Nắm bắt nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cho du lịch, hiện nay, các trường dạy nghề cũng như trường cao đẳng, đại học tại Đà Nẵng đang tập trung đẩy mạnh đào tạo các ngành, nghề về du lịch.
Lao động tìm việc làm tại Hội chợ việc làm về du lịch ở Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng. Ảnh: KIM NGÂN |
Theo thông tin từ Sở Du lịch Đà Nẵng, đến năm 2020, thành phố có khoảng hơn 20.000 phòng khách sạn 4 - 5 sao, ước tính cần thêm 40.000 lao động. Trong khi đó, các cơ sở đào tạo nghề về du lịch tại Đà Nẵng chỉ cung cấp mỗi năm khoảng 1.000 người. Nhiều chuyên gia trong ngành du lịch nhận định, nguồn nhân lực du lịch hiện nay của thành phố chưa phát triển xứng tầm và Đà Nẵng cần nhiều ngành, nghề về du lịch, đặc biệt là nguồn hướng dẫn viên (HDV) du lịch có trình độ ngoại ngữ hiện nay đang thiếu.
Hiện ngành du lịch Đà Nẵng có gần 900 HDV tiếng Việt và hơn 1.200 HDV quốc tế nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho hàng triệu lượt khách đến thành phố mỗi năm. Theo thông tin từ các doanh nghiệp (DN) lữ hành, thiếu hụt nhất vẫn là HDV tiếng Hàn Quốc và Trung Quốc, trong khi lượng du khách các nước này đến đây ngày một tăng cao, trong đó có nguyên nhân từ việc mở đường bay trực tiếp từ nước ngoài đến Đà Nẵng. Để đáp ứng yêu cầu đó, các trường, cơ sở đào tạo nghề… đang đẩy mạnh đào tạo nghề trong lĩnh vực du lịch.
Ông Đặng Ngọc Trung, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và tuyển sinh, Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng cho biết, đơn vị đang đẩy mạnh việc ký kết hợp tác với các DN như: Khu nghỉ dưỡng Premier Village Đà Nẵng, khách sạn Orange, khách sạn Nhi Nhi, Công ty du lịch Havi… Hợp tác này không chỉ dừng ở việc sinh viên được thực tập tại những cơ sở trên mà còn tạo cơ hội việc làm sau khi ra trường. “Nhu cầu hiện nay của các DN là rất lớn.
Nhiều em thậm chí đang đi học nhưng các DN đã “nhăm nhe” đăng ký tuyển dụng”, ông Trung cho biết. Theo ông Trung, việc hợp tác với DN mang lại nhiều cái lợi cho cả hai bên bởi vừa giúp nâng cao chất lượng cho nhà trường trong quá trình đào tạo vừa đáp ứng được yêu cầu và DN không phải đào tạo lại nếu nhận sinh viên vào làm việc sau khi ra trường. Tại Ngày hội việc làm do nhà trường tổ chức mới đây, đã có hơn 2.700 vị trí tuyển dụng được hơn 74 DN đăng ký với nhiều ưu đãi hấp dẫn về chế độ lương, thưởng dành cho người lao động, sinh viên sắp ra trường.
Không nằm ngoài xu thế chung, năm nay, Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng cũng đẩy mạnh đào tạo nghề về du lịch. Nhà trường tuyển sinh 11 nghề thì trong đó có đến 4 nghề về du lịch gồm: Hướng dẫn du lịch, Quản trị khách sạn, Quản trị lữ hành, Quản trị nhà hàng. “Năm nào, số học viên đăng ký học nghề du lịch cũng chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng số học viên đăng ký tại trường. Chúng tôi đang dự định thành lập Trung tâm tuyển sinh trực thuộc trường để đẩy mạnh việc tuyển sinh chú trọng vào những ngành nghề thị trường cần hiện nay, trong đó có ngành du lịch”, ông Phan Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Không “kém cạnh” Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng, Trường Cao đẳng Phương Đông Đà Nẵng cũng mở lớp đào tạo ngắn hạn về dịch vụ du lịch, hứa hẹn có việc làm ngay như lớp nghề về: Nghiệp vụ nhà hàng, Kỹ thuật chế biến món ăn, Kỹ thuật pha chế thức uống, Nghiệp vụ lễ tân, Nghiệp vụ buồng… thu hút nhiều thí sinh chọn lựa.
Nắm rõ đây là ngành đào tạo quan trọng, nhà trường đã đầu tư hàng tỷ đồng cho các phòng thực hành chế biến món ăn, pha chế thức uống, lễ tân, buồng... đạt chuẩn khu vực Đông Nam Á, sát với thực tế để sinh viên thực hành. Bên cạnh đó, nhà trường liên kết đào tạo với các DN du lịch – lữ hành lớn tại Đà Nẵng như: Furama Resort, Pullman Danang Beach Resort, Crowne Plaza Danang... và các trung tâm du lịch tại miền Trung-Tây Nguyên để sinh viên được tham gia các hoạt động du lịch - lữ hành khi còn đang học.
Hiện nay, cộng đồng chung ASEAN đã hình thành nên lao động tự do di chuyển trong các nước ASEAN và tìm kiếm việc làm ở bất kỳ quốc gia nào mà không bị các rào cản lao động. Ông Cao Quang Đại, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, đây thực sự là sức ép rất lớn, sự cạnh tranh rất khốc liệt giữa lực lượng lao động các nước. “Việc đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực đang cần như du lịch thực sự có ý nghĩa để lao động Việt Nam làm chủ trên chính sân nhà”, ông Đại nói.
KIM NGÂN