Giáo dục
Phổ cập bơi cho học sinh ở Đà Nẵng: Khó khăn nhiều bề
Bài 2: Xã hội hóa, tại sao không?
Để phổ cập bơi cho học sinh, không thể thiếu việc đầu tư bể bơi. Trong khi nguồn ngân sách thành phố chi cho lĩnh vực này còn hạn chế, việc kêu gọi xã hội hóa (XHH) nhằm huy động nguồn lực trong xã hội là rất cần thiết. Tuy nhiên, XHH cũng “vướng” các kiểu.
Dạy bơi cho các em tại bể bơi Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.Ảnh: PHƯƠNG TRÀ |
20 tỷ đồng mới được đầu tư bể bơi!?
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố trình UBND thành phố phê duyệt 7 mạng lưới bể bơi các trường tiểu học (TH) với tổng cộng 38 điểm trường bằng hình thức XHH. Sở đã nỗ lực kêu gọi đầu tư bằng việc công bố các quyết định phê duyệt và ban hành công văn khuyến khích XHH mạng lưới bể bơi trong các trường TH trên địa bàn đến các cơ quan thông tấn báo chí, Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Thế nhưng, sau thời gian dài kêu gọi, các doanh nghiệp vẫn lặng im. “Đầu tư bể bơi với chi phí ban đầu hàng tỷ đồng, chưa kể chi phí vận hành, bảo trì… nhưng thực tế lợi nhuận chưa chắc cao nếu thu theo giá “mềm” do thành phố quy định. Tất nhiên, đây là việc làm ý nghĩa giúp các em biết bơi, nhưng cũng phải tính đến lợi ích nhà đầu tư. Bởi vậy, chúng tôi đang cân nhắc”, đại diện một doanh nghiệp (xin giấu tên) trên địa bàn quận Hải Châu thổ lộ.
Dù kêu gọi đầu tư bể bơi không dễ dàng, nhưng khi Công ty TNHH Xây dựng Sơn Đạt tham gia thì lại chưa được chấp thuận. Ông Nguyễn Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Sơn Đạt cho biết: “Con của tôi đang học tại Trường TH Núi Thành và cháu cùng các bạn rất thích học bơi.
Trong khi đó, bể bơi di động của trường đang xuống cấp nên tôi có ý định đầu tư một bể bơi cố định tại đây. Nhưng sau khi họp nhiều lần, đi xin nhiều lần, phê duyệt nhiều lần, đến khi chuẩn bị chờ thi công thì Bộ Kế hoạch-Đầu tư cho biết, muốn đầu tư bể bơi cần có 20 tỷ đồng. Vì vậy doanh nghiệp cũng nản”. Thế là gần 2 năm nay, nguyện vọng được đầu tư một bể bơi cố định để có chỗ cho các cháu học bơi đối với Công ty Sơn Đạt vẫn chưa thành hiện thực. “Chúng tôi muốn đầu tư một bể bơi cố định và hoạt động trong vòng 15 năm; sau đó, bàn giao toàn bộ lại cho nhà trường. Tuy nhiên, với kinh phí ban đầu quá lớn thì khó có doanh nghiệp nào đáp ứng được, trong khi khả năng thu hồi vốn là không cao”, ông Nguyễn Sơn nói.
Cần cơ chế “mở” cho doanh nghiệp
Trong cuộc họp bàn gần đây về cơ chế kêu gọi đầu tư hệ thống thể thao trường học trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng khẳng định, xây dựng hệ thống thể thao trường học, trong đó có bể bơi là hết sức cấp thiết, có giá trị lâu dài; tuy nhiên, cần có cơ chế “mở” hơn cho doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Sơn, nếu có cơ chế thoáng hơn, sẽ có không ít doanh nghiệp sẵn sàng tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Riêng Công ty Sơn Đạt vẫn mong muốn được tiếp tục đầu tư bể bơi cố định cho các em được học bơi lâu dài.
Trước tình hình đầu tư bể bơi cố định khó khăn, Đà Nẵng tận dụng những bể bơi di động được tổ chức Liên minh Vì sự an toàn trẻ em (TASC) hỗ trợ từ nhiều năm trước và kêu gọi các đơn vị đầu tư thêm loại hình này. Đây là giải pháp khả thi trong bối cảnh Đà Nẵng mong muốn phổ cập bơi cho toàn bộ học sinh TH.
Hiện tại, có 4 doanh nghiệp tham gia đầu tư bể bơi di động với 12 hồ bơi sẽ được lắp đặt tại các điểm trường trong tháng 6 này. Giám đốc Kinh doanh Triệu Quốc Trí, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Truyền thông và Quảng cáo Song Quân cho biết, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, Sở GD&ĐT và Sở Văn hóa-Thể thao gợi ý và ủng hộ công ty đầu tư bể bơi di động đáp ứng nhu cầu học bơi của học sinh Đà Nẵng vì biết công ty từng đầu tư bể bơi di động tại thành phố Hồ Chí Minh.
Về những băn khoăn trong việc thu hồi vốn, ông Triệu Quốc Trí khẳng định: “Chưa biết sẽ thu hồi vốn được hay không, có thể không lãi, thậm chí là lỗ, nhưng với cách làm tâm huyết của Đà Nẵng, chúng tôi chấp nhận rủi ro trong kinh doanh. Chúng tôi tin tưởng cách làm của lãnh đạo thành phố cũng như hy vọng phong trào dạy và học bơi sẽ phát triển mạnh mẽ, qua đó có những tác động tích cực đến doanh nghiệp chúng tôi”.
Bên cạnh nỗ lực của ngành GD&ĐT, thời gian qua, CLB Dolphins miền Trung - Đà Nẵng cũng xây dựng và triển khai dự án phổ cập bơi miễn phí đầu tiên cho học sinh TH có hoàn cảnh khó khăn tại quận Cẩm Lệ. Trong đợt thí điểm đầu tiên này, CLB tiếp nhận 30 học viên/quận. Sau quận Cẩm Lệ, chương trình tiếp tục triển khai ở các quận, huyện còn lại trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Dạy bơi ở biển, tại sao không? Trong tình hình thiếu hồ bơi và hồ bơi xuống cấp, nhiều ý kiến cho rằng nên tổ chức dạy bơi ở biển. Hiện nay, trên địa bàn quận Sơn Trà có chương trình dạy bơi trên biển, miễn phí cho trẻ em. Tại đây, giáo viên hướng dẫn các em kỹ năng nổi sấp, nổi ngửa, bơi sấp, bơi ngửa, an toàn bơi, cách phòng tránh và xử lý khi gặp tình huống bất lợi. Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Đình Vĩnh cho rằng: “Đà Nẵng có bờ biển dài, đẹp và sạch. Do vậy, việc tổ chức dạy bơi ở biển tại một số vùng biển lặng với thời tiết tốt có thể thực hiện được. Tuy nhiên, việc dạy bơi ở biển cần phải bố trí đủ giáo viên và có đội cứu hộ chuyên nghiệp để bảo đảm an toàn cho học sinh”. |
Bảo An - Phương Trà