Giáo dục
Vào đại học không phải là con đường duy nhất
Kết thúc đợt xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015, có một lượng lớn thí sinh đạt điểm khá cao vẫn chọn trường CĐ, thậm chí là các lớp đào tạo nghề ngắn hạn để nhập học. Đây là dấu hiệu xuất hiện một xu hướng mới trong chọn trường của thí sinh, khi ĐH không phải là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp.
Các phiên giao dịch việc làm được Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng tổ chức thường xuyên 3 lần/tháng. (Ảnh: Internet) |
Có nên “sống, chết” để vào đại học?
Câu chuyện dưới đây của một học sinh mới tốt nghiệp THPT ở Đà Nẵng trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 khiến không ít người phải suy nghĩ. Nghĩ rằng với lực học của mình, có đi thi ĐH, CĐ cũng không đỗ nên N.L.Q.K quyết định không nộp hồ sơ dự thi. Thế nhưng, ba mẹ em cứ hỏi con suốt về tình hình thi cử, đăng ký thi trường nào…
Không đủ “can đảm” để trình bày nguyện vọng, suy nghĩ của mình, cuối cùng N.L.Q.K quyết định vào trang thông tin điện tử của ĐH Đà Nẵng in giấy báo dự thi rồi sửa tên, dán ảnh của mình vào để “trình” cho phụ huynh biết.
Đợt 1 của kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH, vì điểm thi ở gần nhà nên K. tự đi xe đạp đến trường thi, ngồi ở quán nước cho hết giờ rồi về. Nhưng sang đến đợt 2, vì đã “nhỡ” in giấy báo dự thi ở Trường ĐH Bách khoa nên K. được anh trai đưa đến điểm thi. Không còn cách nào khác, K. đành phải trốn trong nhà vệ sinh và bị giám thị phát hiện, đưa về giữ tại phòng hội đồng và bàn giao cho công an xử lý.
Đã có không ít bàn tán, bình luận xung quanh cách “xử lý tình huống” của K., như sao không nộp đại một bộ hồ sơ rồi vào phòng thi ngồi chơi chờ hết giờ thì ra, sao lại quyết tâm “nói không với thi ĐH” nửa chừng như thế… Nhưng nhiều nhất vẫn là trách phụ huynh của N.L.Q.K đã không biết khả năng, học lực cũng như nguyện vọng của con, tạo ra áp lực không đáng có để cuối cùng đẩy con vào tình cảnh dở khóc dở cười.
Thỉnh thoảng đọc những câu chuyện về sự hy sinh của bậc làm cha làm mẹ còng lưng làm đủ thứ nghề, nhịn ăn, nhịn mặc, bằng mọi giá thu vén lo cho con theo học ĐH, tôi cứ nghĩ có nhất thiết phải “sống chết” để có được một tấm bằng cử nhân rồi lại đối mặt với nạn thất nghiệp ngay sau đó?
Trong khi đó, sự học là cả đời và không bao giờ là muộn; và cũng có nhiều cách để theo đuổi như vừa làm vừa học… Đại học, cao đẳng có phải là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp, để “đổi đời” khi mà hàng chục ngàn cử nhân, kể cả thạc sĩ vẫn phải làm những công việc lao động phổ thông trong khi thị trường lúc nào cũng khát lao động có tay nghề?
Cuối năm 2015, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố con số: 225.500 người có trình độ ĐH trở lên đang thất nghiệp, chiếm 20% số lao động thất nghiệp và đưa ra đánh giá: số lượng cử nhân, thạc sĩ không có việc làm gia tăng đáng kể theo thời gian.
Trong khi số lượng người thất nghiệp nói chung đang có xu hướng giảm, số lao động có trình độ CĐ, ĐH trở lên không có việc làm lại có xu hướng tăng và trở thành nhóm có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong các bậc trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động.
Ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Đà Nẵng, cho biết năm nay Trung tâm cần tuyển 4.400 công nhân kỹ thuật, đã qua hết 1/3 thời gian của năm nhưng chỉ tuyển được 90 người.
