Quan điểm của Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế đã thống nhất đó là sẽ kiểm tra, rà soát tất cả các cơ sở đào tạo nhân lực Y tế, không phân biệt công lập hay tư thục. Ngay cả trường ĐH Y Hà Nội sắp tới cũng sẽ được kiểm tra, nếu chưa đáp ứng được tiêu chí đào tạo thì phải bổ sung.
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Minh Lợi - Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) trong buổi họp báo chiều 28-12 tại Bộ GD-ĐT.
Đạt tiêu chí thì Bộ Y tế ủng hộ mở ngành
Ông Lợi chia sẻ: Trong thời gian vừa qua, công tác đào tạo nhân lực Y tế được xã hội đặc biệt quan tâm, ngành Y tế cũng luôn quan tâm. Như chúng ta đã biết, dù đào tạo trường công hay trường tư ở miền Bắc hay miền Nam thì tất cả sản phẩm đào tạo khi tham gia vào công tác y tế đều thuộc phạm vi của ngành Y tế. Chính vì thế Bộ Y tế luôn xác định chất lượng của nguồn nhân lực là cốt lõi để đảm bảo chất lượng dịch vụ Y tế.
Phó Cục trưởng Nguyễn Minh Lợi khẳng định hai Bộ sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra đối với tất cả cơ sở đào tạo nhân lực ngành Y tế |
Về nguyên tắc thì chúng ta phải xác định thực hiện theo quy định hiện hành. Tuy nhiên hiện nay quy định của Thông tư 08 Bộ GD-ĐT chưa hoàn toàn phù hợp đối với lĩnh vực Y tế, Bộ Y tế đã có đề nghị với Bộ GD-ĐT để xem xét, chỉnh sửa . Hai bên đang bàn thảo và sẽ sớm ban hành để có tiêu chí cụ thể riêng đối với Y tế.
Trong thời gian chờ đợi văn bản điều chỉnh, bổ sung thì Bộ Y tế có công văn số 7836 về việc mở ngành Y - Dược. Công văn này là đề xuất của Bộ Y tế đối với Bộ GD-ĐT, ở đây Bộ Y tế cũng xác định những tiêu chí mở ngành chưa hoàn toàn đầy đủ, việc đảm bảo chất lượng còn phụ thuộc vào nhiều tiêu chí khác, nhưng đây là những tiêu chí cơ bản nhất để mở ngành đào tạo Y tế.
Tiêu chí đối với ngành Y đa khoa, tinh thần của Bộ Y tế đề xuất: tối thiểu phải có 50 giảng viên cơ hữu chuyên ngành có trình độ thạc sĩ trở lên. Mỗi một bộ môn phải có ít nhất một thạc sĩ và trong 6 lĩnh vực Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Y học cơ sở, Y học dự phòng phải có tiến sĩ.
Giải đáp về việc Bộ Y tế từng có đưa ra trong đề án Quy hoạch nhận lực Y tế đến năm 2020 về việc khuyến khích các trường ngoài công lập, tư thục đào tạo Y khoa (đối với khu vực đồng bằng Sông Hồng) cũng như cho biết quan điểm của Bộ Y tế về việc một công ty đang đề xuất để mở ngành Y, ông Lợi nêu quan điểm: “Để thành lập và đào tạo trường Y có chất lượng là rất tốn kém và đòi hỏi cần có thời gian. Ở đồng bằng sông Hồng thì hiện nay có 7 cơ sở công lập tham gia đào tạo Y tế... Nhà nước thì nguồn đâu tư cũng có hạn và chúng ta đã biết chủ trương xã hội hóa của Nhà nước đó là đối với các nhà đầu tư có đủ điều kiện thì tham gia đào tạo không chỉ nhân lực y tế mà còn các ngành khác. Quan điểm của Bộ Y tế, nếu thành lập mà đủ điều kiện thì hoàn toàn ủng hộ. Ở đây phải xác định có phải cứ khuyến khích thì muốn làm thế nào cũng được mà cần có những tiêu chí đảm bảo yêu cầu thì mới có thể thành lập được”.
PGS.TS Nguyễn Đức Hinh - Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội |
Nói về sự cần thiết của các các nhà đầu tư có đủ điều kiện tham gia vào đào tạo Y tế, PGS.TS Nguyễn Đức Hinh chia sẻ: Đất nước chúng ta có 90 triệu dân, trong khi đó số các trường ĐH đào tạo ngành Y chỉ khoảng 20 đơn vị. Trong khi đó ở trên thế giới thì cứ bình quân 2-3 triệu dân thì có một trường Y, qua đó chúng ta sẽ biết là đang thiếu bao nhiêu trường. Chẳng hạn như nước Mỹ có 151 trường Y với dân số 300 triệu, nước Nhật dân số hơn 125 triệu nhưng có khoảng 80 trường…Tuy nhiên chúng ta nên biết, để mở một trường Y rất khó. Đây là một bài toán cho Việt Nam.
