.

9X Việt nhận 8 học bổng Tiến sĩ toàn phần Mỹ: "Tôi quyết định sẽ về"

.

Châu Thanh Vũ – 9X Việt sở hữu 8 học bổng toàn phần Tiến sỹ danh giá đất Mỹ, hiện là nghiên cứu sinh Tiến sỹ ĐH Harvard cho rằng: Lý luận truyền thống về “nghĩa vụ cống hiến” không phù hợp và không có sức thuyết phục DHS nên về nước làm việc. Những luận điểm này chỉ khiến các cuộc thảo luận trở nên tiêu cực và không mang tính xây dựng.

Chàng trai từng nhận 8 học bổng Tiến sĩ toàn phần của các trường ĐH danh tiếng Mỹ - Châu Thanh Vũ cho biết các DHS luôn đối mặt với câu hỏi muôn thuở
Chàng trai từng nhận 8 học bổng Tiến sĩ toàn phần của các trường ĐH danh tiếng Mỹ - Châu Thanh Vũ cho biết các DHS luôn đối mặt với câu hỏi muôn thuở "về hay ở lại".

“Kể từ khi rời sang Mỹ du học phổ thông, rồi đại học, giờ đến tiến sĩ, tính đến nay đã hơn 8 năm. Trong suốt quãng thời gian này, tôi đã nghe nhiều cuộc thảo luận về câu hỏi muôn thuở “du học sinh về hay ở” trên các phương tiện truyền thông; đã có nhiều người thân và họ hàng hỏi tôi, và cũng đã nhiều lần tôi tự hỏi bản thân câu hỏi này.

Câu trả lời của tôi luôn là “sẽ về”, nhưng đây không phải là một câu trả lời vội, mà là câu trả lời sau một quá trình suy nghĩ 6 năm nay. Hôm nay tôi viết bài này hy vọng có thể chia sẻ được suy nghĩ và trăn trở của một du học sinh, cũng như đưa ra chính kiến của bản thân về vai trò “cống hiến cho quê hương” của du học sinh đã, đang được bàn bạc trong thời gian gần đây.

Nghĩa vụ cống hiến cho quê hương?!

Người Việt Nam ta vốn có truyền thống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau; mỗi người khi lớn lên đều được dạy bảo nên nhớ đến quê hương nơi mình sinh ra. Chính vì xuất phát từ những truyền thống tốt đẹp này, mỗi khi chúng ta bàn về “chảy máu chất xám”, chúng ta vô hình dung mặc định rằng các du học sinh nên có nghĩa vụ trở về để cống hiến xây dựng quê hương Việt Nam vì họ sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. Tôi nghĩ đây là một suy nghĩ khá bất công cho du học sinh.

Chúng ta không nên nhầm lẫn giữa tình yêu thương, sự gắn bó về mặt tinh thần cho một vùng đất với nghĩa vụ, bó buộc công việc của một người theo một ranh giới nào đó. Nói như thế là vì 2 lý do:

Thứ nhất, ranh giới địa lý vốn dĩ chỉ là một thực thể nhân tạo, do con người tự vẽ ra. Bản thân tôi là một người con Việt Nam, nhưng trước đó tôi là một người con của thành phố Phan Rang, Ninh Thuận, và hơn hết, tôi là người con của bố mẹ mình.

Chúng ta không nên chỉ trích những du học sinh đang làm việc ở nước ngoài bằng lý do nguồn gốc (theo kiểu, “con dân Việt Nam phải cống hiến cho Việt Nam”), vì quyết định của họ, dù chỉ là để đảm bảo kinh tế cho gia đình và bố mẹ, thì cũng dễ hiểu vì gia đình và bố mẹ mới là nguồn gốc căn bản nhất của họ.

Thứ hai, trước khi chúng ta nghĩ quê hương Việt Nam cũng như bố mẹ và vì thế, là người Việt Nam, các du học sinh phải có bổn phận cống hiến, thì chúng ta hãy thử nghĩ theo chiều ngược lại: nếu như con mình muốn vươn cao, vươn xa, thì không bố mẹ nào muốn ép con mình phải về nhà để giúp bố mẹ cả.