Đặc biệt, thợ cơ khí có tay nghề thì tìm đỏ mắt vẫn không có. Và trung tâm chỉ cần 1.500 người tốt nghiệp ĐH, 1.600 người tốt nghiệp CĐ; cần 2.800 người có bằng Trung cấp và 7.400 lao động phổ thông. Theo số liệu từ Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, hằng năm trên địa bàn có khoảng 15.000 sinh viên tốt nghiệp; gần 5.000 người được đào tạo nghề và hàng chục nghìn lao động được đào tạo ngắn hạn và đào tạo lại. 5 năm gần đây, nguồn cung lao động ở Đà Nẵng tăng 4% - 4,2%; số lao động thất nghiệp ở thành phố cuối năm 2015 vẫn còn 4%.
Quan tâm đầu ra
Theo thống kê của Trường CĐ Công nghệ (ĐH Đà Nẵng), trong số 1.371 thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 (NV1) năm 2015, có 400 thí sinh đạt 17 điểm trở lên. Điểm trúng tuyển bình quân của Trường CĐ Công nghệ là 15,95, chưa tính điểm ưu tiên. Trường CĐ Thương mại Đà Nẵng có 659/1.512 thí sinh có tổng điểm 3 môn từ 15 điểm trở lên, chưa tính điểm ưu tiên. Thủ khoa của trường có tổng điểm 3 môn là 23,5 điểm.
Thầy Nguyễn Văn Lành, Phó phòng Đào tạo, Trường CĐ Công nghệ nhận định: số thí sinh có điểm trúng tuyển trên điểm sàn ĐH có cơ hội ở nhiều trường ĐH, cả công lập và tư thục nhưng các em đã chọn học ở bậc CĐ vì nhiều cơ hội mở ra cho các em theo những ngã đường đa dạng chứ không nhất thiết phải vào ĐH. Thí sinh, khi lựa chọn trường để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, đã không chỉ đơn thuần chọn một trường cho có, mà còn cân nhắc về chất lượng đào tạo, cơ hội việc làm…
Bạn Trần Quốc Cảnh, sinh viên ngành Kỹ thuật cơ - điện tử và bạn Nguyễn Thị Liễu, sinh viên ngành Quản lý xây dựng, đang học năm cuối Trường CĐ Công nghệ đều nhận thấy quyết định mình chọn học CĐ 3 năm trước là hoàn toàn đúng. Thời gian học ngắn hơn, tiền nộp ít hơn; may mắn hơn nhiều bạn cùng lứa không theo nổi chương trình đại học phải nghỉ giữa chừng. Liễu đang theo học một khóa học tiếng Anh trước khi đi làm vì “nó quan trọng hơn học liên thông lên đại học”. Còn Cảnh thì đã tìm hiểu trước và biết “các công ty cần người làm việc luôn, có tay nghề để không phải đào tạo lại, đặc biệt như tụi em vừa có thể thiết kế vừa đứng máy vận hành”.
Chị Trần Uyên Giang, Trung tâm đào tạo nghề Reach Đà Nẵng cho biết: Hai năm trở lại đây, năm nào cũng có những học viên tuy đã đỗ ĐH, CĐ nhưng vẫn chọn theo học tại trung tâm. “Học phí thấp, thời gian thực hành nhiều và cơ hội tìm kiếm việc làm cao với mức thu nhập ổn định… là những ưu điểm khiến đào tạo nghề ngắn hạn trở thành xu thế nghề nghiệp mới.
Các học viên theo học tại Reach Đà Nẵng đều được giới thiệu việc làm, tỷ lệ có việc làm của mỗi khóa học đảm bảo 85 - 90%”, chị Uyên Giang cho biết. Hiện Trung tâm Reach Đà Nẵng đang triển khai đào tạo nghề miễn phí cho thanh niên yếm thế, tập trung vào các ngành nghề: nghiệp vụ buồng - phòng, nghiệp vụ bàn - bar, thiết kế đồ họa. Đây cũng là các nghề chủ yếu thị trường lao động của thành phố đang thiếu, nhất là lao động có tay nghề, doanh nghiệp không mất quá nhiều thời gian đào tạo lại khi tuyển dụng.
