Giáo dục
Cơ sở dạy nghề khốn khó - Bài cuối: Cứu trường nghề bằng cách nào?
Đào tạo nghề là khâu quan trọng của đào tạo nguồn nhân lực, là giải pháp đột phá phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đối với Đà Nẵng, đào tạo nghề còn gắn với chương trình “có việc làm” của thành phố. Vậy làm thế nào để bức tranh tuyển sinh của các cơ sở dạy nghề trở nên tươi sáng hơn?
Học sinh học nghề may tại Trường CĐ Nghề Đà Nẵng. |
Nâng cao chất lượng đào tạo
Chủ một doanh nghiệp nước ngoài đóng trên địa bàn Đà Nẵng từng nói, muốn cải thiện tình hình học nghề ở Việt Nam, chính thầy cô giáo hãy là những người đầu tiên làm thay đổi nhận thức cho phụ huynh trong việc mạnh dạn cho con em họ theo học nghề khi các em không đủ khả năng học đại học (ĐH).
Ông Đặng Phúc Sinh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng (CĐ) Nghề Việt – Úc cũng cho rằng: “Văn hóa bằng cấp của xã hội ta còn quá nặng nề. Ai cũng muốn con em mình ra trường có bằng cấp cao. Đây là một nhận thức rất sai lầm”. Do đó, để tồn tại, các trường nghề chỉ còn cách duy nhất là nâng cao chất lượng đào tạo, bởi “chỉ cần bảo đảm chất lượng là doanh nghiệp nhận ào ào, học sinh (HS) sẽ theo học rất đông”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Nguyễn Văn Trỗi cho rằng, các trường nghề cần xác định rõ thế mạnh của mình, không nên chạy theo ngành “hot”, thấy trường này đào tạo được mình cũng chạy theo để rồi “mất công đi làm thủ tục đóng ngành”. Năm học 2010-2011, người người học Quản trị kinh doanh, nhà nhà học Tài chính ngân hàng, Trường CĐ Nghề Nguyễn Văn Trỗi cũng hăng hái bước vào cuộc và cho đến nay, hai ngành này đều đã “khóa sổ” vì không có người học.
Đừng xem lợi nhuận là yếu tố sống còn
Về phía các doanh nghiệp, hầu hết chủ doanh nghiệp đều mong muốn trường nghề “đừng xem lợi nhuận là yếu tố sống còn”, bởi giáo dục là lĩnh vực “kinh doanh” chất xám nên không thể “ăn xổi ở thì”.
Anh Nguyễn Bá Quang, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Nghĩa An Thịnh bày tỏ: “Tôi rất mong các cơ sở dạy nghề không nên vì quá tính toán lời, lỗ mà quên nhiệm vụ của mình là đào tạo nhân lực, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội”. Thực tế là doanh nghiệp nhận những em mới tốt nghiệp từ các trường nghề đều phải đào tạo lại khá lâu mới có thể làm tương đối được việc. “Tôi không biết mấy HS giỏi nghề đi đâu hết!”, anh Quang nói.
Trong khi đó, anh Hà Phước Hùng, Giám đốc Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường (phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) than thở: Doanh nghiệp cơ khí thường “đỏ mắt” tìm công nhân ngành hàn, thậm chí phải tuyển lao động phổ thông học việc lại từ đầu.
“Nghề hàn tốn rất nhiều nguyên liệu để thực hành, như vậy, đào tạo sẽ ít có lời, có lẽ vì thế trường nghề không mặn mà dù thợ hàn hiện nay ra trường có việc làm ngay, thu nhập cao”, anh Hùng cho biết. Một hiệu trưởng trường nghề cũng thừa nhận, đào tạo ngành hàn quá tốn kém, dù rằng ông có hẳn một công ty riêng về hàn, có thể đưa người học về học tập, thực hành tại cơ sở.
Phải phân luồng học sinh
Bà Kiều Thị Như Trang, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH cho rằng, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cần triển khai triệt để phân luồng học sinh thì công tác đào tạo nghề mới phát triển. Bao nhiêu phần trăm HS tốt nghiệp THPT được học tiếp ĐH, bao nhiêu phải theo học nghề, phải rõ ràng ngay từ bây giờ để chấm dứt tình trạng mất cân đối như hiện nay.
Công tác phân luồng tuyển sinh của Đà Nẵng trong những năm qua chưa thực sự hiệu quả. Theo số liệu thống kê của Sở GD-ĐT thành phố, năm 2013, thành phố có hơn 10.000 em tốt nghiệp THCS thì chỉ có 592 em học nghề (chiếm 5,9%). Năm 2014, thành phố có hơn 11.000 em tốt nghiệp THCS thì chỉ 615 em học nghề (chiếm 5,4%). Tuy chưa có số liệu thống kê chính thức năm 2015, nhưng thực tế ảm đạm của các cơ sở dạy nghề hiện nay phần nào phản ánh số lượng HS chọn trường nghề không mấy khả quan.
Theo nội dung Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5-12-2011 của Bộ Chính trị (khóa XI), đến năm 2020 “phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề”, nhưng tại thời điểm năm 2014, Đà Nẵng đạt rất thấp với 5,4%, phấn đấu đến năm 2020 đạt 30% lại càng rất khó khăn.
Công tác phân luồng không hiệu quả, thêm vào đó, việc đổi mới hình thức tuyển sinh ĐH theo phương pháp xét tuyển đang được áp dụng từ năm 2015 đến nay càng khiến các trường ĐH “hớt” hết thí sinh, không chỉ đẩy trường nghề mà cả các trường trung cấp chuyên nghiệp vào cảnh điêu đứng. “Có trường được quyền xét tuyển, thậm chí xét điểm học bạ bình quân từ 6,0 trở lên có thể vào ĐH, vậy trừ những em học quá yếu mới không đạt được mức điểm bình quân này”, bà Thái Thị Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Đà Nẵng bức xúc.
Về phía cơ quan chủ quản, Sở LĐ-TB&XH đang tiếp tục triển khai Đề án “Phát triển giáo viên dạy nghề thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013 - 2020” và Đề án “Đào tạo lao động dịch vụ chất lượng cao đến năm 2020 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”; song song đó là khuyến khích các cơ sở đào tạo nghề trong nước hợp tác với trường đào tạo nghề ở các nước phát triển để trao đổi chương trình đào tạo, trao đổi giáo viên, chuyên gia, chuyển giao công nghệ, phương pháp giảng dạy.
Bà Trang cho hay, thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở dạy nghề, có giải pháp hiệu quả đối với các cơ sở dạy nghề không đủ điều kiện hoặc dạy nghề không có đăng ký.
Bài và ảnh: MỘC MIÊN