.

Cơ sở dạy nghề khốn khó: Bài 2: Khó khăn bủa vây

.

Cái “bắt tay” chưa thật chặt giữa trường nghề và doanh nghiệp khiến cung-cầu vẫn mãi chưa thể gặp nhau. Bên cạnh đó, các trường nghề đang “kêu trời” trước quy định bảo đảm 3.750 tiết/ngành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), gây quá tải cho người dạy lẫn người học.

Quá nhiều rào cản khiến các cơ sở dạy nghề lâm vào cảnh khốn khó. Trong ảnh: Học sinh học nghề Công nghệ ô-tô tại Trường CĐ Nghề Đà Nẵng.
Quá nhiều rào cản khiến các cơ sở dạy nghề lâm vào cảnh khốn khó. Trong ảnh: Học sinh học nghề Công nghệ ô-tô tại Trường CĐ Nghề Đà Nẵng.

Doanh nghiệp “bắt tay” với trường nghề: Còn xa!

Đào tạo học sinh, sinh viên (HS-SV) là để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Sự kết nối giữa nhà trường với doanh nghiệp được xem là sống còn của mỗi ngành, nghề đào tạo. Tuy vậy, bao năm qua, “đầu vào” và “đầu ra” vẫn chưa thực sự thông suốt.

“Cầm được đồng tiền của doanh nghiệp “chua” lắm!”, ông Đặng Phúc Sinh, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Việt - Úc chia sẻ. Thời gian qua, sự hợp tác và “đơn đặt hàng” của doanh nghiệp với Trường CĐ Nghề Việt-Úc Đà Nẵng tuy có nhưng vẫn còn quá ít so với số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, khách sạn đóng trên địa bàn.

Trong khi đó, theo các doanh nghiệp, việc không hoặc không dám “bắt tay” với trường nghề là bởi nguồn lao động luôn biến động. Anh X., chủ một khách sạn khá lớn trên địa bàn quận Hải Châu chia sẻ, chỉ khi có nhu cầu lao động, doanh nghiệp của anh mới tuyển bằng cách đăng thông tin trên các trang thông tin điện tử dịch vụ việc làm hoặc các trung tâm giới thiệu việc làm. “Tôi không đặt hàng trường nghề, bởi nguồn lao động luôn biến động, đặt lỡ không nhận thì rắc rối”, anh X. lý giải. Thêm vào đó, anh X. phàn nàn năng lực đào tạo của các trường nghề còn yếu. Người lao động có thể nói lý thuyết rất trơn tru khi phỏng vấn, nhưng bắt tay vào làm thực tế thì lóng ngóng, phải mất rất nhiều thời gian làm quen công việc.

Với Trường CĐ Nghề số 5, do được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tốt và chỉ tập trung đào tạo các nghề thuộc khối kỹ thuật như: Cơ khí, Động lực, Điện, Điện lạnh,… là những nghề doanh nghiệp đang rất cần lao động, nên đã có nhiều nhiều nơi chủ động liên hệ nhà trường để đặt hàng hoặc liên kết đưa HS-SV đến thực tập, hỗ trợ sản xuất tại doanh nghiệp. Tuy vậy, sự liên kết chưa mang tính ổn định và lâu bền. Theo Đại tá Nguyễn Hữu Hoàng, Hiệu trưởng nhà trường: Doanh nghiệp muốn có nguồn nhân lực tốt, đúng ra phải chủ động đến trường nghề đặt hàng và hỗ trợ kinh phí đào tạo với các trường. Đằng này, lúc nào có hợp đồng sản xuất, thiếu nguồn nhân lực, doanh nghiệp mới chạy đến các trường săn tìm lao động theo kiểu thời vụ. Hơn nữa, trường nghề có trang bị đầy đủ phương tiện dạy học hiện đại đến mấy, cũng không thể theo kịp thực tiễn phát triển của khoa học công nghệ nên rất cần sự hỗ trợ của doanh nghiệp trong việc giúp người học được trực tiếp tham gia vào dây chuyền sản xuất.

