.

Đưa phương pháp Agile vào trường học

.

Được đưa vào chương trình đào tạo trong những năm gần đây, khóa học Agile là phương pháp tiếp cận môi trường làm việc thực tiễn khá thành công dành cho các sinh viên theo học ngành công nghệ thông tin (CNTT). Không chỉ sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy chính, khóa học Agile còn kết hợp các phương pháp giảng dạy hiện đại thông qua các hoạt động mô phỏng, làm dự án và thuyết trình.

Với phương pháp học thông qua các trò chơi, tập trung vào kỹ năng làm việc nhóm, làm bài kiểm tra trực tuyến, mô phỏng môi trường làm việc thực tế…, phương pháp Agile giúp sinh viên có hứng thú với giờ học CNTT. 		       		      Ảnh: HOÀNG HÂN
Với phương pháp học thông qua các trò chơi, tập trung vào kỹ năng làm việc nhóm, làm bài kiểm tra trực tuyến, mô phỏng môi trường làm việc thực tế…, phương pháp Agile giúp sinh viên có hứng thú với giờ học CNTT. Ảnh: HOÀNG HÂN

Làm dự án thật

Theo các chuyên gia phần mềm, phương pháp làm việc theo mô hình Agile đang là xu hướng rất phổ biến được các công ty công nghệ lớn trên thế giới áp dụng khi làm dự án cho đối tác. Phương pháp này dựa trên ý tưởng chính là xây dựng nhóm làm việc độc lập, đa chức năng, phát huy tối đa hiệu quả giao tiếp với khách hàng để tạo ra sản phẩm nhanh chóng với chất lượng cao. Ông Đặng Ngọc Hải, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Axon Active Việt Nam tại Đà Nẵng cho biết: “Hiện các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Google, Microsoft, IBM… đều sử dụng mô hình Agile, dẫn đến một yêu cầu cấp thiết trong việc tìm kiếm các đối tác gia công phần mềm có kinh nghiệm áp dụng và triển khai mô hình làm việc mới này. Đây là những kiến thức cần thiết mà các doanh nghiệp (DN) không thể nào trông chờ sinh viên ra trường mới học mà nên đào tạo từ trong nhà trường càng sớm càng tốt”.

Được biết, điểm khó nhất của sinh viên khi học Agile là các bài tập thực hành, áp dụng vào sản phẩm chứ không chỉ là nắm kiến thức kỹ thuật chung chung. Vì vậy, môi trường để các em học tập tốt nhất là dự án thực tế với sự chỉ dẫn của huấn luyện viên tham gia cùng nhóm dự án.

Nắm bắt nhu cầu về việc nâng cao kiến thức thực tiễn cho sinh viên, nhiều năm nay, một vài cơ sở đào tạo trên địa bàn Đà Nẵng đã “bắt tay” với DN để đưa mô hình Agile vào chương trình giảng dạy. Năm 2011, Axon Active Vietnam tiến hành hợp tác với Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) để đưa khóa học Agile vào chương trình đào tạo chính quy thay thế bộ môn quy trình phát triển phần mềm truyền thống. Theo đó, sinh viên được làm dự án với yêu cầu ngặt nghèo như một sản phẩm thật dựa trên phương pháp Agile.

Với bài toán thật, khách hàng thật và môi trường thật, các sinh viên được chia nhóm, được huấn luyện về Agile, sau đó áp dụng vào sản phẩm của nhóm mình. Sản phẩm thành công phải hướng tới yếu tố linh hoạt, hiệu quả làm việc, giảm chi phí, giảm thiểu sai sót, gia tăng sự cộng tác của các thành viên trong nhóm. Thông qua những khóa học như thế, sinh viên được tiếp cận với thực tiễn công việc nhiều hơn, từ con người (người tham gia giảng dạy) đến các dự án mô phỏng nhưng rất thực tiễn mà sinh viên cần phải tham gia thực hiện và hoàn thành. “Việc sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy chính cũng như kết hợp các phương pháp giảng dạy hiện đại thông qua các hoạt động mô phỏng, làm dự án và thuyết trình không chỉ giúp sinh viên tiếp thu kiến thức một cách toàn diện nhất mà còn phát triển những kỹ năng mềm cần thiết trong quá trình làm việc sau này”, chị Võ Hoàng Thùy Trang, Trưởng bộ phận Quan hệ đối ngoại của tổ chức Passerelles numériques chia sẻ.

Đổi mới tư duy giảng dạy

Theo các chuyên gia phần mềm, Agile là một trong những giải pháp khả thi nhất trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, giải quyết thực trạng “vừa thừa, vừa thiếu” trên thị trường cung ứng nguồn nhân lực của thành phố nói riêng và cả nước nói chung. “Để giải quyết nhu cầu nguồn nhân lực, đòi hỏi trước hết từ thiện chí của các DN sẵn sàng đầu tư dài hạn trong việc phát triển thị trường nhân lực chung cho cộng đồng. Tuy nhiên, vai trò lớn nhất phải đến từ các trường đại học, sẵn sàng đổi mới tư duy giảng dạy, tích cực khai thác và mở rộng mối quan hệ với các DN, tạo mọi điều kiện tốt nhất để các DN tham gia công tác giảng dạy cùng với nhà trường”, ông Đặng Ngọc Hải nói. Cũng theo ông Hải, nếu các cơ sở đào tạo đưa khóa học Agile vào chương trình chính quy sẽ đóng góp rất nhiều vào công cuộc xây dựng nguồn nhân lực CNTT cho xã hội, đưa mặt bằng chung của nguồn nhân lực đi lên.

Khóa học Agile đã được triển khai rộng rãi đến 3 cơ sở đào tạo khác trên địa bàn Đà Nẵng, gồm Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học Duy Tân và tổ chức Passerelles numériques. Theo các nhà quản lý giáo dục, nhà trường không thể đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng ngay mọi yêu cầu của DN. Vì vậy, việc DN chủ động tìm đến các trường đại học để đưa ra chương trình hợp tác đào tạo toàn diện như mô hình Agile là điều cần thiết. “Tổng thời lượng của một chương trình đào tạo bậc đại học là có giới hạn nên hiện tại khoa chưa thể đưa Agile vào chương trình chính thức. Trong lần thay đổi chương trình đào tạo tới đây, chúng tôi sẽ nghiên cứu thực hiện việc này bằng cách thay thế hoặc thiết kế lại một số học phần phù hợp hơn”, TS Nguyễn Trần Quốc Vinh, Chủ nhiệm khoa Tin học, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho biết.

HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.