.

Học bơi... trên núi

.

Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng đang lắp đặt 6 bể bơi tại các xã của huyện Hòa Vang, ngoài 3 hồ hiện có. Như vậy, nỗi khát khao được học bơi của trẻ em vùng nông thôn, miền núi sẽ thành hiện thực trong mùa hè này.

Trẻ em miền núi rất muốn được học bơi một cách bài bản và an toàn.  									Ảnh: P.TRÀ
Trẻ em miền núi rất muốn được học bơi một cách bài bản và an toàn. Ảnh: P.TRÀ

Ông Nguyễn Anh Quân, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho biết, ngoài 3 hồ bơi do tổ chức TASC đầu tư tại các trường tiểu học An Phước, Hòa Tiến 1 và Hòa Khương, hiện nay, từ nguồn ngân sách, thành phố đầu tư thêm 6 bể bơi tại Trường tiểu học Hòa Liên 2, Hòa Sơn 2, Hòa Ninh, Hòa Nhơn 1, Lê Kim Lăng, Hòa Phước 2. “Nhu cầu học bơi của trẻ em miền núi rất lớn, nên việc đầu tư xây dựng các bể bơi di động sẽ được tiến hành nhanh chóng. Các bể bơi này đều chuẩn bị đưa vào hoạt động”, ông Quân cho hay.

Biết sắp có bể bơi tại địa phương, nhiều người dân xã Hòa Liên rất phấn khởi. “Có thêm bể bơi cho tụi nhỏ học thiệt là quá tốt. Ngoài việc biết kỹ năng bơi lội, phòng tránh đuối nước, thì ngày hè có thêm một môn thể thao cho tụi nhỏ tham gia càng hay, vì ở đây đâu có nhiều trò chơi, giải trí”, anh Lê Minh Huy (44 tuổi), một người dân ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang thổ lộ. Theo anh Huy, đối với trẻ em vùng xa, việc học bơi chủ yếu là tự tập cho nhau ngay tại các sông, hồ gần khu vực mình sinh sống, nên phần lớn các em không biết bơi đúng kỹ thuật. Anh Huy cho biết thêm, bé Nam (8 tuổi), con trai anh rất thích được học bơi, nhưng vẫn chưa được học. Nghỉ hè, cậu bé chỉ quanh quẩn trong xóm hoặc xem ti-vi.

Những ngày hè oi bức, dòng nước xanh mát tại các con suối luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với trẻ em miền núi, nhưng tại đây luôn tiềm ẩn nguy cơ đuối nước. Ông Lê Đồ (thôn Phú Túc, xã Hòa Phú) chia sẻ, ngày trước, cuộc sống sinh hoạt người dân thôn Phú Túc gắn liền với các dòng suối, nên con cái cứ theo ông bà, cha mẹ rồi tự học bơi lấy. Ngày nay, điều kiện sống ít nhiều thay đổi, số trẻ con biết bơi ở vùng miền núi này khá thấp. “Người dân chưa nghĩ đến chuyện có hồ bơi, nhưng nếu được Nhà nước đầu tư thì tốt biết mấy, còn nếu không có, trẻ con vẫn cứ tự bơi ngoài suối khi đi chăn bò, bắt cá vậy thôi, không thể quản được. Sợ nhất là mùa nước lũ, nguy hiểm vô cùng”, ông Đồ nói.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết, chính quyền địa phương đã đến từng gia đình có con nhỏ thông báo, nghiêm cấm các em không được tắm sông, suối. “Tuy nhiên, nhiều gia đình phải lo mưu sinh, không thể quản trẻ em 24/24 giờ nên rất dễ dẫn đến tình trạng trẻ lén lút tắm sông, suối. Với thực tế này, chúng tôi hy vọng xã được đầu tư bể bơi để học sinh có thể tập bơi. Hơn nữa, với một xã miền núi còn nhiều khó khăn, thiếu hụt khu vui chơi giải trí dành cho trẻ, việc có hồ bơi cũng góp phần cải thiện nhu cầu vui chơi, giải trí của các em trong dịp hè”, ông Hải bày tỏ.

Trang bị kỹ năng bơi cho trẻ đang là vấn đề được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đặc biệt quan tâm và chỉ đạo các ban, ngành liên quan xây dựng nhiều đề án, kế hoạch triển khai. Song song đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, xã hội hóa và kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước đối với công tác trang bị kỹ năng bơi, phòng tránh đuối nước và cứu đuối cũng được triển khai quyết liệt.

Tuy nhiên, vấn đề đầu tư bể bơi cũng như việc rèn luyện kỹ năng bơi cho trẻ em miền núi còn hạn chế. Không riêng xã Hòa Phú, trẻ em xã Hòa Bắc cũng đang mong chờ được học bơi. Anh Phan Văn Thu, Phó thôn Tà Lang (xã Hòa Bắc) cho biết, ngày hè, trẻ con trong hai thôn Tà Lang, Giàn Bí cũng chỉ biết ở nhà, gia đình phải trông coi cẩn thận, chỉ sợ lơ là một chút thì các em ra sông, suối tắm nguy hiểm lúc nào không hay. Về chủ trương dạy bơi cho học sinh trong trường học, anh Thu nói, với các xã miền núi, điều này rất cần thiết, nhưng đến giờ người dân xã Hòa Bắc vẫn phải chờ.

NGỌC HÀ - KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.