.

"Đào tạo 350 tiến sĩ/năm vẫn còn khiêm tốn"

.

“Chúng tôi là cơ sở duy nhất trên cả nước chỉ đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ về khoa học xã hội với 412 giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ tham gia giảng dạy. Chỉ tiêu đào tạo 350 tiến sĩ mỗi năm còn là quá ít”.

GS Võ Khánh Vinh (phải) phát biểu trong buổi họp báo - Ảnh: Tuổi trẻ
GS Võ Khánh Vinh (phải) phát biểu trong buổi họp báo - Ảnh: Tuổi trẻ

Đó là chia sẻ của Giáo sư Đỗ Khánh Vinh, Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, trong buổi họp báo sáng nay, xung quanh việc dư luận gọi đây là “lò đào tạo tiến sĩ”.

Chỉ tiêu vẫn khiêm tốn so với năng lực

Trước đó, trên mạng facebook xôn xao thông tin Học viện Khoa học Xã hội liên tục đào tạo tiến sĩ với tần suất chỉ hơn một ngày cho “ra lò” một tiến sĩ. Tổng số tiến sĩ bảo vệ thành công tại Học viện năm 2015 là 165 người, nếu tính theo ngày làm việc thì trung bình, hơn một ngày có một tiến sĩ.

Năm 2016, Học viện này cũng thông báo tuyển sinh đào tạo tiến sĩ với 350 chỉ tiêu và 1.600 chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ.

Chia sẻ với báo chí sáng nay, Giám đốc Học viện Đỗ Khánh Vinh cho biết, Học viện hiện đào tạo 36 ngành và hàng năm được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua 350 chỉ tiêu, trung bình khoảng 10 chỉ tiêu cho mỗi ngành.

“Như vậy, chỉ tiêu không phải do Học viện đề ra mà do Bộ phê duyệt. Số học viên ứng tuyển các năm luôn gấp đôi so với chỉ tiêu này,” ông Vinh nói.

Cũng theo giáo sư Đỗ Khánh Vinh, Học viện hiện có 412 giáo sư, tiến sĩ tham gia giảng dạy, trong đó có 19 giáo sư, 175 phó giáo sư, còn lại là tiến sĩ. Nếu tính cả số cán bộ mời bên ngoài thì số giảng viên khoảng 2.000 người.

“Như vậy xét về số lượng chỉ tiêu với cơ sở đa ngành thực hiện đào tạo nhân lực chất lượng cao cho cả nước thì số lượng đó còn khiêm tốn,” ông Vinh cho biết.

Cũng theo ông Vinh, số lượng nghiên cứu sinh của Viện hiện đang là 1.050 người. Số tiến sĩ đã ra trường là 784 người.

Ông Vinh cũng khẳng định quy trình đào tạo của Học viện rất chặt chẽ, từ khâu tuyển sinh đến làm luận án.

Tài chính của Học viện thực hiện theo đúng thông tư quy định của Chính phủ. Cụ thể, mỗi năm học viên đóng học phí là 15,2 triệu đồng. Những học viên chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính sẽ không được bảo vệ.

“Có rất nhiều cơ sở đào tạo tiến sĩ nhưng các  học viên vẫn chọn học viện. Trong đó có nhiều cán bộ làm công tác hoạch định chính sách cấp bộ, ngành, khoảng 10% làm công tác nghiên cứu trong các viện hàn lâm và một tỷ trọng lớn là giảng viên các trường,” ông Vinh nói.

Đề tài nghiên cứu thiết thực với cuộc sống

Không chỉ choáng về số lượng đào tạo tiến sĩ quá lớn, dư luận cũng đặt ra khá nhiều băn khoăn trước những đề tài nghiên cứu bảo vệ luận án tiến sĩ tại Học viện như “Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch ủy ban nhân dân xã", "Địa vị pháp lý của Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ", "Hứng thú rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của sinh viên cao đẳng sư phạm", "Hành vi nịnh trong tiếng Việt", “Sự thích ứng với hoạt động dạy học của giáo viên tiểu học mới vào nghề"...

Về vấn đề này, giáo sư Nguyễn Văn Hiệp, Chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ học, chủ tịch Hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ với đề tài về “Hành vi nịnh trong tiếng Việt” cho rằng người dùng mạng xã hội đã không hiểu hoặc hiểu thô tục khái niệm “hành vi nịnh” trong khi những người làm công tác nghiên cứu lại nhìn dưới góc độ ngôn ngữ học.

Ông Hiệp cũng khẳng định đây là một đề tài thiết thực, chất lượng nghiên cứu đạt loại khá tốt. “Nghiên cứu đã chỉ ra những hình thái của hành vi nịnh để xã hội biết và phòng ngừa. Muốn ngăn ngừa nịnh thì phải nhận diện được nó. Tôi khuyến khích học viên ra sách công bố luận án. Tôi tự hào chắc chắn luận án sẽ được đánh giá tốt,” ông Hiệp nói.

Chia sẻ về đề tài “Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch ủy ban nhân dân xã”, giáo sư Vũ Dung, Viện trưởng Viện tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam nói: “Nhiều người cho rằng đây là đề tài bé nhỏ để làm nghiên cứu tiến sĩ, nhưng tôi nhận định đây là đề tài tốt.”

Khẳng định về tính cấp thiết của đề tài, giáo sư Dũng, nghiên cứu giao tiếp là vấn đề quan trọng của con người và không có giao tiếp sẽ không có xã hội.

Theo giáo sư Vũ Dũng, cả nước hiện có hơn 11.000 xã, tương ứng với việc có hơn 11.000 chủ tịch ủy ban nhân dân xã nên đối tượng nghiên cứu của đề tài là khá lớn. Đây cũng là những người sẽ triển khai trực tiếp các chính sách đến người dân. Trong khi đó, đề tài này gần như chưa được nghiên cứu nên ý nghĩa lý luận nó rất quan trọng. Trong thời gian gần đây, xã hội nói đến thực trạng của cán bộ cấp cơ sở là quan liêu, xa dân nhưng lại không có những nghiên cứu thực chứng.

“Trong suy nghĩ của nhiều người cứ nghĩ luận án tiến sĩ là phải to tát lắm, nhưng ở các nước phát triển, đề tài phải là vấn đề cụ thể, thiết thực. Ví dụ ở Hà Lan, có một luận án nghiên cứu về việc viết chữ trong nhà vệ sinh, việc nhổ nước bọt ở ngoài đường… Nghe không hoành tránh nhưng những đề tài này lại mang tính thực tiễn lớn, có ý nghĩa văn hoá. Học viện chủ trương đào tạo gắn liền với nghiên cứu, nghiên cứu gắn liền thực tiễn nên cần những đề tài có ý nghĩa thiết thực,” giáo sư Vũ Dũng nói.

VietnamPlus

;
.
.
.
.
.