Cần dự báo đúng nhu cầu của xã hội
Theo đề án quy hoạch phát triển nguồn nhân lực thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2011 - 2020, tới năm 2020, có 70% lao động, tương đương 900.000 người qua đào tạo. Trong số này có 21% lao động có trình độ ĐH, CĐ, 16% có trình độ TCCN và 33% công nhân kỹ thuật (CNKT).
Với việc đảm bảo cơ cấu khoảng 2/3 số lao động đã qua đào tạo cho đến năm 2020 có trình độ TCCN và CNKT, theo ông Nguyễn Minh Hùng, Phó GĐ Sở GD&ĐT Đà Nẵng, nếu thành phố không có chính sách đặc thù về tuyển sinh, tuyển dụng, tìm kiếm thị trường lao động đối với hệ TCCN và dạy nghề thì rất khó có thể đạt được mục tiêu về cơ cấu lao động là 1 ĐH, CĐ - 0,8TCCN - 1,6 CNKT như đề án đề ra. Thời gian qua, các trường TCCN đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng đào tạo nhưng thực tế là hằng năm, các trường này tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, thậm chí là nhiều trường đã đóng cửa vì không có người theo học.
Ông Nguyễn Thanh Diệp cho rằng, các công ty vẫn tuyển công nhân là những người đã tốt nghiệp ĐH, CĐ, nhưng họ giấu bằng; và các công ty phải đào tạo lại tay nghề. Nhiều công nhân có bằng nghề nhưng không thể làm việc độc lập, phải có người hướng dẫn, gây ra sự lãng phí rất lớn cho gia đình, xã hội.
Theo phân tích của Sở LĐ-TB&XH thành phố, một số ngành nghề thuộc nhóm ngành kỹ thuật và dịch vụ như hàn công nghệ cao, công nghệ ô-tô, lắp đặt điện, điện công nghiệp, dịch vụ nhà hàng, khách sạn… vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và cấp trình độ đào tạo.
Các cơ sở đào tạo nghề chủ yếu là đào tạo ngắn hạn và thường tập trung vào các ngành đơn giản như điện dân dụng, cơ khí, gò hàn, may công nghiệp, lễ tân, khách sạn, buồng phòng, trồng nấm, nuôi cá nước ngọt, một số nghề dịch vụ thẩm mỹ… Các ngành có hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao như bảo dưỡng, sửa chữa lắp ráp các thiết bị chính xác, cơ khí chế tạo máy, hàn công nghệ cao, các nghề thuộc lĩnh vực tự động hóa… chưa được chú trọng đầu tư về chất, trong khi đây lại là những ngành nghề mà các doanh nghiệp đang cần và phải đào tạo lại lao động sau khi tuyển dụng.
Lâu nay, trong xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh, các cơ sở đào tạo chủ yếu chỉ dựa trên điều kiện đáp ứng giảng dạy như cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chứ chưa dựa nhiều trên nhu cầu thực tế của các ngành. Chính vì vậy, theo GS,TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, trong quy hoạch và phát triển nguồn nhân lực của các địa phương, cần phân nhỏ hơn các ngành, nhóm ngành nghề và dự báo nguồn nhân lực theo các nhóm ngành nghề cũng như theo trình độ của từng ngành để các cơ sở đào tạo dễ dàng điều chỉnh kế hoạch đào tạo của mình cho phù hợp.
Công tác dự báo nhân lực cũng chưa được các địa phương quan tâm một cách thỏa đáng, chưa phản ảnh đúng hiện thực. Và từ công tác dự báo kém, nên tình trạng thừa và thiếu nhân lực rất phổ biến, gây lãng phí lớn và tồn tại nhiều năm qua.
Hiền Lương - Hà Trần