Trong kỳ thi sinh viên giỏi Đại học Đà Nẵng diễn ra vào tháng 5 năm nay, cô sinh viên Lê Thị Thu Nguyệt, chuyên ngành Sư phạm Toán, Đại học Sư phạm là thí sinh duy nhất hai lần đoạt giải nhất môn toán với số điểm cao 9,5.
Với Nguyệt, học toán là niềm đam mê. |
Mê toán từ thuở bé
Nói về giải thưởng của mình, cô sinh viên năm 3 (21 tuổi) tỏ ra bẽn lẽn cùng nụ cười duyên: “Có chút may mắn ạ”. Dù cô bạn khiêm tốn với thành tích đạt được, song nếu nhìn lại quá trình học toán đáng nể của Lê Thị Thu Nguyệt, có thể thấy cô đã đến với bộ môn toán bằng quá trình khổ luyện và đam mê thực sự.
Trong 3 năm học tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Lê Thị Thu Nguyệt đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, tốt nghiệp THPT loại giỏi. Nguyệt còn “ẵm” một loạt giải thưởng toán học: giải khuyến khích thành phố năm lớp 10, giải ba năm lớp 11, giải nhì năm lớp 12. Bên cạnh đó, Nguyệt còn là thủ khoa đầu vào Trường Đại học Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) với số điểm 27.
Không đợi bước chân vào trường chuyên, Nguyệt mới tỏ rõ năng khiếu với môn toán. Ngay từ khi còn là học sinh tiểu học, Nguyệt đã khiến thầy cô giáo ngỡ ngàng trước một học trò hiếm hoi có thể giải được câu cuối cùng rất khó trong đề thi cấp trường và đạt 17/20 điểm. Cuộc thử sức “bé tẹo” năm ấy tại Trường tiểu học Phù Đổng như cái duyên đưa Nguyệt gắn bó và yêu môn toán hồi nào không hay.
Tưởng môn toán chỉ dành cho con trai, nhưng với cô gái bé nhỏ này, giải được bài toán hay là niềm thích thú khó diễn tả. Sau những giờ căng thẳng suy tính, việc tìm ra đáp án như phần thưởng xua tan bao mệt mỏi và càng lôi cuốn cô chinh phục những bài toán hóc búa hơn. Ít khi chịu bằng lòng với cách giải thông thường, Nguyệt luôn tìm nhiều phương pháp khác nhau để giải cùng một bài toán. Ở lớp, nếu chỗ nào không hiểu, Nguyệt tranh thủ hỏi ngay thầy cô và về nhà đọc lại.
Ước mơ đi khắp thế giới
Ở bậc đại học, Nguyệt đoạt giải nhất sinh viên giỏi Giải tích 2014, giải nhất Sinh viên giỏi toán 2016, giải nhất Nghiên cứu khoa học cấp khoa. Bí quyết của Nguyệt là với môn toán cấp THPT, học sinh chỉ cần nắm kiến thức sách giáo khoa và giải thật nhiều bài tập (trong sách giáo khoa, sách bài tập, sách nâng cao…) để không bỡ ngỡ với các dạng bài mới; đồng thời có kỹ năng làm bài nhanh, chính xác. Trong khi đó, ở bậc đại học, bên cạnh nắm chắc lý thuyết, người học cần dành thời gian thực hành thật nhiều, cùng việc tự học tại nhà, tìm tòi thêm tài liệu. Đây là cách quan trọng nhằm củng cố, mở mang thêm kiến thức đã học.
Học giỏi nhiều năm liền, nhưng cô gái mê toán thật thà thổ lộ, mỗi khi chuyển cấp, cô đều gặp khó khăn trong việc thích nghi, vì nhiều bạn cùng lớp học “siêu” giỏi. “Những lúc đó, em thấy mình phải cố gắng nhiều hơn nữa và học hỏi thêm ở các bạn nhiều điều”, Nguyệt tâm sự.
Nguyệt cho biết, người có ảnh hưởng lớn nhất với em chính là ba. Ba Nguyệt thường cho con gái nhiều lời khuyên, nhưng ông luôn để con tự quyết định những việc liên quan đến bản thân. Ba mẹ Nguyệt đều là giáo viên nên khá nghiêm khắc trong công việc cũng như dạy dỗ và rất quan tâm đến việc học của hai cô con gái (Nguyệt có em gái học lớp 8). Bởi vậy, chị em Nguyệt luôn tự nhủ cố gắng nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn trong học tập và rèn luyện.
Không chỉ có toán, sau những giờ học, như bao cô gái mới lớn khác, Nguyệt dành thời gian lướt facebook, nghe nhạc, xem phim. Ngoài thời gian học ở giảng đường, Nguyệt còn tham gia vào Câu lạc bộ tiếng Anh. Cô cho rằng, trong thời đại hội nhập như ngày nay, muốn phát triển, hòa nhập với bạn bè quốc tế thì không thể thiếu “chìa khóa” ngoại ngữ. Giờ rảnh rỗi, Nguyệt lại cùng nhóm bạn thân đi chơi và trau dồi thêm tiếng Anh. Cô chia sẻ ước mơ được đi du lịch khắp thế giới, đến nhiều vùng đất, gặp gỡ nhiều người để mở mang hiểu biết…
Bài và ảnh: KIM NGÂN