Giáo dục

Cẩn trọng đăng ký chọn trường, chọn ngành

08:04, 21/07/2016 (GMT+7)

Vấn đề quan tâm của nhiều thí sinh hiện nay sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016 là với số điểm hiện có thì chọn trường như thế nào cho phù hợp với bản thân để có thể thực hiện được nguyện vọng.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT tại Đà Nẵng năm 2016 để lấy điểm xét tuyển vào các trường đại học. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT tại Đà Nẵng năm 2016 để lấy điểm xét tuyển vào các trường đại học. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

Sau khi các cụm thi trên cả nước công bố điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016, theo đánh giá chung của các chuyên gia giáo dục, điểm thi năm nay không cao nên khả năng có thể điểm chuẩn các trường đại học sẽ thấp hơn so với năm ngoái. TS Phan Minh Đức, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho biết, năm nay là năm đầu tiên nhà trường tuyển sinh theo nhóm trường thuộc Đại học Đà Nẵng. Do đó, thí sinh được phép đăng ký xét tuyển vào nhiều trường trong nhóm trường Đại học Đà Nẵng, mỗi trường tối đa 2 nguyện vọng. Tuy nhiên, tổng số nguyện vọng đăng ký không quá 4. Theo TS Đức, mặc dù điểm năm nay không cao, nhưng sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt. “Chỉ cần chênh lệch nhau một chút về điểm thì thí sinh cũng có thể đứng trong hoặc ngoài cánh cửa trường đại học rồi”, thầy Đức nói.

PGS.TS Võ Văn Minh, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, nếu sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển đại học, cao đẳng, thí sinh cần thận trọng chọn trường vừa sức. Các em có tổng điểm 3 môn cao sẽ tự tin nộp vào các trường tốp đầu và những em có điểm thấp sẽ chọn các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Còn với các em có tổng điểm ở mức trung bình sẽ lựa chọn các trường ở tốp giữa. “Tuy nhiên, thí sinh phải lưu ý, tốp giữa có rất nhiều trường và cũng rất nhiều thí sinh nằm ở phổ điểm này. Năm nay, thí sinh được nộp hồ sơ vào 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng và sau khi nộp hồ sơ dự tuyển sẽ không được rút lại. Chính vì vậy, có rất nhiều thí sinh đỗ 2 trường, nhưng chỉ nhập học có 1 trường”, TS Minh nhấn mạnh

Để khắc phục tình trạng này, tại Hà Nội có nhóm GX gồm 12 trường và miền Trung có Đại học Đà Nẵng là 2 đơn vị thực hiện phương thức xét tuyển theo nhóm trường, nhằm tăng cơ hội lựa chọn cho thí sinh và hạn chế thí sinh ảo cho các trường. Nhóm trường thuộc Đại học Đà Nẵng năm 2016 thực hiện việc xét tuyển như trên gồm: Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế, Đại học Sư phạm và Đại học Ngoại ngữ. 2 trường cao đẳng gồm: Cao đẳng Công nghệ và Cao đẳng Công nghệ thông tin, 1 phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum; 1 khoa Y Dược; 1 viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh. Như vậy, nếu nộp hồ sơ dự tuyển vào 2 trường ngoài nhóm thì mỗi thí sinh chỉ được nộp 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng. Nếu nộp hồ sơ vào nhóm trường, thì mỗi thí sinh được nộp 4 trường trong nhóm. Tuy nhiên, các em có thể nộp 1 phiếu vào 2 trường trong nhóm và 1 phiếu còn lại vẫn được nộp vào 1 trường ngoài nhóm. Đây chính là điểm ưu việt của phương thức tuyển sinh theo nhóm.

Trao đổi với chúng tôi, TS Trần Đình Khôi Quốc, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Đà Nẵng lưu ý, trong các đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh được đăng ký tối đa 6 ngành, trong đó không quá 2 ngành cho một trường. Nếu thí sinh đăng ký từ 3 trường thành viên của Đại học Đà Nẵng trở lên sẽ không được phép đăng ký thêm trường ngoài Đại học Đà Nẵng. “Xét tuyển ở 2 nguyện vọng là bình đẳng. Nếu thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ được tự động xét nguyện vọng 2, bình đẳng với các thí sinh khác. Điểm xét tuyển của từng ngành không được thấp hơn ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Ngoài ra, còn có các tiêu chí phụ khi có nhiều thí sinh bằng điểm nhau. Điểm trúng tuyển đợt sau có thể bằng, cao hoặc thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước, tùy theo tình hình thực tế”, TS Quốc nhấn mạnh. Ngoài ra, với một ngành có nhiều tổ hợp xét tuyển, điểm xét tuyển giữa các tổ hợp có thể khác nhau, tùy đặc điểm riêng của từng ngành.

Khác với năm 2015, năm nay các trường đại học không công bố điểm chuẩn dự kiến trong thời gian đăng ký xét tuyển. Trong mỗi đợt xét tuyển, thí sinh phải suy nghĩ thật kỹ vì không được rút hồ sơ để đăng ký lại. Thí sinh đăng ký xét tuyển vào những ngành đào tạo trình độ đại học có môn năng khiếu chỉ được sử dụng kết quả thi do Đại học Đà Nẵng tổ chức. Riêng thí sinh đăng ký xét tuyển vào những ngành đào tạo trình độ cao đẳng được sử dụng kết quả thi môn năng khiếu do các trường đại học khác tổ chức. Điểm môn năng khiếu (chưa nhân hệ số) không nhỏ hơn 5,0 điểm đổi với trình độ đại học và 4,0 điểm đối với trình độ cao đẳng.

Đại học Đà Nẵng cho biết, từ ngày 1-8-2016, thí sinh sẽ được nộp đơn xét tuyển đợt 1 vào các trường đại học, cao đẳng. Điểm đáng lưu ý là với một giấy báo kết quả, thí sinh sẽ được nộp 3-4 nguyện vọng khác nhau. Đợt bổ sung lần 1: từ 21-8-2016 đến hết ngày 31-8-2016 và đợt bổ sung lần 2: từ 11-9-2016 đến hết 21-9-2016. Thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng bằng 2 hình thức: Đăng ký xét tuyển trực tuyến: Truy cập trang thông tin http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn và thực hiện đăng ký theo quy định hoặc nộp qua bưu điện chuyển phát nhanh (EMS). Thí sinh có nguyện vọng điều chỉnh chế độ ưu tiên (do sai sót hoặc bổ sung ưu tiên) cần thực hiện đăng ký xét tuyển qua đường bưu điện. Khi điều chỉnh chế độ ưu tiên, thí sinh phải điền thông tin theo quy định vào phiếu đăng ký xét tuyển và nộp kèm các minh chứng để xác nhận việc được hưởng chế độ ưu tiên. Kết quả xét tuyển đợt 1 sẽ công bố trước ngày 14-8-2016. Sau khi có kết quả xét tuyển, thí sinh nộp giấy chứng nhận kết quả thi vào trường sẽ nhập học. Hạn cuối là ngày 19-8-2016 (theo dấu bưu điện).

PHƯƠNG TRÀ

.