Bài 1: Nhiều cơ hội du học hấp dẫn
Tận dụng lợi thế kiến thức rộng và thông thạo tiếng Anh, nhiều bạn trẻ thay vì thi đại học trong nước đã chuyển sang tìm kiếm cơ hội học ở nước ngoài bằng học bổng. Thế giới rộng mở trước mắt trở thành động lực để họ vượt qua mọi thử thách trên hành trình “săn” học bổng.
Sinh viên Đà Nẵng tìm hiểu thông tin du học tại buổi giao lưu do Trường Đại học Duy Tân tổ chức. ảnh: PHƯƠNG TRÀ |
Tại Việt Nam đang có rất nhiều chương trình học bổng miễn phí hấp dẫn, trong đó, danh giá nhất là những suất học bổng chính phủ. Nếu sở hữu học bổng này, ứng viên sẽ nhận rất nhiều hỗ trợ như: chi phí đi lại, sinh hoạt phí, tiền bảo hiểm, thủ tục visa. Những học bổng như thế thường được đại sứ quán các nước đặt tại Việt Nam quản lý, điều tiết. Ví dụ như học bổng của Chính phủ Nhật (Monbusho), học bổng của Chính phủ Pháp (Evaris Galois), học bổng của Chính phủ Đức (DAAD), học bổng của Chính phủ Mỹ (Fulbright)…
Với chương trình Fulbright, đây là học bổng thuộc chương trình trao đổi giáo dục quốc tế, được đài thọ bởi Chính phủ Hoa Kỳ và quản lý bởi Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội. Chương trình Fulbright cho sinh viên quốc tế dành cho các sinh viên tốt nghiệp đại học, những người trẻ mới đi làm và các nghệ sĩ nước ngoài đến nghiên cứu, học tập tại Hoa Kỳ trong thời gian một năm hoặc dài hơn.
Anh Đậu Thanh Châu, Chủ tịch Câu lạc bộ Cựu sinh viên du học Mỹ cho biết, đây là chương trình học bổng toàn phần, tức là trong quãng thời gian đi học, bạn không cần đi làm thêm, chẳng phải xin tiền gia đình mà vẫn được học trong một ngôi trường nào đó siêu đắt đỏ ở Mỹ. Fulbright là học bổng danh giá và hầu hết những bạn nhận học bổng này đều được nhà tuyển dụng “chấm” ngay sau khi ra trường. Điều kiện dự tuyển phải là công dân Việt Nam, đã tốt nghiệp đại học, có kinh nghiệm đi làm trong ít nhất 2 năm và có TOEFL iBT 79 hoặc IELTS 6.5. Trong khi đó, chương trình học bổng Chính phủ Nhật Bản cấp năm 2016 (học bổng Monbukagakusho-MEXT) cấp cho ứng viên vé máy bay một lượt đi và về, sinh hoạt phí, học phí cho toàn bộ thời gian học tại Nhật Bản.
Bên cạnh đó, còn có những chương trình học bổng ngắn hạn miễn phí khác như: Chương trình “Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á” với thời gian học tập trong 6 tuần tại Mỹ; học bổng AusAID của Chính phủ Úc dành cho những nhà lãnh đạo có kinh nghiệm hoạt động, hoặc lãnh đạo trẻ tiềm năng, những cá nhân có khả năng ảnh hưởng tích cực tới xã hội và cải thiện chính sách kinh tế… “Du học nước ngoài chỉ trong 6 tuần nhưng tôi thấy mình học được rất nhiều điều, biết thêm nhiều cái mới, cảm nhận sự khác biệt giữa các nền văn hóa, đặc biệt là trau dồi vốn ngoại ngữ”, chị Lê Nguyễn Hải Yến, người tham gia chương trình Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á khóa mùa thu năm 2015 thổ lộ. Chị Yến hiện phụ trách mảng đầu tư và quan hệ quốc tế tại Vườm ươm doanh nghiệp Đà Nẵng.
Hiện nay, Nhật Bản đang thực hiện kế hoạch lâu dài, tạo nhiều chính sách mở nhằm thu hút khoảng 300.000 sinh viên quốc tế du học nước này vào năm 2020. Đơn cử như Trường Đại học Châu Á - Thái Bình Dương Ritsumeikan (gọi tắt là APU), một cơ sở của Tập đoàn giáo dục Ritsumeikan (tập đoàn giáo dục uy tín nhất Nhật Bản với hệ thống các trường từ bậc tiểu học đến trên đại học) rất nỗ lực thực hiện hoạt động quảng bá tại các trường THPT ở Đà Nẵng.
Đây là một trong những lý do khiến trường này có đông sinh viên Việt Nam nhất hiện nay so với các trường khác tại Nhật. Tất cả các thủ tục xin học bổng đều được hướng dẫn tại các buổi hội thảo. Theo nhiều cựu sinh viên du học Nhật Bản, muốn học ở Nhật, điều quan trọng là du học sinh phải có vốn tiếng Nhật thật tốt, bên cạnh thành thạo tiếng Anh.
Điều các bạn trẻ băn khoăn là chi phí sinh hoạt ở nước ngoài đắt đỏ, liệu túi tiền hạn hẹp cá nhân có thể đáp ứng được không. Từng nhận học bổng sinh viên Fulbright học thạc sĩ về lĩnh vực văn chương và xã hội theo chứng chỉ Tesol tại Đại học Columbia ở New York, chị Vũ Thị Châu Sa, hiện là giảng viên khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) cho biết, rất nhiều sinh viên Việt Nam có thể kiếm việc làm thêm như trực thư viện; bên cạnh đó, các trường ở Mỹ thường có gói hỗ trợ tài chính để giúp đỡ sinh viên ngay trong trường.
Anh Nguyễn Hữu Bảng, giảng viên Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng, người từng du học tại bang Maryland (Hoa Kỳ) lại kiếm tiền theo cách khác. “Tôi tham gia làm việc cho hội giúp những người vô gia cư. Nhờ vậy, tôi đỡ phần nào chi phí ăn uống trong ngày và tiết kiệm được khoản không nhỏ cho gia đình. Tham gia các tổ chức hội này, bạn còn được tiếp xúc, giao tiếp nhiều với người dân bản địa. Nhờ vậy, vốn ngoại ngữ “lên tay” hẳn”, anh Bảng chia sẻ.
PHƯƠNG TRÀ