.

Phổ cập bơi cho học sinh ở Đà Nẵng: Khó khăn nhiều bề

.

Bài 1: Cung không đủ cầu

Rất đông phụ huynh đi đăng ký cho con tham gia lớp phổ cập bơi nhưng đành quay về vì “hết chỗ”, “phải chờ”, “bể bơi xuống cấp”...

Phong trào dạy và học bơi hè 2016 thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh trên toàn thành phố. 						                  Ảnh: ANH VŨ
Phong trào dạy và học bơi hè 2016 thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh trên toàn thành phố. Ảnh: ANH VŨ

Đổ xô đăng ký học bơi

Giữa cái nắng gay gắt của những ngày đầu hè, rất đông phụ huynh chen chúc đi đăng ký cho con tham gia các lớp phổ cập bơi nhưng không phải ai cũng được đáp ứng... Chị Trần Thị Thanh Loan, mẹ của cháu Lê Nguyên Phong (học sinh lớp 3/5, Trường tiểu học Ngô Gia Tự) bước ra buồn bã: “Nghe trường tổ chức dạy bơi miễn phí, mừng quá nên dẫn cháu đến đăng ký. Đến lượt thì thầy giáo bảo đã kín các suất học, khi nào trống chỗ thầy sẽ gọi”. Không chỉ chị Loan mà khá nhiều phụ huynh cũng chưa thể đăng ký cho con tham gia khóa học bơi kỳ này.

Gấp lại bản danh sách dài các học sinh đăng ký học bơi, thầy Nguyễn Đình Hòa, Hiệu phó nhà trường nói như phân trần: “Biết làm sao được! Số học sinh muốn học bơi quá nhiều mà trường chỉ có một bể bơi di động nhỏ, mỗi suất chỉ dạy được khoảng 8 em. Vì thế, phải ưu tiên cho các khối lớp 4, 5 của trường và những trường bạn theo phong trào phổ cập bơi của quận Sơn Trà. Những em nhỏ tuổi hơn phải chờ”.

Thầy Hòa cho biết, bể bơi được lắp đặt tại trường từ nhiều năm, hiện xuống cấp và hư hỏng nhiều hạng mục. Nhà trường vừa đầu tư 7 triệu đồng sửa chữa để kịp đáp ứng nhu cầu học quá lớn của học sinh. Hiện nay, chỉ tính số học sinh lớp 4 và lớp 5 của trường đã là 361 em, chưa kể nhà trường phải đảm đương việc dạy bơi cho gần 100 em của một trường bạn (do trường này chưa có hồ bơi). 218 học sinh khối lớp 3 của Trường tiểu học Ngô Gia Tự đang muốn đăng ký học dĩ nhiên đành phải chờ.

Bể bơi: vừa thiếu, vừa kém chất lượng

Từ năm 2009, Chương trình Bơi An toàn của tổ chức Liên minh Vì sự An toàn trẻ em (TASC) tài trợ dạy bơi cho học sinh tiểu học (TH) tại Đà Nẵng. Đến năm 2013, TASC kết thúc tài trợ và chuyển giao các bể bơi cho ngành GD&ĐT tiếp tục hoạt động này. Sau 4 năm, dự án dạy bơi an toàn miễn phí cho 27.000 lượt học sinh Đà Nẵng. Tuy nhiên, khi dự án dừng thì việc vận hành bể bơi và việc dạy, học bơi năm học 2013-2014 cũng cầm chừng. Sau khi TASC kết thúc nguồn viện trợ tài chính, Sở GD&ĐT tham mưu UBND thành phố bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách với 96 triệu đồng/bể/năm, duy trì hoạt động của 11 bể di động được lắp đặt và sử dụng tại 11 trường TH. Tuy vậy, hạn chế của bể bơi di động là “tuổi thọ” khá thấp, chỉ có thể sử dụng từ 4 đến 5 năm.

