Giáo dục
Thắp lửa tình yêu nước
“Con sẽ trở thành người lính hải quân để bảo vệ vùng biển, nơi cha đã ra đi...”, câu nói như lời thề quyết tâm của con trai ngư dân trong vở hoạt cảnh ca nhạc Biển gọi do học sinh lớp 11B1, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng biểu diễn vào những ngày cuối năm ngoái đã làm cả hội trường lặng đi vì xúc động. Thông điệp từ vở hoạt cảnh về tình yêu Tổ quốc chính là điều mà các thầy cô giáo và những “diễn viên không chuyên” muốn gửi gắm.
Một cảnh trong tiết mục Biển gọi do học sinh lớp 11B1 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng biểu diễn. |
Sống có lý tưởng và hoài bão
Câu chuyện bắt đầu từ bữa cơm của một gia đình ngư dân. Nghe tin tàu gặp nạn và người chồng mất tích, người vợ đã ngất xỉu khi đối diện với nỗi đau quá lớn. Hiếu - con trai duy nhất của vợ chồng người ngư dân - ôm mẹ an ủi và sau đó là những giằng xé trong chính anh.
“Nếu tôi không khuyên cha bám biển thì biết đâu không xảy ra chuyện”, người con trai tự vấn mình bằng những trăn trở, dằn vặt, dù lỗi không do anh. Và Trang, bạn gái của anh đã ở bên, động viên Hiếu bằng câu chuyện của chính mình vì cô có cha làm cảnh sát biển.
“Hãy bước ra và thắp một ngọn nến còn hơn ngồi mà nguyền rủa bóng tối” là lời khuyên của Trang dành cho Hiếu. Sau đó, Hiếu không học Đại học Y Hà Nội mà thi vào Học viện Hải quân. “Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình/ Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá/ Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả/ Nơi bão tố dập dồn, chăng lưới, bủa vây”, lời bài hát ngân vang như thúc giục những thanh niên như Hiếu tham gia bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Câu chuyện kết thúc bằng cái kết có hậu khi trong một lần tuần tra trên biển, Hiếu gặp lại cha mình lúc bấy giờ đã mất trí nhớ và lưu lạc trên một chiếc tàu đánh cá khác. Cuộc hội ngộ bất ngờ và đầy xúc động khiến cả hội trường vỗ tay rào rào.
“Chúng em rất thích được xem hoạt cảnh mà các bạn dàn dựng. Với hoạt cảnh Biển gọi, em nhận thấy những người trẻ như em phải sống có lý tưởng, hoài bão và trên hết là tình yêu Tổ quốc. Em nghĩ rằng, mình phải học tập tốt hơn, rèn luyện mình để thành công dân có ích”, Trần Nguyễn Minh Thư (lớp 11D2) nói.
Mỗi tháng, từng lớp của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tự tổ chức và biểu diễn một tiết mục hoạt cảnh ca nhạc với từng chủ đề khác nhau như: tôn sư trọng đạo, tình bạn, tình yêu, an toàn giao thông...
“Các em lên kịch bản, thầy cô sẽ góp ý để hoàn thiện kịch bản. Sau đó, các em tập luyện và chúng tôi tổng duyệt. Sau đó, tiết mục mới được diễn”, cô Nguyễn Thị Huyền, phụ trách hoạt động ngoài giờ của trường nói. Cô Huyền còn cho biết, mỗi tiết mục dàn dựng sẽ được nhà trường hỗ trợ 1 triệu đồng; ngoài ra, phụ huynh từng lớp sẽ hỗ trợ thêm.
Rèn kỹ năng
Biểu diễn hoạt cảnh ca nhạc theo từng chủ đề trong tháng chỉ là một trong rất nhiều hoạt động ngoại khóa được Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng tổ chức trong thời gian qua.
Theo cô Lê Thị Châu, Phó Hiệu trưởng nhà trường, hình thức sân khấu hóa thực hiện các chủ đề ngoài giờ lên lớp, đồng thời tổ chức các CLB, các hoạt động ngoại khóa nhằm tăng cường kiến thức các môn học, nâng cao nhận thức về chính trị, văn hóa, xã hội và rèn luyện kỹ năng sống. “Các em không chỉ học giỏi mà còn cần rất nhiều kỹ năng cho cuộc sống sau này”, cô Châu nói.
Cô Châu cũng cho biết, thời gian qua, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, hoạt động ngoài trời như tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Hội An; giao lưu văn nghệ với học sinh Trung tâm Nghệ thuật tình thương, trò chơi vận động, thể dục thể thao...
Các em còn hòa mình vào những cuộc thi như: vẽ tranh cổ động về biển đảo quê hương, viết về huyện đảo Hoàng Sa thân yêu, tìm hiểu Hiến pháp nước Việt Nam, kể chuyện về Bác Hồ... “Những bức tranh, bài dự thi đạt chất lượng nhất đã nhận được tặng thưởng. Giải thưởng nhỏ, mang tính động viên khích lệ là chính nhưng điều quan trọng là các em đã thực sự hào hứng với các phong trào”, cô Châu nói.
Không chỉ vậy, nhà trường còn khuyến khích, hướng học sinh đến các hoạt động nhân đạo từ thiện như: phát động quỹ Ngày vàng tình bạn để giúp đỡ học sinh khó khăn; thăm, tặng quà cho những em nhỏ ở các trung tâm trẻ em tại quận Sơn Trà, trẻ em bị bệnh hiểm nghèo ở Bệnh viện Phụ sản-Nhi...
“Qua những lần tham gia sinh hoạt, em cảm thấy tự tin hơn khi đứng trước đám đông cũng như rèn luyện được thói quen giao tiếp và khả năng làm việc nhóm”, Huỳnh Võ Thanh Thảo, lớp 11B1 cho biết.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