Giáo dục
Đưa nội dung về Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa mới
Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (Đồng Nai) về việc đưa vấn đề biển đảo vào chương trình giáo dục.
Theo đó, nội dung giáo dục về biển đảo (trong đó có chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa) đã được đề cập trong các bài học của sách giáo khoa hiện hành môn Lịch sử và môn Địa lý cấp THCS và THPT.
Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT rà soát, bảo đảm tất cả bản đồ giáo khoa đều có vẽ và ghi tên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.
Đồng thời chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan tăng cường giáo dục lịch sử địa phương ở cấp THCS và THPT, đưa giáo dục biển đảo, chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa vào phần giáo dục địa phương của các tỉnh, thành phố…
Như vậy, vấn đề giáo dục về biển đảo nói chung (trong đó có vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa) hiện nay đã được đưa vào dạy học khá toàn diện trong nhà trường.
Tuy nhiên, do sách giáo khoa giáo dục phổ thông được ban hành từ những năm học trước nên việc cập nhật bổ sung những vấn đề mang tính thời sự liên quan đến biển đảo nói chung và chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng còn chưa kịp thời.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý để đưa vào chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới (theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2015) một cách đầy đủ, phù hợp các nội dung giáo dục về Hoàng Sa, Trường Sa; đồng thời tiếp tục đổi mới phương pháp và hình thức dạy học lịch sử nói chung và nội dung biển đảo nói riêng; tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức về bảo vệ chủ quyền biển đảo cho học sinh.
Theo Tuổi trẻ