Tại Trường TH Núi Thành, chứng kiến 3 thầy giáo bộ môn Thể dục đang sửa chữa bể bơi di động đặt trong khuôn viên nhà trường, cô Hiệu trưởng Huỳnh Thị Thu Nguyệt chia sẻ: “Kinh phí hạn hẹp, trong khi bể bơi xuống cấp nên các thầy phải sửa để các em kịp học”. Theo cô Thu Nguyệt, khoản kinh phí 96 triệu đồng/năm từ nguồn ngân sách chỉ đủ trả thù lao giáo viên dạy bơi (50.000 đồng/tiết 45 phút) và tiền khử trùng nước trong bể. Vì thế, các giáo viên kiêm cả việc làm vệ sinh lẫn sửa chữa bể. Bể bơi xuống cấp khiến học sinh không mấy hào hứng đến học, dù được miễn phí hoàn toàn. Hiện tại, toàn trường chỉ tổ chức được 6 suất học, với khoảng 50 học sinh tham gia. Trong khi đó, theo tính toán của TASC, nếu hoạt động hết công suất, một bể phải tổ chức được hàng chục suất học, với số lượng hàng trăm học sinh.

Nhu cầu học bơi của trẻ em rất lớn, nhưng khả năng đáp ứng của các trường học chưa đủ nên không ít phụ huynh chấp nhận cho con em học bơi bên ngoài (khách sạn, trung tâm, câu lạc bộ) với mức phí khá cao. Chị Lê Mận (38 tuổi, có con đang học tại Trường TH Núi Thành) cho biết: “Học bơi ở trường được miễn phí thì đỡ tốn kém. Tuy nhiên, bể bơi di động xuống cấp và quá nhỏ, tôi đành cho con học bơi ở một khách sạn với mức phí 1 triệu đồng/12 buổi”. Thầy Vương Đình Vũ, Tổ trưởng bộ môn Thể dục (Trường TH Phù Đổng) thừa nhận, có thể mức học phí dạy bơi bên ngoài trường học khá cao so với mặt bằng kinh tế của người dân Đà Nẵng, nhưng bù lại, các em được học “một thầy - một trò” và bơi trong các bể tốt hơn.

Nhằm giải quyết tạm thời “bài toán” khó này, ngành GD&ĐT chỉ đạo các trường liên kết thành những cụm, căn cứ vào số lượng bể bơi cố định lẫn di động để tăng số lượng học sinh được học bơi lên mức cao nhất có thể. Trong đó, các Trường TH Bạch Đằng và TH Lê Quý Đôn (quận Hải Châu) dùng chung bể bơi của Trường TH Hùng Vương; các Trường TH Phan Đăng Lưu và TH Lê Đình Chinh dùng chung bể bơi với Trường TH Núi Thành. Tại quận Thanh Khê, các Trường TH Lê Quang Sung và TH Điện Biên Phủ dùng chung bể với Trường TH Huỳnh Ngọc Huệ...

Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Đình Vĩnh cho biết, được sự đồng ý của UBND thành phố, ngành đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư bể bơi di động, phục vụ yêu cầu phổ cập bơi cho học sinh TH từ mùa hè này. Ông Nguyễn Đình Vĩnh phân tích: “Để xây dựng một bể bơi kiên cố cần chi phí rất lớn, có thể lên đến 4,5 tỷ đồng như bể bơi của Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn. Trong khi đó, bể bơi di dộng gọn nhẹ, đơn giản, dễ lắp ráp và mức đầu tư không cao. Bên cạnh đó, tiết kiệm được 2,7 tỷ đồng từ nguồn kinh phí thành phố cấp cho ngành GD&ĐT, chúng tôi xin phép UBND thành phố đưa vào sử dụng đầu tư, lắp đặt một số bể bơi di động và sẽ tính toán sử dụng cho từng cụm trường”.

Thông tin từ Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, thành phố hiện có 14 bể bơi gồm 11 bể bơi di động và 3 bể bơi cố định. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng học sinh lớp 4 và 5 trên toàn thành phố là khoảng 30.000 em, trong đó phần lớn có nhu cầu được học bơi. Đó là chưa kể hàng chục ngàn học sinh lớp 2 và 3 cũng muốn được học. Trong khi đó, mỗi mùa hè, tại 11 bể di động và 3 cố định trên toàn thành phố chỉ tiếp nhận tối đa khoảng 6.000 em. Như vậy còn hànchục ngàn em phải học ở các cơ sở ngoài nhà trường hoặc... chờ mùa hè sau.

Về khoản thu đối với học sinh, ông Nguyễn Đình Vĩnh cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo các trường chỉ thu mức phí không quá 200.000 đồng/12 suất học bơi và sẽ có chính sách miễn, giảm cho các em thuộc gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn”.

Bảo An- Phương Trà

;
.
.
.
.
.