.

Trường nghề hút học sinh

.

Một tín hiệu vui trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016 là số thí sinh đăng ký chỉ xét tốt nghiệp và chọn học nghề đang tăng ở Đà Nẵng cũng như trên cả nước. Đón đầu xu thế này, các trường nghề ra sức quảng bá để “hút” học sinh.

Nghề phục vụ du lịch hiện được nhiều bạn trẻ chọn học tại Đà Nẵng. Ảnh: P.Trà
Nghề phục vụ du lịch hiện được nhiều bạn trẻ chọn học tại Đà Nẵng. Ảnh: P.Trà

Tự lượng sức mình

Có mặt tại các điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016 vừa qua, chúng tôi ghi nhận nhiều thí sinh tham gia kỳ thi với tâm lý khá thoải mái. Em Nguyễn Phúc Hưng, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền cho biết, kỳ thi năm nay em tham gia thi 4 môn: Toán, Văn, Anh và Địa. “Em chỉ thi đủ điểm để đậu tốt nghiệp rồi chọn học ngành cơ khí sửa chữa ô-tô, máy bay… Đó là niềm đam mê của em”, Hưng bộc bạch. Mặc dù trước đó, khi quyết định học nghề, ba mẹ Hưng cũng phản đối dữ dội vì cậu con “cưng” không chịu vào đại học. Tuy nhiên, sau khi thuyết phục ba mẹ với những lý lẽ hợp lý rằng sức học của mình khó vào đại học, hơn nữa niềm đam mê của Hưng là trở thành một người thợ sửa chữa động cơ giỏi, ba mẹ cậu đã ủng hộ con trai.

Cũng giống Phúc Hưng, Trần Thị Lan Anh (20 tuổi, ở quận Thanh Khê), thí sinh tự do tham gia kỳ thi tốt nghiệp với tâm thế chỉ cần đủ điểm đậu. “Mấy anh chị của em học đại học 4 năm xong ra trường cất bằng đi làm công nhân. Bởi vậy, em chỉ đặt mục tiêu đậu tốt nghiệp rồi học nghề pha chế để xin làm lễ tân trong các nhà hàng, khách sạn. Em rất thích công việc đó”, Lan Anh tâm sự.

Theo báo cáo của Đại học Đà Nẵng, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016 tại Đà Nẵng có 10.997 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 1.243 em đăng ký chỉ để đậu tốt nghiệp rồi chọn học nghề. Trong khi đó, theo con số Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, tại kỳ thi THPT quốc gia năm nay, tỷ lệ thí sinh đăng ký chỉ xét tốt nghiệp chiếm 32%, tăng nhiều so với năm ngoái. “Nhiều học sinh biết tự lượng sức. Với những em có sức học yếu thì việc chọn một nghề phù hợp là thực sự cần thiết, hơn là phải cố gắng vào được đại học”, thầy Nguyễn Đình Hòa, giáo viên dạy Văn Trường THPT Trần Phú nói.

Trường nghề rộng cửa đón học sinh

Đón bắt nhu cầu học nghề ngày một tăng, các trường nghề tại Đà Nẵng đang đẩy mạnh hoạt động tư vấn tuyển sinh nhằm hút học sinh. Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng năm nay tuyển khoảng gần 2.000 chỉ tiêu với các ngành: hướng dẫn viên du lịch, quản trị khách sạn, quản trị lữ hành, may thời trang, công nghệ ô-tô… Thầy Phan Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để đáp ứng nhu cầu thị trường, nhà trường quyết định bỏ bớt một số nghề hệ trung cấp không còn phù hợp như: điện tử, công nghệ thông tin… “Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay tại Đà Nẵng, các nghề thị trường đang cần là du lịch, công nghệ ô-tô, quản trị mạng, thiết kế thời trang… Bởi vậy, chúng tôi cung cấp thông tin và đào tạo cho các em để dễ tìm được việc sau khi ra trường”, thầy Sơn nói.

Với thế mạnh về đào tạo du lịch, Trường Cao đẳng Nghề Việt Úc cũng đang ráo riết quảng bá, tuyển sinh trong và ngoài thành phố Đà Nẵng với mục tiêu tuyển gần 1.000 học viên trong năm nay. Trường còn mở thêm 2 lớp đào tạo hướng dẫn viên du lịch ngoài những nghề đã có như: quản trị khách sạn, quản trị lữ hành, kỹ thuật chế biến món ăn... Thầy Đặng Phúc Sinh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo kép, tức là nhà trường cùng doanh nghiệp trực tiếp tham gia đào tạo và doanh nghiệp sẽ nhận các em vào làm ngay sau khi ra trường.

Bà Kiều Thị Thanh Trang, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đà Nẵng cho biết, năm nay, các trường, cơ sở dạy nghề Đà Nẵng dự kiến tuyển khoảng 45.000 chỉ tiêu, cao hơn so với năm ngoái. Theo bà Trang, việc thí sinh không thi đại học, cao đẳng là tín hiệu tích cực, đúng với việc Nghị quyết số 29 NQ/TW về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó yêu cầu bảo đảm cho học sinh có trình độ THCS có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS; THPT phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng.

PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.