.

"Gieo mầm" nghệ thuật tuồng từ học đường

.

Sau việc đưa tuồng xuống phố, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tiếp tục đưa tuồng đến các trường học trên địa bàn Đà Nẵng, với mong muốn loại hình nghệ thuật này không còn xa lạ với học sinh.

Các nghệ sĩ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn trích đoạn Trần Quốc Toản ra quân tại Trường tiểu học Trần Cao Vân.
Các nghệ sĩ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn trích đoạn Trần Quốc Toản ra quân tại Trường tiểu học Trần Cao Vân.

Một sáng cuối tháng 3, không phải buổi chào cờ đầu tuần nhưng toàn thể học sinh, giáo viên Trường tiểu học Trần Cao Vân (quận Thanh Khê) ngay ngắn ngồi ở sân trường chờ… xem tuồng. Lần đầu tiên được xem tuồng, nhiều em tỏ ra khá hào hứng.

Em Lê Anh Chi, học sinh lớp 5/2 nói: “Con chưa từng bao giờ xem tuồng, giờ được xem không ngờ thú vị đến vậy. Con từng học Lịch sử về câu chuyện vị anh hùng nhỏ tuổi Trần Quốc Toản nhưng thông qua cách diễn của các cô chú Nhà hát tuồng, câu chuyện hiện lên sinh động, gần gũi và rất dễ nhớ. Con mong có thêm nhiều buổi biểu diễn như thế này”.

Nhìn các em chăm chú xem tuồng, thầy Nguyễn Thế Quyết, Hiệu trưởng nhà trường thấy vui. Bởi lẽ, nhiều năm qua, nhà trường nỗ lực giúp học sinh tiếp cận văn hóa truyền thống của vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng bằng nhiều cách khác nhau. Nhưng việc các nghệ sĩ trực tiếp biểu diễn cho các em xem, nói cho các em cái hay của tuồng thì đây là lần đầu tiên.

“Tôi cho rằng, giới trẻ không yêu thích nghệ thuật truyền thống bởi các em hầu như ít được tiếp cận với loại hình này nên tỏ ra khá mơ hồ. Trẻ con như tờ giấy trắng, chúng ta vẽ hình gì sẽ ra hình nấy thôi. Đưa sân khấu tuồng vào học đường là chủ trương đúng đắn, giúp học sinh biết đến tuồng hiệu quả nhất”, thầy Quyết nói.

Trao đổi với chúng tôi, NSƯT Nguyễn Ninh, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết, nhiều năm qua, những người tâm huyết với nghệ thuật tuồng cũng đau đáu chuyện đưa tuồng đến gần với công chúng. Sau việc đưa tuồng xuống phố, năm 2016, Nhà hát tiếp tục phối hợp với 30 trường học trên địa bàn thành phố thực hiện chương trình “Đưa tuồng vào học đường” với hai trích đoạn tuồng Lê Lai liều mình cứu chúa và Trần Quốc Toản ra quân.

“Chọn những trích đoạn tuồng lịch sử, chúng tôi kỳ vọng vừa giúp các em hiểu về tuồng, vừa là cách để nhớ lịch sử của dân tộc, khơi gợi lòng yêu nước qua các gương anh hùng. Chỉ mới trình diễn tuồng ở một số trường nhưng thấy các em hào hứng xem, niềm hy vọng trong tôi lớn lắm.

Nếu chúng ta làm tốt thì đây là nền tảng để nghệ thuật tuồng có khán giả trẻ. Biết đâu trong số những em ngồi đây, có em sẽ trở thành diễn viên tuồng trong tương lai. Hy vọng bằng cách “Đưa tuồng vào học đường” sẽ giúp nhiều thế hệ học sinh yêu thích tuồng, trân trọng những giá trị nghệ thuật truyền thống”, NSƯT Nguyễn Ninh chia sẻ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để giới trẻ biết, hiểu và yêu nghệ thuật tuồng không thể chỉ bằng vài buổi tiếp xúc với tuồng. Từ năm 2004, Đà Nẵng là một trong số ít địa phương được chọn triển khai dự án “Sân khấu học đường” về nghệ thuật tuồng tại một số trường như: THCS Hòa Tiến (huyện Hòa Vang), THCS Lê Độ (quận Sơn Trà) và THCS Nguyễn Huệ, THCS Kim Đồng (quận Hải Châu). Tuy nhiên, mô hình này không thành công.

Vì thế, nên chăng đưa nghệ thuật truyền thống trở thành một môn học bắt buộc ở trường với giáo trình giảng dạy theo từng bộ môn. Thật ra, điều này đã được nhiều quốc gia áp dụng để bảo tồn nghệ thuật truyền thống. Theo GS, TS đạo diễn sân khấu Cha Soo Pong (người Singapore), thành viên Hiệp hội Sân khấu thế giới, tại Indonesia, chính phủ cho xây dựng 8 trường rải đều khắp quốc gia để dạy môn nghệ thuật Wayang Wong. Tương tự, trẻ em Thái Lan trong trường học buộc phải hát những bài về Khon với thời lượng 30 phút/tuần...

Điều này khiến chúng ta suy ngẫm về cách bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống. Đó là vai trò, trách nhiệm của chính quyền và bản thân mỗi gia đình trong việc giáo dục nghệ thuật truyền thống cho con trẻ, không nên để các nghệ sĩ đơn độc trên con đường lưu giữ nghệ thuật truyền thống của cha ông.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.