Giáo dục

Sống trọn đời sinh viên

13:45, 27/03/2016 (GMT+7)

Thay vì chọn một cuộc sống chỉ quẩn quanh nơi căn phòng trọ nhỏ bé và giảng đường đại học, nhiều bạn sinh viên hôm nay xông xáo đi làm thêm, tham gia Mùa hè xanh, tiếp sức mùa thi, làm nhiều dự án vì cộng đồng,… với tâm niệm “không sống làng nhàng, hoang phí đời sinh viên”.

Tham gia các hoạt động tình nguyện, xã hội giúp các sinh viên trưởng thành hơn, không hoang phí quãng đời sinh viên của mình.  Trong ảnh: Các bạn sinh viên tham gia Tiếp sức mùa thi năm 2015.
Tham gia các hoạt động tình nguyện, xã hội giúp các sinh viên trưởng thành hơn, không hoang phí quãng đời sinh viên của mình. Trong ảnh: Các bạn sinh viên tham gia Tiếp sức mùa thi năm 2015.

Lớn lên mỗi ngày

Đời sinh viên luôn là khoảng thời gian đáng nhớ nhất của mỗi người. Ở đó, tuổi trẻ có một khoảng trời vùng vẫy, được làm những điều mà thời phổ thông luôn tự dặn mình “đã là sinh viên thì phải làm được” để tạo nên những hồi ức đáng nhớ cho tuổi trẻ.

Với cô sinh viên “hạt tiêu” Nguyễn Thị Hiền (20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng) cũng vậy. Hiền tâm sự: “Hồi còn THPT, thấy mấy anh chị đi Mùa hè xanh mà “thèm” và em tự đặt mục tiêu cho mình khi trở thành sinh viên là phải tham gia Mùa hè xanh, tiếp sức mùa thi, làm gia sư,…”. Đem mong ước đó vào giảng đường đại học, Hiền hào hứng với những trải nghiệm thú vị trong những tháng ngày sinh viên khi lần đầu biết đến “mùi vị” Mùa hè xanh.

Vốn là con út trong nhà, mọi việc đều được cha, mẹ và các chị chu toàn, Hiền chỉ việc chăm lo học hành. Lần đầu tiên cầm chiếc cuốc đi làm đường ở thôn Trước Đông (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang), Hiền lóng ngóng như đứa trẻ lần đầu cầm thìa nhưng vẫn cố hoàn thành nhiệm vụ dù tối về bàn tay phồng rộp.

Rồi những đêm Hiền dạy học cho các em nhỏ, được các em gọi là “cô” xưng “con” đầy ấm áp yêu thương. Đêm cuối của chiến dịch, mấy cô trò ôm nhau khóc thút thít, có em còn nắn nót viết thư tay cho “cô” Hiền nhưng dặn về nhà mới được đọc…

“Gần một tháng đi Mùa hè xanh, em thấy mình trưởng thành hẳn, biết quý trọng cuộc sống, biết cảm thông và yêu thương hơn. Có những bữa cơm mình ăn mà lòng rưng rưng xúc động vì tình cảm của bà con dành cho sinh viên chúng em quá lớn”, mắt Hiền long lanh, ánh lên niềm hạnh phúc khi nhớ lại.
Mua trải nghiệm

Cô sinh viên Nguyễn Vũ Thùy Linh (Lớp Cử nhân báo chí, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng) lại tìm đến các dự án vì cộng đồng bởi thấy mình mới qua mỗi dự án, mới qua những lỗi sai, mới qua những trải nghiệm và hơn cả là qua những người bạn, người anh, người chị cùng cộng tác.

Linh là một trong những thành viên của nhóm We Group với nhiều dự án thiết thực cho xã hội, giới trẻ. Trong đó, dự án Vút bay do nhóm Linh thực hiện đã được UBND thành phố đầu tư trở thành một doanh nghiệp xã hội độc lập với mục đích giúp các em học sinh định hướng nghề nghiệp. Trong năm 2016, Vút bay đặt mục tiêu phải mới hơn, tốt hơn Vút bay 2015 để thu hút đa dạng học sinh hơn.

Linh bộc bạch: “Dự án nào cũng sẽ có chướng ngại nhưng cảm giác vượt qua nó và cho ra một chương trình thành công, mang lại tác động tích cực là một điều tuyệt vời. Hơn nữa, làm sao để không đi vào lối mòn là một thử thách với mỗi thành viên. Đó cũng là lực đẩy để mình phải chủ động mày mò, chịu “đấu não” hơn, bất đồng rồi đi đến đồng thuận”.

Bên cạnh đó, nhiều bạn sinh viên dù gia đình khá giả nhưng vẫn hăng hái đi làm thêm, dù tiền lương cực thấp so với công sức các bạn bỏ ra.

Đều đặn từ 14 giờ đến 21 giờ 30 hằng ngày, bạn Nguyễn Ngọc Ti (18 tuổi, Trường CĐ Kinh tế-kế hoạch) làm công việc bưng bê tại một quán cà-phê sinh viên. Có hôm khách đông, hơn 22 giờ mới tan làm nhưng Ti chỉ nhận được 900.000 đồng/tháng. Dẫu vậy, Ti vẫn vui vẻ bởi đây là một trong những mục tiêu em đặt ra khi bước vào quãng đời sinh viên của mình.

Lần đầu tiên cầm số tiền do mình vất vả kiếm được, Ti ứa nước mắt, tức tốc chạy ra cửa hàng mua cho mẹ chiếc khăn choàng và cho ba chiếc bao tay như đã hứa. Kể từ khi đi làm thêm, Ti đã biết tiết kiệm bằng việc cho chú heo đất “ăn” 2.000-5.000 đồng mỗi ngày, không còn hoang phí vào mua sắm quần áo như trước. “Em hy vọng với số tiền mình kiếm được trong 4 năm sinh viên này sẽ giúp em mua được… một nửa chiếc xe máy để ba mẹ đỡ tốn kém” - Ti cười nói.

CHIÊU ANH

.