.
Chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016

Bảo đảm an toàn, nghiêm túc

.

Chiều 13-6, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng chủ trì cuộc họp bàn về công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016. Khẩn trương, chu đáo, an toàn, nghiêm túc là mục tiêu lãnh đạo thành phố đặt ra cho các sở, ngành trong việc chuẩn bị kỳ thi.

Học sinh lớp 12 tại Đà Nẵng ôn thi chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016.
Học sinh lớp 12 tại Đà Nẵng ôn thi chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016.

Rà soát kỹ thông tin của thí sinh

Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng (GD&ĐT) cho biết, hiện đã tiếp nhận tổng cộng 11.003 hồ sơ thí sinh đăng ký, trong đó có 1.243 hồ sơ dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp, 1.863 hồ sơ dự thi chỉ để xét tuyển cao đẳng (CĐ), đại học (ĐH) và 7.897 hồ sơ dự thi vừa để xét công nhận tốt nghiệp, vừa để xét tuyển CĐ, ĐH, ít hơn so với các năm trước.

Sở GD&ĐT cũng tiến hành in và cấp phát giấy báo dự thi cho học sinh từ ngày 10-6 đến 15-6. “Sau khi các em nhận giấy báo dự thi, chúng tôi yêu cầu các điểm tiếp nhận tiếp tục rà soát, báo cáo nếu có sai sót và phối hợp với ĐH Đà Nẵng chỉnh sửa bảo đảm đúng thông tin hộ tịch của học sinh đăng ký dự thi trước ngày thi”, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT nói.

Theo đề nghị của ĐH Đà Nẵng, Sở điều động 100 giáo viên tham gia công tác coi, chấm thi cho kỳ thi THPT quốc gia tại cụm thi số 40; chọn 324 giáo viên cơ hữu có chuyên môn vững, đang dạy lớp 12 tại các đơn vị, trường học tham gia công tác chấm thi, bảo đảm yêu cầu về môn và số lượng của ĐH Đà Nẵng; đồng thời, điều động thêm 40 giáo viên chấm thi cho cụm thi số 46 và 63 người cho cụm thi số 41.

Giám đốc ĐH Đà Nẵng Trần Văn Nam cho biết, công tác vận chuyển đề thi và bài thi được ĐH Đà Nẵng chú trọng bảo đảm an toàn tuyệt đối. Bài thi sẽ được bỏ vào thùng kẽm niêm phong kỹ.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng yêu cầu rà soát kỹ giấy báo dự thi và các thông tin của thí sinh, tránh nhầm lẫn. “Nhất định không được để em nào vì nhầm lẫn trong hồ sơ mà không được dự thi. Vào buổi gặp mặt cuối cùng trước khi thi, ngành GD&ĐT cần xem xét lại kỹ các thông tin, để các em tự rà soát lại thông tin của chính mình”, ông Dũng nói.

Trong những ngày diễn ra kỳ thi, Điện lực Đà Nẵng hỗ trợ lắp đặt máy phát điện dự phòng; đồng thời cử cán bộ trực 24/24 giờ tại địa điểm in, sao đề thi từ ngày 20-6 đến 4-7 và ưu tiên cấp điện cho địa điểm chấm thi từ ngày 7-7 đến 20-7. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng chỉ đạo Điện lực Đà Nẵng cần ứng trực tại những điểm quan trọng để nếu có sự cố về điện sẽ xử lý kịp thời ngay tại vị trí đó. ĐH Đà Nẵng phải luôn có phương án dự phòng, đề phòng tai nạn giao thông, cháy nổ.

Mở cổng trường, tìm địa điểm cho người nhà thí sinh ngồi nghỉ

Mùa thi năm nay, ĐH Đà Nẵng huy động 300 tình nguyện viên là các đoàn viên, sinh viên làm nhiệm vụ đón tiếp, động viên, hướng dẫn thông tin (phòng thi, lịch thi) cho thí sinh. Điểm mới của kỳ thi là các địa phương đều tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo cụm, nên  thí sinh đều có hộ khẩu Đà Nẵng, không có thí sinh ngoại tỉnh. Do vậy, các tình nguyện viên sẽ tập trung nhiều hơn vào nhiệm vụ giới thiệu địa điểm nghỉ ngơi giữa các buổi thi tại ký túc xá của các trường ĐH.

Đồng thời, các đội sinh viên tình nguyện được thành lập tại các điểm tập trung đông thí sinh và người nhà để phát thức ăn, nước uống. Ông Nguyễn Duy Minh, Phó Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng cho biết: “Chúng tôi đang rà soát danh sách các học sinh có hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ các em tham gia thi tốt nhất. Thành Đoàn thành lập những đội thanh niên tình nguyện phối hợp với lực lượng Công an điều phối giao thông trong những giờ cao điểm”. Hội Sinh viên thành phố cũng đã vận động được hơn 11.000 chai nước Pepsi phục vụ thí sinh, đồng thời sẽ có những suất ăn miễn phí dành cho thí sinh và người nhà.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng căn dặn mùa thi đúng vào thời điểm nắng nóng nhất trong năm, có khả năng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của thí sinh và người nhà. Do vậy, để tránh tình trạng phụ huynh ngồi vật vạ dưới cái nắng gắt trước cổng trường, tất cả các địa điểm thi cần linh động mở cổng trường, chẳng hạn như Trường THPT Phan Châu Trinh hay Trường ĐH Bách khoa, để phụ huynh có chỗ ngồi nghỉ mát mẻ, có nước uống. “Ngành Y tế cần bổ sung một số nhân sự trực tại các điểm coi thi và chấm thi để xử lý ngay khi có sự cố xảy ra.

Cơ số thuốc và xe cấp cứu phải chuẩn bị đủ để ứng cứu tại chỗ. Các quán, hàng ăn cũng phải được kiểm tra chặt chẽ, bảo đảm an toàn thực phẩm cho thí sinh và người nhà”, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng chỉ đạo. Ông Dũng cũng nhấn mạnh, Sở Thông tin và Truyền thông phải công bố sớm ngay khi có kết quả cho thí sinh và người nhà yên tâm.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 diễn ra từ ngày 1 đến 4-7 với 8 môn thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Địa lý, Sinh học và Lịch sử. Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài thi mỗi môn 180 phút. Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài mỗi môn 90 phút. Môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút.

Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong các môn còn lại. Để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển ĐH, CĐ, thí sinh dự thi 4 môn và đăng ký dự thi thêm các môn khác theo tổ hợp môn xét tuyển của các trường ĐH, CĐ.

Đà Nẵng có 11 điểm thi, trong đó có 7 điểm thi được đặt tại các trường ĐH, CĐ; 4 điểm thi đặt tại các trường THPT. Cụ thể, quận Hải Châu có 3 điểm thi, quận Ngũ Hành Sơn 2 điểm thi, quận Thanh Khê 1 điểm thi, quận Sơn Trà 1 điểm thi và quận Liên Chiểu 4 điểm thi.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.