Vì 2 lý do trên, tôi nghĩ rằng các lý luận truyền thống về “nghĩa vụ cống hiến” không phù hợp và không có sức thuyết phục du học sinh nên về nước làm việc. Những luận điểm này chỉ khiến các cuộc thảo luận trở nên tiêu cực và không mang tính xây dựng. Chúng ta hãy nên bỏ lối suy nghĩ đó khi bàn về chảy máu chất xám, vì chỉ khi đó chúng ta mới có thể thảo luận về vấn đề này một cách hiệu quả và thực tiễn hơn.

Về hay ở?

Tôi hỏi bản thân mình câu hỏi này thường xuyên.

Hiện giờ tôi đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ năm 1 với học bổng toàn phần cho 5 năm của ĐH Harvard. Nghiên cứu sinh chúng tôi sau khi tốt nghiệp xong thường sẽ kiếm một vị trí phó giáo sư ở một đại học nào đó, vừa giảng dạy vừa nghiên cứu.

Theo lời giáo sư David Laibson, vị trưởng khoa Kinh tế của ĐH Harvard, chúng tôi nên dự tính nhận được mức lương khởi điểm từ 170.000-200.000 USD/năm cho công việc đầu tiên (mức này là thuộc vào khoảng top 5% ngay cả theo tiêu chuẩn của Mỹ). Tùy vào mức độ thành công của mỗi người, chúng tôi có thể đẩy lương của mình đến khoảng hơn 300.000-450.000 USD/năm cho một giáo sư kinh tế vĩ mô.

Hơn cả về tiền bạc, công việc của một giáo sư rất thú vị. Chúng tôi sẽ được thỏa thích nghiên cứu những vấn đề kinh tế mà mình quan tâm, từ chính sách tiền tệ, chính sách thuế, định giá trong thị trường chứng khoán, cấu trúc của hệ thống tài chính quốc tế, đến những vấn đề trong thị trường lao động.

Có những người bảo, “du học sinh về nước còn có cơ hội, còn ở lại thì chỉ làm thuê cho người khác thôi”. Điều này không hề đúng. Ở nước ngoài, chúng tôi được đảm bảo tài chính để theo đuổi những gì mình quan tâm.

Tuy nhiên, như đã nói ở đầu bài, tôi đã quyết định sẽ về, và đây là quyết định của bản thân. Nhiều người đã hỏi tôi về lý do của quyết định này, và tôi có 3 lý do:

Thứ nhất, tôi về là để được làm việc cho Việt Nam. Đây là một giá trị quý hơn các giá trị vật chất, và tôi không xem đây là một “bổn phận phải hoàn thành” của mình. Đây đơn thuần chỉ là sự gắn bó tinh thần.

Thứ hai, như dân kinh tế chúng tôi hay nói đùa: “chính các cuộc khủng hoảng là các khoảng thời gian cơ hội lớn nhất”, tôi tin rằng khi cố gắng tìm được một vị trí hợp lý, ở Việt Nam, mình có thể sẽ làm được nhiều hơn. Trong quá trình phát triển như hiện nay, Việt Nam cần nhất là những chính sách vĩ mô hợp lý. Vì lý do đó, tôi đang cố gắng trau dồi kiến thức về kinh tế vĩ mô với các giáo sư đầu ngành ở Mỹ, hy vọng mình sẽ có ích sau này.

Thứ ba, tôi tin rằng khi mình học xong, môi trường làm việc cũng đã cải thiện đáng kể. Hiện nay mỗi lần về TP. HCM, tôi nhận ra đã có một đội ngũ du học sinh làm việc ở đây với nhiều dự án startups hoặc công việc khác khá ấn tượng. Điều này sẽ cải thiện tình hình, vì khi biết càng nhiều du học sinh về nước để làm việc, những du học sinh khác cũng sẽ về nước, và giống như một phản hồi tích cực (positive feedback), và sẽ có lúc việc du học sinh về nước không còn là chuyện lạ nữa.

Quyết định là của cá nhân, và phải cân nhắc thách thức

Xin nói rõ hơn là tôi đã nhấn mạnh đây chỉ là quyết định của bản thân, và tôi tôn trọng suy nghĩ của những bạn du học sinh có quyết định khác mình. Tôi không nghĩ ý kiến của ai tốt hơn ai, mà nó chỉ thể hiện sự khác biệt về định hướng, mục tiêu, và hoài bão của mỗi người.

Quyết định của tôi đã được đưa ra sau khi cân nhắc rất lâu về những thách thức có thể khi trở về Việt Nam, và tôi nghĩ bạn du học sinh nào có ý định về nước cũng nên tìm hiểu, suy nghĩ kĩ càng hơn.

