Giáo dục

Hơn 30% không dự xét tuyển vào ĐH, CĐ: Sẽ bớt cảnh thừa thầy

10:10, 02/07/2016 (GMT+7)

Theo Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT Quốc gia năm nay tỷ lệ thí sinh đăng ký chỉ xét tốt nghiệp chiếm 32%, tăng nhiều so với năm ngoái.Theo Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT Quốc gia năm nay tỷ lệ thí sinh đăng ký chỉ xét tốt nghiệp chiếm 32%, tăng nhiều so với năm ngoái.

Năm 2016, các trường - trung tâm đào tạo nghề trên cả nước sẽ tuyển hơn 2,1 triệu chỉ tiêu.
Năm 2016, các trường - trung tâm đào tạo nghề trên cả nước sẽ tuyển hơn 2,1 triệu chỉ tiêu.

Nhiều thí sinh đã chọn ngã rẽ khác để có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm trong tương lai.

Bớt “câu cơm” từ đại học

Tỷ lệ thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2016 chỉ để xét tốt nghiệp mà không đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ tăng khá cao so với năm ngoái, nhiều địa phương có gần 70% học sinh không đăng ký xét tuyển thi đại học. Cụ thể, Hà Nội có hơn 16.000 học sinh (HS), tăng 11.000 HS so với 2015; Nghệ An có hơn 12.000/31.000 (chiếm 40%); Hòa Bình có trên 5.600/8.100 học sinh (chiếm gần 70%)...

Tại Nghệ An, Trường THPT Cửa Lò 2 là trường có thí sinh đăng ký dự thi lấy kết quả công nhận tốt nghiệp THPT nhiều nhất, chiếm đến hơn 77% số lượng học sinh.

Cửa Lò là địa phương vùng biển, từ nhiều năm nay, xu hướng xuất khẩu lao động được xem là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương này. Bởi vậy, sau khi tốt nghiệp nhiều học sinh có nguyện vọng xuất khẩu lao động ra nước ngoài thay vì tìm kiếm cơ hội xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Không chỉ ở các tỉnh miền núi phía Bắc mà ngay TP. Hà Nội, tỉ lệ thí sinh đăng ký thi để xét tốt nghiệp cũng tăng khá cao so với năm ngoái. Tại một số trường THPT trên địa bàn thành phố, nhất là các trường ở ngoại thành, số lượng HS đăng ký xét tốt nghiệp THPT chiếm 2/3, chỉ 1/3 số học sinh còn lại đăng ký xét tuyển vào ĐH.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT cho rằng, điều này do học sinh đã xác định về khả năng bản thân và nhu cầu lựa chọn công việc trong tương lai, thay vì cố thi bằng được vào đại học.

Điều đáng mừng, ngay các bậc phụ huynh đã có nhiều thay đổi trong việc chọn ngành, chọn nghề, không gây áp lực cho con cũng như đánh giá được năng lực của con trong việc chọn ngành, chọn nghề.

Chị Nguyễn Tuyết Trinh, Hà Nội, tâm sự: “Đứa con gái đầu của tôi tốt nghiệp trường sư phạm mấy năm nay mà vẫn không được đi dạy, giờ cháu lại phải đi học nghề để được vào làm công nhân trong nhà máy ở gần nhà. Rút kinh nghiệm đến cậu con trai thứ 2, dù cháu học lực khá nhưng gia đình vẫn ủng hộ cháu học nghề, vì thời gian học ngắn, học phí rẻ mà ra trường dễ kiếm việc làm hơn”.

Đào tạo gắn với nhu cầu tuyển dụng

GS. Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: Tỷ lệ 32% thí sinh không thi ĐH, CĐ là tín hiệu tích cực, đúng với tinh thần NQ29 với nội dung Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường.

Trong đó yêu cầu bảo đảm cho học sinh có trình độ THCS có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS; THPT phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng.

Thế nhưng, việc phân luồng ở ta vẫn còn rất kém, có đến hơn 90% các em tốt nghiệp cấp 2 sẽ phải học lên cấp 3 và đã học hết cấp 3 là hầu hết phải lên ĐH bằng mọi giá. Vì thế, cần thực hiện phân luồng sớm ngay từ năm lớp 9, nhất là sau lớp 12. Ở nước ngoài công tác phân luồng được thực hiện rất sớm, ở Đức từ lớp 5 đã có phân luồng, ở Pháp là sau lớp 7, còn Trung Quốc đã thực hiện từ lâu và tỷ lệ vào ĐH hiện nay chỉ chiếm 50%.

Theo ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Dạy nghề, do tâm lý bằng cấp của người Việt khá nặng nề nên trong những năm qua chỉ có khoảng 2,5 - 3,5% số học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học nghề, tỷ lệ này rất thấp so với mục tiêu đã đề ra là “…năm 2020, phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề...”.

Bên cạnh đó, hệ thống các trường dân lập, đại học mở tràn lan hiện nay đã vét gần hết học sinh, không còn người đi học nghề nữa. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp hiện nay, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần lao động đã qua đào tạo nghề.

Là nước đang phát triển nhưng Việt Nam lại có đến hơn 400 trường ĐH, CĐ. Hậu quả là, trong 5 năm qua có tới 230 nghìn cử nhân thất nghiệp, trong khi lực lượng lao động qua đào tạo nghề lại thiếu trầm trọng. Cực chẳng đã, nhiều cử nhân tốt nghiệp ĐH loại ưu phải giấu bằng đi học nghề để có việc làm. GS. Phạm Minh Hạc lý giải nguyên nhân: Ở nước ta không có nghiên cứu cẩn thận về chiến lược phát triển giáo dục và phát triển nguồn nhân lực ra sao.

Hậu quả là khiến cho số cử nhân ra trường thất nghiệp ngày càng nhiều. Ở nhiều nước, mỗi quận, huyện họ đều có hội đồng tư vấn cho các em theo học ngành nghề phù hợp với năng lực và nhu cầu lao động của địa phương. Ở ta không thể 700 quận, huyện đều có nhu cầu lao động như nhau được.

Năm nay, tỷ lệ thí sinh “né” các trường ĐH tăng có thể xem là cơ hội lớn cho các cơ sở đang tham gia dạy nghề nắm bắt để tổ chức tuyển sinh. Theo số liệu báo cáo của các địa phương trên cả nước, nhu cầu học nghề trong học sinh có xu hướng gia tăng và nhiều ngành nghề có lượng tuyển sinh khá.

Theo VOV

.