Những năm qua, Sở LĐ-TB&XH thành phố tăng cường kêu gọi sự hợp tác từ phía các doanh nghiệp trong đào tạo, đánh giá chất lượng dạy nghề. Tuy nhiên, theo bà Kiều Thị Như Trang, Trưởng phòng Dạy nghề, cung, cầu lao động của thị trường biến động rất lớn, các doanh nghiệp lại chưa dự báo được nhu cầu sử dụng lao động nên tạo rào cản không nhỏ cho việc phát triển đào tạo nghề.

Chương trình quá nặng

Bà Thái Thị Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Đà Nẵng cho rằng, số tiết quy định của Bộ LĐ-TB&XH dành cho các hệ đào tạo nghề hiện nay là quá nặng đối với người dạy lẫn người học. Cụ thể, đối với hệ đào tạo trung cấp nghề hai năm, thời gian thực học 72 tuần với tối thiểu 2.550 giờ, buộc mỗi ngày HS phải lên lớp 7 giờ. Đối với hệ CĐ nghề thời gian đào tạo ba năm với quy định 3.750 giờ, trung bình mỗi ngày SV lên lớp 8 giờ. Số giờ lên lớp quá nhiều khiến HS-SV không có nhiều thời gian tự học, “tiêu hóa” bài giảng và không thạo việc.

Bên cạnh đó, bộ chương trình đào tạo do Bộ LĐ-TB&XH đưa về cho các trường nghề hiện nay cho phép các trường có quyền thay đổi 30% chương trình đào tạo, 70% còn lại buộc phải dạy theo khung chương trình. Trên thực tế, trong 70% chương trình đào tạo còn lại, lãnh đạo nhiều trường thẳng thắn cho rằng, cần phải thay đổi nội dung vì quá cũ kỹ, nhất là với những ngành đòi hỏi sự thích ứng nhanh. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Nguyễn Văn Trỗi bộc bạch: “Không dạy theo quy định của Bộ thì bị “tuýt còi”, nhưng dạy thì bị HS “cười” vì có những mô-đun kiến thức quá cũ. Đoàn có đi kiểm tra, chúng tôi vẫn nói thẳng phải thay đổi thì SV ra trường mới có việc làm”.

Ông Đặng Phúc Sinh cũng thừa nhận, bản thân trường phải thay đổi nội hàm chương trình, dù ngành Du lịch - ngành đào tạo duy nhất của trường ít có biến động về nội dung, chương trình đào tạo nhiều như những ngành khác.

Chính sách chưa rõ ràng

Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 1-7-2015, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thông tư, văn bản hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH và Tổng cục Dạy nghề nên các cơ sở dạy nghề rơi vào thế lúng túng. Các trường nghề còn bức xúc, do chưa có sự rạch ròi trong quản lý cơ sở dạy nghề, cụ thể trường nghề thì do Bộ LĐ-TB&XH” hay Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, nên các trường gặp khó khăn nhất định trong công tác hỗ trợ về mặt chủ trương, pháp lý.

Tính đến nay, toàn thành phố có 1.826 giáo viên. Trong đó, giáo viên có trình độ kỹ năng nghề theo bậc thợ là 302 người, chiếm 16,44%; 17 giáo viên có trình độ kỹ năng nghề quốc gia, chiếm 0,93%; 3 giáo viên là nghệ nhân, chiếm 0,1%; còn lại 1.515 giáo viên ở trình độ khác chiếm 82,47%. Như vậy, trình độ kỹ năng nghề đối với đội ngũ giáo viên còn hạn chế, tỷ lệ giáo viên có trình độ kỹ năng nghề quốc gia, bậc thợ và nghệ nhân còn thấp. Đội ngũ giáo viên, giảng viên đào tạo ở các trình độ CĐ nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề và dưới 3 tháng có trình độ kỹ năng nghề khác nhau.

Bài và ảnh: MỘC MIÊN

;
.
.
.
.
.