Giáo dục
Câu chuyện cây thước và kỷ luật tích cực
Theo kết quả khảo sát của tổ chức Hòa bình và Phát triển Tây Ban Nha (PyD) trước khi triển khai dự án Hành trình yêu thương tại Đà Nẵng, cho thấy có đến 67% học sinh (HS) từng bị giáo viên thực hiện các hình phạt thân thể, trong đó 34% bị đánh bằng tay và 33% bị đánh bằng đồ vật khác. Giảng dạy theo phương pháp kỷ luật tích cực trong giờ học mới được áp dụng ở Việt Nam thời gian gần đây đòi hỏi giáo viên có sự nhạy cảm, năng động, tôn trọng HS…
Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Công tác HS-SV, Sở GD&ĐT Đà Nẵng trò chuyện với học sinh Trường THCS Lý Thường Kiệt trong chương trình truyền thông giáo dục lối sống, ngăn ngừa học sinh bỏ học. Ảnh: H.T |
Khi thầy cô không phải là chỗ dựa về tinh thần
Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng trong một diễn đàn nói về bạo lực học đường, cho rằng, khi đứa trẻ đang hành hung người khác là đáng lên án, đáng trách, nhưng nó cũng là một kiểu “nạn nhân” để chúng ta phải suy nghĩ.
Trong nhiều trường hợp, đứa trẻ thấy đâu cũng có người: cha mẹ, thầy cô, bạn bè... nhưng lại như đang bị bỏ rơi, thiếu sự chia sẻ, can thiệp, giúp đỡ. Không có ai dạy cho các em cách chia sẻ, kiềm chế cảm xúc. Hoàn cảnh ấy sẽ là “cơ hội” đưa đẩy các em tới sự vô cảm, kẻ xấu, trò chơi điện tử, chất kích thích, bạo lực...
“Ở các trường học, chúng ta gặp HS của mình trong đồng phục giống nhau, tươi cười vòng tay thưa cô nhưng ẩn chứa bên trong là một thế giới khác. Kết quả khảo sát rất đáng suy ngẫm khi chỉ có 8,3% HS chia sẻ vấn đề bạo lực với thầy cô, phần lớn các em có thói quen im lặng chịu đựng hơn là tìm kiếm sự giúp đỡ”, ông Nguyễn Minh Hùng nói.
Trong một khảo sát khác về công tác tư vấn tâm lý học đường do Phòng GD&ĐT quận Cẩm Lệ tổ chức, trong số 600 phiếu hỏi có 480 mẫu phiếu dành cho HS 44 lớp bậc THCS. Trên 50% HS được hỏi cho biết thỉnh thoảng có gặp khó khăn về tâm lý, tỷ lệ này cao hơn ở khối lớp 8, 9; trong đó HS nữ chiếm trên 2/3, có khoảng 5% HS được hỏi cho biết các em thường xuyên gặp khó khăn về tâm lý. Chỉ có 39/448 HS cho biết mình đã từng nhờ giáo viên tư vấn tâm lý.
Các quy định trong nhà trường không nói về kỷ luật tích cực hay kỷ luật tiêu cực mà kỷ luật là kỷ luật; HS vi phạm được xử lý theo các quy phạm pháp luật. Điều này là không sai nhưng có vẻ như khô cứng trong môi trường giáo dục. Trong khi đó, với việc áp dụng kỷ luật tích cực, đòi hỏi giáo viên phải kiên trì, thuyết phục, mềm mỏng và đặc biệt là khả năng kiềm chế cảm xúc.
Theo ông Nguyễn Minh Hùng, câu chuyện bạo lực học đường có một phần nằm ở hình ảnh cây thước của giáo viên: “Mỗi cô giáo ở tiểu học đều có cầm một cây thước mà có vẻ như là một cái roi chứ không phải là thước gạch bảng. Tôi đã từng đặt vấn đề này với một hiệu trưởng và nhận được câu trả lời rằng, sẽ phát động một phong trào thi đua không dùng thước khi lên lớp. Nhưng tôi muốn nói rằng, không dùng thước ở đây là với tư cách không dùng bạo lực, bởi nếu không dùng thước, biết đâu cô giáo lại duy trì kỷ luật lớp học bằng những hình thức khác”.
