.

Nở rộ dịch vụ bán trú nhà dân

.

Đến thời điểm hiện nay, hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn quận Liên Chiểu đã tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh, phục vụ học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, ở khu vực chung quanh các trường tiểu học, nhiều hộ dân đua nhau mở dịch vụ lưu trú tự phát với giá rẻ, tổ chức ăn uống cho học sinh vào buổi trưa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh.

Trong vòng nửa tiếng đồng hồ, người phụ nữ này dắt hàng chục lượt học sinh về nhà để tổ chức ăn uống buổi trưa.
Trong vòng nửa tiếng đồng hồ, người phụ nữ này dắt hàng chục lượt học sinh về nhà để tổ chức ăn uống buổi trưa.

Trong khi đó, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương chưa mạnh tay để kiểm tra, xử lý tình trạng này.  

Nguy hiểm, không an toàn

Khoảng 10 giờ 15 ngày 9-11, sau tiếng trống tan trường, ở khu vực cổng Trường tiểu học Ngô Sĩ Liên là cảnh lộn xộn với người, xe chạy tấp nập. Lúc này, học sinh nhà trường cũng ra về khá đông. Bên ngoài cổng trường, có gần chục phụ nữ chạy đi chạy lại gom các em học sinh thành từng cụm từ 5-10 em, rồi dẫn về nhà ở các con hẻm đối diện và bên hông cổng trường để giữ bán trú buổi trưa.

Ở phía con hẻm bên cạnh Trường THCS Nguyễn Lương Bằng, một phụ nữ khoảng hơn 60 tuổi dắt từng nhóm học sinh về nhà, phục vụ cơm trưa. Thi thoảng, người phụ nữ này hô to: Từ từ, xe đó con! Dù vậy, các em học sinh vẫn cứ hồn nhiên bước qua đường, giữa dòng xe cộ tấp nập… Chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ, có hàng trăm học sinh được những gia đình tổ chức bán trú đưa về nhà để quản lý buổi trưa.  

Nhiều người dân chứng kiến cảnh các phụ nữ dắt díu học sinh “cắt đầu” dòng xe tải, xe máy để đưa các em băng qua đường Nguyễn Lương Bằng đã lắc đầu ngán ngẫm, lo sợ cho sự an toàn của các em nhỏ. Tuy nhiên,  người phụ nữ này lại tiếp tục chạy qua phía cổng trường Ngô Sĩ Liên dắt tiếp nhóm học sinh khác.  

Khi được hỏi về việc Trường tiểu học Ngô Sĩ Liên có tổ chức bán trú, sao không để các cháu ăn uống buổi trưa trong trường, mà lại gửi nhà dân, một phụ huynh có con bán trú nhà chị Q. ở gần trường cho biết, nhà dân tổ chức bán trú giá rẻ, chỉ 500.000 đồng/tháng; với lại, “nó ở đó quen rồi!”

Ở khu vực chung quanh Trường tiểu học Ngô Sĩ Liên hiện có gần 10 nhà dân tổ chức bán trú cho học sinh theo hình thức tự phát. Sau khi tan học buổi sáng, các học sinh được chủ các “cơ sở” bán trú này đón về nhà, tổ chức ăn uống, ngủ nghỉ buổi trưa trong những căn nhà cấp 4 chật chội. Buổi chiều các em được đưa trở lại trường để học.  

Trưa cùng ngày, chúng tôi vào kiệt 27 Nguyễn Lương Bằng chứng kiến có 5, 6 nhà dân đang chuẩn bị bữa trưa cho học sinh. Tại nhà số 27/11, lúc này có hai phụ nữ đang dọn bát đĩa múc thức ăn để dưới nền chuẩn bị bữa trưa cho vài chục học sinh đang nô đùa trong sân. Trong căn nhà cấp 4 thấp lè tè được bao bọc kín bởi hàng rào sắt, học sinh ngồi bệt dưới nền ăn ngấu nghiến, gương mặt nhễ nhại mồ hôi.

Sẽ kiểm tra, xử lý

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở khu vực các Trường tiểu học Trưng Nữ Vương (phường Hòa Hiệp Nam), Trường tiểu học Hải Vân (phường Hòa Hiệp Bắc)..., tình trạng tổ chức bán trú nhà dân cũng diễn ra khá nhiều.

Chứng kiến nhiều lần cảnh người dân dắt học sinh đi qua đường trong thời điểm xe cộ lưu thông đông đúc, chị H.T.S, nhà ở đường Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu) lo lắng: Tuyến quốc lộ 1A qua đường Nguyễn Lương Bằng hằng ngày có lưu lượng xe cộ rất đông và cũng đã có không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra. Thú thật, nhìn cảnh người dân dắt từng tốp học sinh qua đường trong giờ cao điểm, lẫn giữa dòng xe cộ đông đúc như vậy nguy hiểm quá.

Theo ông Tô Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, trên địa bàn phường có khoảng 5, 6 điểm người dân tổ chức bán trú cho học sinh. Những trường hợp gửi con nhà dân là do nhu cầu của phụ huynh…

Trước đây, khi đoàn công tác của UBND phường Hòa Khánh Bắc đến kiểm tra, họ trả lời là chỉ giữ giùm cho bà con mà thôi. UBND phường đã yêu cầu những hộ này làm cam kết, đi tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời yêu cầu các hộ dân làm thủ tục đề nghị UBND quận Liên Chiểu cấp phép tổ chức bán trú. Nhưng đến nay, chưa có trường hợp nào được cấp phép tổ chức bán trú, do không đủ điều kiện. Vậy chính quyền phường Hòa Khánh Bắc sẽ xử lý những hộ tổ chức bán trú trái phép này như thế nào? Trả lời câu hỏi này, ông Tô Ngọc Quang nói, sẽ kiểm tra, xử lý!

Sáng 9-11, sau khi nghe phóng viên Báo Đà Nẵng phản ánh thực trạng trên, ông Phan Trình, Trưởng phòng Y tế quận Liên Chiểu cho hay, trước mắt phòng Y tế quận ghi nhận, nắm thông tin. Sau đó, phòng Y tế quận sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra quy mô tổ chức hoạt động của dịch vụ bán trú nhà dân để có hướng xử lý.

Trao đổi thêm với chúng tôi về vấn đề này, ông Đàm Quang Hưng, Phó Chủ tịch thường trực UBND quận Liên Chiểu cho biết, sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra, chấn chỉnh.

Một cán bộ Phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu cho hay, hiện nay nhiều trường tiểu học trên địa bàn quận tổ chức bán trú, phục vụ việc dạy 2 buổi/ngày. Các trường tổ chức bán trú, tạo điều kiện thuận tiện cho học sinh ăn nghỉ trưa tại trường, với mức thu theo quy định khoảng 600.000 đồng/tháng. Phụ huynh có nhu cầu thì đăng ký với trường, còn không thì tùy phụ huynh. Riêng việc các hộ dân tổ chức nấu nướng, quản lý bán trú tự phát bên ngoài nhà trường thì ngành GD&ĐT quận không thể quản lý được, trách nhiệm này thuộc về chính quyền địa phương, cơ quan chức năng quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bài và ảnh: Anh Thy

;
.
.
.
.
.