“Nếu nói về lịch sử đào tạo ngành Y thì ĐH Y Hà Nội ra đời sớm nhất, sau đó đến các trường ĐH Y Dược TPHCM, ĐH Y Hải Phòng, ĐH Y Thái Bình, ĐH Y Thái Nguyên. Những trường này trước đây đều là phân hiệu của ĐH Y Hà Nội, sau khi đủ sức thì mới tách riêng để thành lập. Chính vì thế, để thành lập thành công một trường Y hiện nay thì theo tôi cách thực hiện đã từng làm trong quá khứ là khả thi hơn cả” – PGS.TS Nguyễn Đức Hinh nói.
Quá tuổi có đủ điều kiện tham gia giảng dạy ngành Y?
Một trong những vấn đề được các phóng viên quan tâm trong cuộc họp báo chiều 28-12 đó là việc các trường ngoài công lập mở ngành đào tạo Y – Dược nhưng giảng viên cơ hữu lại là các thầy, cô có độ tuổi khá cao. Điều này có ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo?
Không trả lời trực tiếp vào câu hỏi, PGS.TS Nguyễn Đức Hinh bày tỏ: Tôi cũng rất suy nghĩ về vấn đề này. Đối với các trường công lập thì có quy định rõ ràng. Trường ngoài công lập thì quy định như thế nào là vấn đề khó. Giữa tuổi khai sinh với sức khỏe không phải lúc nào cũng đồng hành với nhau. Có những người 70 tuổi nhưng sức khỏe vẫn tốt và minh mẫn nên vẫn phục vụ được.
“Vấn đề thực hành, thực nghiệm thì làm sao các bệnh viện mời các thầy có độ tuổi 75-80 vào mổ xẻ, khám chữa bệnh được để mà dạy cho sinh viên. Nếu không vào làm lâm sàn, khám chữa bệnh, cho thuốc, mổ xẻ thì việc dạy cho sinh viên là cả một câu chuyện. Chẳng hạn như tôi làm Hiệu trưởng nhưng mỗi tuần vẫn mổ 1-2 ca, khi tôi mổ thì đưa các em vào để chỉ dẫn, hướng dẫn. Nghĩa là tôi còn bệnh nhân và các em còn có cái để học được” – PGS.TS Hinh bày tỏ sự trăn trở.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Quyền Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) |
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH thì nhìn nhận dưới góc độ khác: Chúng ta cần phải có những sự kín kẽ ở nhiều góc độ để giải quyết vấn đề về độ tuổi của các giảng viên, nhằm tránh tình trạng không có độ kế tục phát triển giữa các thế hệ, nhưng cũng tránh đụng chạm làm hiểu lầm những nhà giáo, những người đã có tuổi, có cống hiến nhưng còn sức khỏe mà vẫn tiếp tục tâm huyết với nghề.
Nhà nước hiện nay quy định, các giáo sư được phép kéo dài thời gian công tác, nghĩa là trong cơ chế nhà nước được phép kéo dài thêm 10 năm làm việc, các phó giáo sư được phép kéo dài thêm 7 năm làm việc,… đây là thời gian tối đa được kéo dài trong quy chế để tính vào giảng viên cơ hữu của các cơ sở đào tạo công lập và được nhà nước trả lương từ ngân sách và chưa hưởng Bảo hiểm xã hội.
Đối với các trường tư thục, hiện nay không có quy định nào về độ tuổi cả. Tôi đã từng nói, một trong những nguyên nhân các trường tư thục chưa được tin cậy là do có những trường tư chỉ có mời các thầy đã về hưu rồi vào giảng dạy thôi. Mặc dù đây là điều đáng quý và các thầy có nhiều kinh nghiệm nhưng các bạn trẻ nhìn vào trường thì không thấy có đội ngũ kế cận, không nhìn thấy tương lai của trường. Chính vì thế cần phải kết hợp để có sự hài hòa.
“Hiện nay chưa có quy định nào về độ tuổi giảng viên tham gia vào các trường ngoài công lập, chính vì vậy chủ cơ sở đào tạo phải xem xét các giảng viên đó có còn đủ sức khỏe hay không. Về mặt quản lý hành chính thì hồ sơ của giảng viên đó phải có giấy chứng nhận sức khỏe của cơ sở Y tế” – bà Phụng cho biết.
Phó Cục trưởng Nguyễn Minh Lợi tiết lộ thêm: Trong tương lai là hành nghề y khoa thì phải có giấy chứng chỉ hành nghề và phải thi quốc gia. Giấy này được cấp và có thời hạn 5 năm. Hết thời hạn này phải thi để cấp chứng chỉ lại.
Quan điểm của Bộ Y tế là khi thi chứng chỉ hành nghề thì giảng viên chuyên ngành ở các cơ sở đào tạo không phân biệt trường công hay tư đều phải có chứng chỉ hành nghề và làm ở cơ sở thực hành. Khi quy định đó được ban hành thì độ tuổi có cao nhưng không đủ điều kiện, không được cấp chứng chỉ hành nghề thì cũng không được làm giảng viên cơ hữu chuyên ngành.
Theo Dân trí