Kỷ luật tích cực
Dự án Hành trình yêu thương ngoài tuyên truyền bình đẳng giới, góp phần hình thành nhân cách và ý thức đạo đức tích cực trong HS, còn trang bị cho giáo viên phương pháp kỷ luật tích cực. Theo đó, cha mẹ, thầy cô phải luôn tìm các biện pháp, cách thức xử lý tình huống, các hình thức giáo dục HS mà không la mắng, nạt nộ, cáu giận, đánh đập… khi các em phạm phải sai lầm; cần gần gũi, quan tâm, hướng dẫn, giúp đỡ các em thừa nhận lỗi lầm và biết cách khắc phục.
Cô Phạm Thị Thu Trang, Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai chia sẻ câu chuyện thành công về kỷ luật tích cực: “V. là một HS lớp 6, mẹ mất sớm, em ở cùng ba và anh trai trong điều kiện kinh tế khó khăn, gia đình em không có chỗ ở ổn định. Một hôm, do gây gổ, xích mích với các bạn HS lớp bên cạnh, V. bị cô giáo chủ nhiệm lớp bạn trách mắng, em cãi lại, cô giáo tức giận đã tát em và yêu cầu em viết bản kiểm điểm. V. đã hứa không tái phạm. Thế nhưng, em vẫn tiếp tục phạm lỗi. Lên lớp 7, V. học với tôi, vẫn là học trò phá phách, lười học, thích chọc ghẹo, đánh bạn. Tôi gần gũi với V., hướng cho em tự tìm ra hướng giải quyết vấn đề của chính bản thân em. Tôi tin tưởng giao việc cho em. Khi em làm được, tôi tuyên dương và khen thưởng trước lớp. Dần dần, em vượt qua mặc cảm và nhận thấy mình có thể làm được nhiều việc có ích, em hòa đồng cùng các bạn trong học tập cũng như vui chơi…”.
Trước khi bất kỳ hình thức xử phạt nào được sử dụng, giáo viên nên xem xét lý do tại sao HS phạm lỗi và có hình phạt thích hợp, cần thiết. HS có thể mắc lỗi trong hay ngoài tầm kiểm soát của các em. Ví dụ như một em HS không làm bài tập về nhà vì ba mẹ em bắt em phải tham gia công việc kinh doanh của gia đình về đêm, khác với những HS khác đã không làm bài tập vì lười biếng.
Xử phạt chỉ nên được sử dụng khi nó được coi là hành vi sai trái có thể sửa chữa được. Theo PyD, kỷ luật tiêu cực đã phạt một đứa trẻ con như một con người, chứ nó không phạt hành vi của họ. Sử dụng lặp đi lặp lại kỷ luật tiêu cực có thể gây hiệu ứng tiêu cực dài hạn đến sự phát triển thể chất, tinh thần của trẻ em.
Ở nhiều diễn đàn của HS, nếu thực sự thầy, cô giáo chịu khó dành chút thời gian tìm hiểu, lắng nghe tâm tư của HS thì bức tranh học đường sẽ ít nhiều có sự thay đổi. Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Công tác HS - SV, Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho rằng: “Kỷ luật tích cực đem lại lợi ích cho người lớn, tránh căng thẳng, giúp người lớn hiểu trẻ em hơn. Nó cũng giúp trẻ biết tôn trọng bản thân cũng như tôn trọng người khác, nâng cao tinh thần trách nhiệm. Đây cũng là cách thức để xây dựng trường học bình đẳng, không bạo lực”.
Nguyên tắc kỷ luật tích cực thay cho trừng phạt: - Hãy thể hiện cho trẻ biết là bạn đang tức giận nhưng đừng quát tháo, đánh mắng trẻ. - Hãy nói rõ những mong muốn của mình cho trẻ biết. - Hãy chỉ cho trẻ cách sửa đổi. - Hãy dành cho trẻ một sự lựa chọn. - Hãy thực hiện hành động ngăn chặn kể cả ngăn cấm nghiêm khắc nếu trẻ vẫn tái phạm. - Hãy cũng trẻ bàn bạc để giải quyết vấn đề. (Trích tài liệu Hành trình yêu thương của PyD và Sở GD&ĐT Đà Nẵng) |
HÀ TRẦN