Giáo dục
Học nghề mình yêu thích
Nhiều bạn trẻ đã gây “sốc” với bố mẹ bằng việc cất tấm bằng đại học sau 4 năm “dùi mài kinh sử” để theo học nghề mình yêu thích.
Ngành nghề thuộc lĩnh vực du lịch hiện được nhiều bạn trẻ lựa chọn. |
Sống với đam mê
Đến bây giờ, Dương Ngọc Bảo Thi (25 tuổi), hiện học trung cấp khóa Quản trị khách sạn tại Trường Cao đẳng nghề Việt Úc, vẫn nuối tiếc quãng thời gian học Kế toán tại một trường đại học trên địa bàn Đà Nẵng.
Thi cho biết, do chưa có định hướng rõ ràng về nghề nghiệp nên khi bố mẹ bảo thi vào đại học và học Kế toán, Thi cũng “gật”. Nhưng rồi càng học, Thi càng thấy mình “nuốt” không vô mấy con số khô khan. Cố gắng lấy tấm bằng đại học chuyên ngành Kế toán rồi… cho vào tủ cất, Thi đăng ký học ngành Quản trị khách sạn tại Trường Cao đẳng nghề Việt Úc.
“Mình thích công việc ở khách sạn, thích đám đông... Vì vậy, mình chọn công việc này”, Thi thổ lộ. Với ngoại hình khá xinh xắn và vốn tiếng Anh kha khá, Thi đang vừa học, vừa làm việc tại khu Ocean Villas (quận Ngũ Hành Sơn) với mức thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng.
Còn với Hoàng Thanh Minh (23 tuổi), đang theo học khóa 6 tháng sơ cấp về kỹ thuật chế biến món ăn tại Trường Cao đẳng nghề Việt Úc, thì việc theo đuổi ngành nghề mình thích muộn còn hơn không.
Tốt nghiệp khoa Công nghệ thực phẩm tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) với số điểm khá cao, Minh có một quyết định khá “sốc” đối với bố mẹ, đó là gác tấm bằng đại học sang một bên để theo học… nấu ăn.
“Mình thích các món ăn, thích được sáng tạo các món ăn mới, mang đậm bản sắc dân tộc. Mình nghĩ, khi đã nhận ra con đường không phù hợp thì phải mạnh dạn thay đổi, phải sống với đam mê khi vẫn còn chưa muộn”, Minh quả quyết. Minh còn cho hay, công việc kiểm tra, thử mẫu trong phòng thí nghiệm không hấp dẫn nên quyết định chọn công việc phù hợp với “tâm hồn ăn uống” của mình.
Cũng như Thi và Minh, L.T (21 tuổi, quê Quảng Nam) quyết định bỏ ngang việc học tập ở một trường đại học để theo học nghề công nghệ ô-tô tại Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng. “Lúc đầu, mình chỉ nghĩ bằng bất cứ giá nào cũng phải theo học đại học, dù là đại học tư thục để làm vui lòng ba mẹ.
Tuy nhiên, càng học mình càng thấy không phù hợp với sức học của mình và càng học thì càng bị “đuối”. Sau đó, mình quyết định học nghề sửa ô-tô”, T. thổ lộ.
Học nghề dễ tìm việc
Theo thầy Đặng Phúc Sinh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Việt Úc, đó là hiện tượng liên thông ngược dòng đang xuất hiện. Nguyên nhân do công tác phân luồng học sinh THCS, THPT còn nhiều hạn chế và tâm lý chuộng bằng cấp vẫn nặng trong tư tưởng của nhiều người.
Vì vậy, thực tế hiện nay, tại nhiều phiên giao dịch việc làm gần đây do Trung tâm Giới thiệu việc làm Đà Nẵng tổ chức, hàng ngàn lao động tham gia phỏng vấn tuyển dụng và phần lớn có bằng đại học, cao đẳng.
Tuy nhiên, số lao động có bằng cấp, thậm chí có nhiều bằng, lại khó tìm việc do doanh nghiệp cần lao động có tay nghề hơn là bằng cấp.
Đà Nẵng hiện có 6 khu công nghiệp với các ngành sản xuất chủ yếu như: dệt may, giày da, lắp ráp điện tử, cơ khí chế tạo, gò hàn...
Trong đó, nhiều doanh nghiệp cho biết, hiện vẫn thiếu công nhân, nhất là công nhân ngành may, ngành cơ khí... Bởi vậy, không ít doanh nghiệp vẫn luôn đăng bảng tuyển dụng lao động để đáp ứng nhu cầu.
Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng đang cần nhiều lao động có tay nghề, đặc biệt là tay nghề giỏi. Tại các phiên giao dịch việc làm, hầu hết các em là thợ cơ khí, hàn hay có chứng chỉ nghề về du lịch, công nghệ ô-tô thường được chọn tuyển dụng và có việc làm ngay.
Vì vậy, thành phố xác định mục tiêu đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật, kỹ thuật viên làm trực tiếp trong nhiều ngành nghề, nhất là ngành dịch vụ để bảo đảm về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo. Đồng thời, đội ngũ này phải có năng lực thực hành nghề nghiệp, phục vụ hiệu quả cho mục tiêu phát triển dịch vụ và đến năm 2020 lao động qua đào tạo nghề trong các ngành khu vực dịch vụ phải đạt 31,12%.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