.

Đẩy mạnh phân luồng học sinh

.

Trước tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, hàng ngàn sinh viên ra trường không có việc làm, ngành Giáo dục-Đào tạo Đà Nẵng đã đẩy mạnh phân luồng học sinh, hướng một bộ phận các em sang học nghề.

Nhiều bạn trẻ ở Đà Nẵng chọn học nghề thay vì vào đại học.  Trong ảnh: Một giờ thực tập nghề sửa chữa ô-tô tại Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng.  Ảnh: KIM NGÂN
Nhiều bạn trẻ ở Đà Nẵng chọn học nghề thay vì vào đại học. Trong ảnh: Một giờ thực tập nghề sửa chữa ô-tô tại Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng. Ảnh: KIM NGÂN

Tự lượng sức mình

Ở các trường THCS tại Đà Nẵng, việc tư vấn hướng nghiệp được đẩy mạnh. Đơn cử như Trường THCS Lê Thánh Tôn, quận Hải Châu, Hiệu trưởng Đặng Ngọc Lam cho biết, nhà trường luôn lồng ghép công tác hướng nghiệp vào các hoạt động, đồng thời thường xuyên trao đổi với phụ huynh về học lực của con em để họ có những tác động, định hướng phù hợp. “Với những em có sức học quá yếu, chúng tôi gặp riêng trao đổi; đồng thời mời các trường nghề đến tư vấn giúp học sinh chọn nghề theo sở thích, thay vì nhất thiết phải vào THPT”, thầy Lam chia sẻ. Hiện nhà trường có 10 học sinh lớp 9 không thi vào THPT và đăng ký học nghề (chiếm khoảng hơn 10% trên tổng số học sinh lớp 10).

Tại nhiều trường TPHT, việc tuyên truyền nghề nghiệp cũng được triển khai ráo riết. Tại Trường THPT Tôn Thất Tùng, quận Sơn Trà, nơi vừa tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho 405 học sinh lớp 12, thầy Nguyễn Thành Hảo, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Các em vào trường phần lớn có điểm đầu vào thấp, sức học chỉ khá và trung bình; bởi vậy, ngay từ đầu, chúng tôi định hướng các em chọn được nghề phù hợp”.

Trong những tiết chào cờ, giờ sinh hoạt chủ nhiệm hoặc hoạt động ngoại khóa, nhà trường đều lồng ghép việc tuyên truyền hướng nghiệp học nghề cho học sinh. Trong 405 em lớp 12 của trường, chỉ có khoảng hơn 200 em đăng ký thi tốt nghiệp lấy kết quả xét tuyển đại học, còn lại đặt mục tiêu đậu tốt nghiệp và đi học nghề. “Em xác định thi tốt nghiệp xong sẽ đi học nghề du lịch-nghề em yêu thích. Nhiều anh chị của em học đại học ra trường vẫn thất nghiệp, trong khi hiện nay, thành phố Đà Nẵng phát triển về du lịch, dịch vụ nên học nghề này dễ tìm được việc”, em Hồ Minh Mẫn, lớp 12 Trường THPT Tôn Thất Tùng cho biết.

Hướng nghiệp cũng là một trong những hoạt động mà Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, quận Liên Chiểu quan tâm. Nhà trường tổ chức họp đến 4 lần với phụ huynh và học sinh lớp 12 nhằm định hướng nghề nghiệp. Thầy Phan Khôi, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong tổng số 352 học sinh lớp 12 năm nay có đến 50% đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp rồi đi học nghề, không lấy kết quả xét tuyển đại học.

Phân luồng mạnh

Giảm chỉ tiêu các trường THPT công lập là một trong những động thái tích cực của ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Đà Nẵng trong việc phân luồng học sinh. Năm 2015, Sở GD-ĐT giảm chỉ tiêu các trường THPT công lập. Vì vậy, số lượng học sinh sau tốt nghiệp THCS đỗ lớp 10 THPT là 9.983 em, chiếm hơn 81%. Năm nay, trong số hơn 11.000 thí sinh lớp 9 thi vào lớp 10, các trường sẽ chỉ xét chọn khoảng hơn 8.800 em, chiếm khoảng 80%, trong đó đã bao gồm chỉ tiêu xét tuyển vào Trung tâm Giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp và dạy nghề.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, Sở quán triệt trong toàn ngành về phân luồng sau tốt nghiệp THCS, phấn đấu ít nhất 30% học sinh đi học nghề. Sở cũng chỉ đạo các trung tâm giáo dục thường xuyên, cơ sở hướng nghiệp, dạy nghề trực thuộc đẩy mạnh công tác liên kết đào tạo nghề và khuyến khích dạy bổ túc văn hóa THPT gắn với dạy nghề. Chỉ tính riêng trong năm học 2014-2015, Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp và dạy nghề các quận Liên Chiểu, Sơn Trà liên kết với các trường trung cấp chuyên nghiệp mở 5 lớp trung cấp chuyên nghiệp gắn với học bổ túc văn hóa cho 124 học viên.

Vì vậy, nếu năm 2014 chỉ 69 học sinh đi học nghề thì đến năm 2015, con số này là 214 em. Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp với một số trường dạy nghề tổ chức giới thiệu các nghề thị trường đang cần cho học sinh nắm rõ.

KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.