến trường nữa”, cô Hà cho biết.
Có lần, khi vừa xong tiết dạy, một học trò nhỏ nói với cô giọng ngọng nghịu: “Ô ơi, on iu o” (Cô ơi, con yêu cô - PV). Cô Hà xúc động quá, phải mất vài giây sau mới xoa đầu bé và nói: “Cám ơn con”. Còn Hoàng Năng thì vừa mới viết cho cô lá thư (gọi là “thư” cho oai chứ thực ra là chỉ có 3-4 dòng chữ nghuệch ngoạc): “Con không biết nhà cô Hà ở đâu, đến 20-11 rồi cô ơi...”. Cô bảo, dù bị khuyết tật nhưng các em vẫn cảm nhận được tình cảm mà cô và bạn bè dành cho mình.
Niềm vui nho nhỏ
Với cô Hà cũng như nhiều thầy cô giáo dạy trẻ khuyết tật ở Trường chuyên biệt Tương lai, mỗi một sự thay đổi, dù là nhỏ nhất của học trò cũng là niềm vui, động lực cùng các em vượt khó trên từng trang sách. Lan Vi (bị bệnh down) trước đây viết bài rất khó khăn và chữ toàn không có dấu. Cô Hà bèn nghĩ ra cách dùng phấn màu đổi màu các dấu ghi trên bảng, nhờ đó Vi đã viết hoàn chỉnh hơn. Minh Trung tay yếu nên viết chữ không thành hàng, luôn luôn “lên bờ xuống ruộng”.
Cô Hà liền kẻ 1 đường bút đỏ và rèn em trong mỗi lần tập viết. Bây giờ Trung đã viết thẳng hàng và chữ viết khá đẹp. Đặc biệt, vì rất mê viết chữ nên em luôn hoàn thành mọi bài cô cho về nhà. Còn Chí Hiếu, bị khuyết tật trí tuệ, thì mỗi khi làm toán có lời văn thường bị rối do không hiểu. Từ đó, cô Hà không dạy theo cách cũ mà tóm tắt bài toán bằng sơ đồ, hình vẽ để Hiếu và cả lớp dễ thấy và làm được. “Mỗi ngày các em tiến bộ thêm một chút, với mình đó là một ngày vui. Các em đi học đều không nghỉ là niềm hạnh phúc nhất của mình”, cô Hà bộc bạch.
Cứ đến dịp 20-11 là nhà cô Hà lại rộn ràng hẳn lên bởi các em khuyết tật đến thăm cô. “Quà” của các em dành cho cô cũng thật đặc biệt. Đó có thể là cây thước bằng gỗ hay bình hoa, hộp trang điểm do chính các em tự tay làm. Đặc biệt nhất là khung tranh bằng gỗ có lồng ảnh hai cô trò mà trước đây đã chụp. Và Tết nào cô cũng bỏ tiền túi mua những món quà nho nhỏ mà thiết thực như: mì tôm, sữa để giúp những gia đình học trò khó khăn. Cô bảo, mình khó nhưng học trò nghèo lại khuyết tật còn khó hơn mình...
Cô Trương Thị Ngọc Hà có 6 năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và 2 lần được giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Đà Nẵng khen tặng vì đã có thành tích xây dựng và phát triển Trường chuyên biệt Tương Lai. |
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