Giáo dục
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc
* Dự kiến công bố kết quả trước ngày 20-7
Ngày 4-7, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga đến Đà Nẵng kiểm tra công tác thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016. Theo đánh giá của Thứ trưởng, công tác tổ chức thi tại Đà Nẵng khá tốt, bảo đảm tính an toàn, nghiêm túc của kỳ thi.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga kiểm tra công tác tổ chức thi tại Cụm thi số 40 Đại học Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN |
Kiểm tra tại phòng thi
Tại điểm thi môn Sử (buổi sáng) ở Trường THPT Trần Phú, Thứ trưởng Bùi Văn Ga kiểm tra từng phòng thi, thăm hỏi, động viên thí sinh và dặn dò giám thị coi thi. Tại phòng thi số 42, Thứ trưởng Bùi Văn Ga hỏi cán bộ coi thi Trần Phan Hoài Thanh về một số tình huống như: “Nếu có trường hợp thí sinh làm bài được 30 phút rồi mới phát hiện ký nhầm thì làm thế nào?” Câu trả lời của giám thị Hoài Thanh là: Vẫn để thí sinh tiếp tục làm bài để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh rồi xử lý sau. Thứ trưởng Bùi Văn Ga gật đầu đồng ý và hỏi thêm về cách mở túi đề thi; đồng thời dặn dò nếu gặp sự cố phải báo ngay cho điểm trưởng để có hướng xử lý thích hợp.
Theo báo cáo của Đại học Đà Nẵng, Đà Nẵng có 10.996 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 10.721 thí sinh thi môn Toán, 9.816 thí sinh thi môn Văn, 9.149 thí sinh thi môn Ngoại ngữ (Anh: 9.065, Nga: 2, Pháp: 24, Trung: 2, Đức: 1, Nhật: 55), 5.613 thí sinh thi môn Lý, 4.989 thí sinh thi môn Hóa, 2.085 thí sinh thi môn Sinh, 745 thí sinh thi môn Lịch sử, 3.765 thí sinh thi môn Địa lý thi tại 11 điểm thi với 292 phòng thi. Đại học Đà Nẵng huy động 637 cán bộ coi thi, trong đó có 100 cán bộ, giáo viên do Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng điều động, 209 sinh viên của Đại học Đà Nẵng.
Đại học Đà Nẵng cũng huy động 300 đoàn viên, sinh viên đón tiếp, động viên, hướng dẫn thông tin (phòng thi, lịch thi...) cho thí sinh, giới thiệu các địa điểm nghỉ ngơi giữa các buổi thi tại các ký túc xá Đại học Đà Nẵng, thành lập các đội sinh viên tình nguyện tại những điểm tập trung đông thí sinh và người nhà để phát miễn phí nước uống, đồ ăn nhẹ, cơm trưa, hỗ trợ thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Nhìn chung, trong 3 ngày thi vừa qua, số thí sinh dự thi các môn chiếm khoảng 97% so với số thí sinh đăng ký.
Giám đốc Đại học Đà Nẵng Trần Văn Nam cho biết, trước đó nhiều ngày, đơn vị đã chuẩn bị các điều kiện để kỳ thi THPT quốc gia cụm 40 diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, bảo đảm an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự tại các cụm thi và nơi ăn nghỉ của thí sinh. Đồng thời sẽ có các phương án bảo đảm an ninh trật tự trước, trong và sau kỳ thi, tránh những chuyện đáng tiếc xảy ra với thí sinh và chuẩn bị mọi điều kiện thuận lợi để công tác chấm thi được thực hiện đúng kế hoạch.
Thí sinh thi tại địa phương: cách làm mới phù hợp
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, khác với mọi năm, năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đổi mới hình thức thi, tức là thay vì nhiều địa phương cùng thi chung một cụm thì nay địa phương nào tổ chức cụm thi riêng tại địa phương đó. “Theo khảo sát tại nhiều địa phương, việc tổ chức như vậy được thí sinh và phụ huynh rất hài lòng. Bởi vì các em không phải đi xa vất vả mà thi ngay tại địa phương, nhẹ nhàng giống như thi học kỳ. Như vậy, chắc chắn, chất lượng bài làm của các em sẽ tốt hơn”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói.
