.

Đọc sách từ thư viện điện tử

.

Tiện ích, nhanh chóng là hiệu quả dễ thấy từ hệ thống thư viện điện tử lần đầu tiên được triển khai trong ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Đà Nẵng. Tại đây, học sinh có thể đọc sách điện tử hoặc mượn sách giấy tùy thích, với số lượng vô cùng phong phú, được tổng hợp từ nhiều nguồn, nhiều trường.

Trần Việt Phương Anh đọc sách trên thư viện điện tử.  			    Ảnh: PHƯƠNG TRÀ
Trần Việt Phương Anh đọc sách trên thư viện điện tử. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

Sau gần 2 tuần đi vào hoạt động (kể từ ngày 1-7), tất cả giáo viên, học sinh trên địa bàn quận Hải Châu đều có thể đọc sách trực tuyến từ thư viện điện tử, ở địa chỉ: http://elib.netplus.vn:9999/. Mỗi người truy cập được cung cấp mã số và mật khẩu để “vào” thư viện bất cứ lúc nào. Ở thư viện đặc biệt này, bạn đọc có thể đọc sách điện tử được chọn lọc, sưu tầm từ các trang mạng hoặc đăng ký mượn sách giấy tại bất kỳ thư viện nào ở các trường thuộc quận Hải Châu. Hiện nay, hơn 600 đầu sách từ các trường đã được bổ sung vào danh mục của thư viện điện tử.

Hơn một tuần nay, ngày nào em Trần Việt Phương Anh, học sinh lớp 5/7 Trường tiểu học Phan Thanh (quận Hải Châu) cũng vào thư viện điện tử để đọc sách. “Con thích đọc truyện tranh như Ngô Quyền phá quân Nam Hán của Nhà xuất bản Kim Đồng vì rất hấp dẫn. Ngoài ra, con cũng thích đọc truyện Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Nguyễn Nhật Ánh vì rất hay nữa ạ”, Phương Anh nói. Chị Trần Thị Thảo Phương, mẹ của Phương Anh cho biết: “Thấy con thích đọc sách mình vui lắm. Chỉ mong rèn được cho bé kỹ năng đọc từ nhỏ, vì kiến thức từ sách luôn bổ ích đối với con”.

Bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hải Châu khẳng định, thư viện điện tử ra đời không có nghĩa thư viện truyền thống bị bỏ quên, mà đây là cách giúp làm phong phú thêm mạng lưới thư viện trường học. Khi nhận được đăng ký của học sinh về quyển sách ở bất kỳ trường nào, thủ thư tại trường mà học sinh đang học sẽ gửi thông tin và nhận sách từ trường bạn. Sau đó, học sinh có thể đọc quyển sách đã yêu cầu mượn ngay tại trường mình.

Lâu nay, mỗi trường đều mua sách tùy thích và tùy khả năng hiện có, trong khi kinh phí đầu tư mua sách của các trường thường rất thấp. Thư viện điện tử ra đời, tất cả đầu sách đều được dùng chung, nên thư viện của từng trường nhờ đó được dồi dào nguồn sách. “Chúng tôi sẽ có kế hoạch để số sách mua từ các trường không bị trùng, tức có sự phân công, thông tin lẫn nhau trong việc bổ sung sách mới. Như vậy vừa tiết kiệm lại vừa sử dụng được tối đa công năng của sách”, bà Thúy Hà nói.

Bà Thúy Hà cho biết thêm, sẽ tiến tới thành lập một ban tuyển chọn cho thư viện điện tử gồm các hiệu trưởng để làm công việc lựa chọn, cập nhật những cuốn sách hay, bài giảng tốt, sáng kiến kinh nghiệm hiệu quả, tạo nguồn cho giáo viên, học sinh học tập. Ngoài ra, vào thư viện điện tử, học sinh có thể tham khảo thêm các bài thí nghiệm vật lý, hóa học, các đề thi, đề kiểm tra của từng trường. Để thư viện điện tử sinh động, hấp dẫn hơn, ban biên tập sẽ cập nhật những video về các hoạt động khác như những tiết mục đặc sắc tại các cuộc thi kể chuyện, ca hát...

PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.