Tuy Việt Nam là nhà, việc du học nhiều năm nơi đất khách cũng khiến du học sinh chúng tôi có những sự lạ lẫm, sốc văn hóa (ngược), bất đồng nhất định. Vì thế tôi không dám khẳng định rằng tôi tự tin mình sẽ không bao giờ lâm vào những tình huống khó xử hay bất công, như trường hợp của anh Doãn Minh Đăng gần đây.

Tuy nhiên tôi nghĩ đây là đặc điểm chung mỗi khi chúng ta chọn một bước ngoặt nào đó cho cuộc đời mình, mỗi khi đến một nơi làm việc khác ít quen thuộc hơn.

Việc đối đầu thử thách, việc xử trí khéo léo, thông minh là hết sức cần thiết dù làm việc ở bất cứ đâu. Ngoài ra, có một “Plan B” (kế hoạch dự bị) cho mọi kế hoạch trong tương lai là một điều hết sức cần thiết. Tôi nghĩ rằng bất cứ du học sinh nào, miễn là hiểu rõ rằng mình về Việt Nam để làm gì, thì với thực lực, với sức trẻ, với kế hoạch dự bị, họ sẽ đạt đượt mục tiêu của mình không bằng cách này cũng bằng cách khác.

Tôn trọng lẫn nhau

Về hay không, đó là câu hỏi mà mỗi du học sinh trăn trở. Chúng ta sẽ còn thảo luận một thời gian dài về việc làm sao để thay đổi môi trường làm việc trong nước để hấp dẫn các du học sinh hơn, cũng như các bạn du học sinh nên cố gắng tìm hiểu hơn về đất nước, và suy nghĩ nhiều hơn khi đưa ra quyết định của mình.

Điều quan trọng nhất trong quá trình này là cả các du học sinh lẫn dư luận trong nước hãy nên tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng ý kiến và quyết định của từng cá nhân, và không áp đặt những giá trị của mình lên người khác. Có lẽ chúng ta có cùng một cái đích, chỉ là đi khác đường nhau mà thôi.

Theo Châu Thanh Vũ (Dân trí)

(Nghiên cứu sinh tiến sỹ ĐH Harvard, Mỹ)

Đôi nét về tác giả Châu Thanh Vũ

- Học bổng toàn phần tiến sĩ kinh tế tại 8 trường của Mỹ. Trong đó, Thanh Vũ xuất sắc vượt qua hàng trăm hồ sơ ứng tuyển để giành học bổng toàn phần 5 năm tiến sĩ kinh tế (79.000 USD/năm) tại ĐH Harvard, Mỹ.

- Ngoài Havard, Vũ nhận học bổng tiến sĩ toàn phần từ 7 trường được xếp hạng cao nhất về môn Kinh tế; gồm Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), ĐH Princeton, ĐH Stanford, ĐH Chicago, ĐH Yale, ĐH Columbia và ĐH Minnesota.

- Danh hiệu sinh viên năm 3 xuất sắc nhất khoa kinh tế của ĐH Princeton.

- Làm việc ở khoa nghiên cứu của Ngân hàng Dự trữ Nam Phi tại thủ đô Pretoria năm 2014.

- Học bổng toàn phần để tham gia nghiên cứu về những nguy cơ hệ thống toàn cầu, nhóm nghiên cứu được thành lập bởi các giáo sư ở Princeton, cũng như thực hiện một dự án nghiên cứu độc lập hè 2014.

- Học bổng toàn phần để thực tập tại Khoa Thống kê của Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) năm 2013.

- Học bổng toàn phần của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Các khu vực của Princeton để tham gia một khóa học về kinh tế - chính trị tại Nhật Bản năm 2012.

- Học bổng ĐH toàn phần tại 7 trường ĐH của Mỹ, một ở Đức và một ở Canada.

- Giải Nhì HSG Tin học Quốc gia năm 2009.

- HCB Olympic Tin học 30/4 cho khối lớp 10, HCV Olympic Tin học 30/4 cho khối lớp 11. Giải Nhì HSG Tin học TP.HCM năm 2009.

- Học bổng toàn phần tại trường Liên kết Thế giới UWC tại New Mexico, Mỹ trong hai năm 2009-2011.

- Học bổng Lawrence S.Ting cho học sinh xuất sắc năm 2008, 2009

 

;
.
.
.
.
.