Theo Thứ trưởng, việc giảm lượng thí sinh các tỉnh đổ dồn về một địa phương còn giúp giảm áp lực cho chính địa phương đó, đồng thời mỗi địa phương có thể huy động tất cả nhân lực, vật lực cho công tác thi cũng như hỗ trợ thí sinh và người nhà hiệu quả hơn. Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, việc tổ chức cụm thi tại các địa phương sẽ là phép thử tiến tới đổi mới nhiều hơn trong kỳ tuyển sinh, bảo đảm tính công bằng, khách quan hơn nữa. Thứ trưởng chỉ đạo ngay ngày 5-7 phải lên kế hoạch tổ chức chấm thi. Nếu ai vì nhiều lý do không tham gia được thì phải báo cáo để thay thế, không được làm chậm tiến độ chấm thi và công bố kết quả kịp thời dự kiến trước ngày 20-7.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng cảm ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo có sự chỉ đạo quyết liệt theo hệ thống ngành để kỳ thi thành công; đồng thời cũng cho biết địa phương đã chỉ đạo chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đặc biệt là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong mùa thi. Thứ trưởng Bùi Văn Ga đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của Đà Nẵng và mong muốn thành phố có sự chỉ đạo để thí sinh và người nhà được thuận tiện trong việc truy cập xem điểm thi ngay khi vừa công bố; đề nghị các địa phương chỉ đạo các trường phổ thông mở cửa và tuyên truyền để thí sinh biết đến đăng ký trực tuyến xét tuyển đại học vì việc đăng ký xét tuyển trực tuyến vừa tiện lợi, vừa đỡ tốn kém cho thí sinh.
Môn Sử và Sinh đều khó đạt điểm cao
Sáng 4-7, gần 745 thí sinh tại Đà Nẵng thi môn Sử kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016. Thí sinh thi tại 3 điểm: Trường Cao đẳng Lương thực thực phẩm, THPT Thanh Khê và THPT Trần Phú. Tại điểm thi Trường THPT Trần Phú, không ít thí sinh ra sớm trước 10 phút vì hoàn thành xong bài thi và nhiều thí sinh làm bài được. Nguyễn Ngọc Sơn, thí sinh tự do cho biết, em làm được hơn 80% đề thi.
Theo Ngọc Sơn, đề thi Sử năm nay vừa sức và khả năng em sẽ đạt khoảng 8 điểm. Nội dung đề thi chủ yếu trong chương trình học, xoay quanh chủ đề giáo dục lòng yêu nước, hướng đến tự hào, đoàn kết dân tộc. Trong khi đó, Võ Văn Thắng, học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Thành Tài cho biết: “Đề thi khá sát chương trình, chỉ có câu 4 khó vì ra theo dạng mở, đòi hỏi người viết cần có kiến thức rộng mới có thể làm tốt”, Thắng chia sẻ. Tại các điểm thi khác, nhìn chung thí sinh đều làm được bài.
Theo báo cáo nhanh của Đại học Đà Nẵng, trong buổi thi môn Sử, có 42 thí sinh bỏ thi. Như vậy, trong buổi sáng 4-7, có 94,36% thí sinh dự thi (trên tổng số 745 thí sinh dự thi). Ngoài ra, có 2 thí sinh bị đình chỉ thi tại điểm thi Trường THPT Thanh Khê do sử dụng tài liệu trong phòng thi.
Chiều 4-7, buổi thi cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2016 tại Đà Nẵng có 1.873 thí sinh thi môn Sinh, với thời gian làm bài 90 phút. Các thí sinh thi tại Trường Cao đẳng Lương thực thực phẩm, THPT Nguyễn Thượng Hiền, THPT Thanh Khê, THPT Trần Phú và Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng).
Tại điểm thi Trường THPT Trần Phú, nhiều thí sinh cho biết làm bài được nhưng khó đạt điểm cao. Nguyễn Dung, thí sinh tự do cho hay, em chỉ hoàn thành khoảng 70% vì không làm được những câu cuối. Nguyễn Lương Minh Thành, học sinh lớp 12 Trường THPT Thái Phiên nói: “Em làm được khoảng 65%. Đề thi có từ 15 - 20 câu khó trên tổng 50 câu. Những câu này chủ yếu rơi vào phần bài tập. Ngoài ra, phần lý thuyết hơi dài nên khó làm hết nếu không nhuần nhuyễn”. Theo nhận định của nhiều thí sinh, đề thi môn Sinh có tính phân loại cao, nhiều câu chỉ học sinh khá, giỏi mới làm được.
Theo báo cáo nhanh của Đại học Đà Nẵng, trong buổi thi môn Sinh học, có 212 thí sinh vắng, 1 thí sinh bị đình chỉ do mang điện thoại vào phòng thi. Như vậy, trong buổi chiều 4-7, có 89,8% thí sinh dự thi (trên tổng số 2.085 thí sinh dự thi).
Phương Trà