Quá trình chỉnh trang, phát triển đô thị nhanh chóng, đồng loạt ở hầu khắp các địa bàn tại Đà Nẵng khiến dân cư bị xáo trộn, dịch chuyển mật độ. Tuy nhiên, do quá chú trọng về phát triển hạ tầng kỹ thuật nên sự quy hoạch dài hạn và đầu tư cho giáo dục chưa thay đổi kịp yêu cầu phát triển.
Chung cư làng cá Nại Hiên Đông với 4 khu nhà cao tầng cùng hơn 1.500 nhân khẩu nhưng chưa có trường mầm non công lập nào để đáp ứng yêu cầu gửi trẻ của người dân. Ảnh: P. TRÀ |
“Hô biến” đất dành cho giáo dục
Một ví dụ cụ thể là trong quy hoạch khu dân cư Tuyên Sơn có khu dành riêng cho giáo dục, nhà đầu tư được nhiều chế độ ưu đãi về giá đất, nhưng sau đó lại chuyển đổi mục đích, phân lô bán nền. Hay như khu chung cư ở đường Đống Đa vừa mới xây dựng với nhu cầu ở cho khoảng 100 hộ dân nhưng lại không có cơ sở nào về giáo dục được xây dựng để phục vụ nhân dân. Hoặc như khu chung cư làng cá Nại Hiên Đông với 4 khu nhà cao tầng với khoảng 400 hộ dân và 1.500 nhân khẩu đang sinh sống nhưng chưa có trường mầm non công lập nào được xây dựng tại đây.
Một trường hợp khác gần đây nhất mà báo chí cũng đã lên tiếng là khu đất rộng hơn 5.000m2 nằm trên địa bàn quận Thanh Khê đã được UBND thành phố giao cho Công ty CP Công nghệ và Giáo dục Nguyễn Hoàng thực hiện dự án trường chất lượng cao từ năm 2011. Tuy vậy, qua hơn 5 năm, trên khu đất này vẫn chưa có công trình trường học nào được xây dựng và mới đây, nhà đầu tư đã xin phép chính quyền thành phố chuyển đổi công năng từ đất cho thiết chế giáo dục sang đất ở bằng việc phân lô bán nền?!
Theo thông tin mới nhất liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam cho biết, theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh, các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra cụ thể vấn đề trên, cần thực hiện theo quy hoạch đã công bố, không được phân lô bán nền. Hiện nay, các sở, ban, ngành có liên quan đang tiến hành kiểm tra việc xây dựng dự án này để xử lý. Một lãnh đạo quận Thanh Khê kiến nghị lãnh đạo thành phố nên thu hồi dự án, do đã hơn 5 năm không triển khai, giao đất cho nhà đầu tư khác có năng lực hơn và vẫn ưu tiên cho xây dựng trường học.
Nhiều chủ trương ngành Giáo dục không được biết và không có quyền can thiệp, nên đất quy hoạch cho giáo dục nhưng thực chất là phân lô bán nền, còn nơi cần lại không được bố trí. Thực tế, khi quy hoạch và tiến hành xây dựng cũng như đưa vào sử dụng một khu dân cư, khu đô thị mới nào đó trên địa bàn thành phố, ngành Giáo dục không được tham gia ý kiến và không có quyền phát biểu những vấn đề liên quan. Bởi vậy ngành Giáo dục bị động, chạy theo và tìm cách đối phó bằng việc kiến nghị, đề xuất khi xảy ra tình trạng quá tải, hoặc thiếu trường, thiếu lớp, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Điều đó dẫn đến năm học mới 2016-2017 sắp bắt đầu, nhưng hàng loạt trường học tại Đà Nẵng vẫn đang “loay hoay” với xây mới, nâng cấp, sửa chữa. Đơn cử như: Trường tiểu học Lê Quý Đôn (quận Hải Châu) được đầu tư xây dựng mới 5 phòng học, nâng tổng số phòng học của trường lên 26 phòng, đủ cho 26 lớp học. Hiện đơn vị thi công vẫn đang tích cực xây dựng để kịp hoàn thành, bàn giao vào cuối tháng 8.
Số phòng này đủ học 2 buổi/ngày cho năm học 2016-2017. Tuy nhiên, theo điều tra phổ cập tiểu học thì năm sau (2017-2018) số lượng học sinh đầu vào sẽ tăng và tình trạng thiếu phòng lại tiếp tục diễn ra. Tương tự, cô Lê Thị Hoàng Anh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Công Uẩn (quận Hải Châu) cho biết, 12 phòng học xây mới cũng đang được gấp rút hoàn thành, nâng tổng số phòng học hiện có lên 36, đủ cho 36 lớp học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, năm sau lại có nguy cơ thiếu phòng vì số lớp sẽ tăng.
Theo kế hoạch, Đà Nẵng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày từ năm học 2015-2016. Tuy nhiên, cho đến nay, dù đã có nhiều cố gắng, nhưng xem ra ngành lại tiếp tục “trễ hẹn” với kế hoạch 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày!
Đầu tư chưa cân đối
Ông Nguyễn Hoàng Long, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng, cơ sở vật chất trường lớp là yếu tố quan trọng quyết định việc nâng cao chất lượng giáo dục. Lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ đã có nhiều cố gắng đầu tư cho giáo dục, tuy nhiên đến nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Trước đây, giáo dục là lĩnh vực Nhà nước độc quyền và xã hội coi đó là trách nhiệm của Nhà nước, kể cả trong việc xác định mục tiêu, xây dựng chương trình... Bây giờ thì khác, việc huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào giáo dục là một trong những thành công lớn không chỉ của riêng ngành Giáo dục.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Long, trừ một số nhà đầu tư có động cơ và mục đích chân chính, đầu tư cho giáo dục vì mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực nhằm phát triển toàn diện nhân cách con người Việt Nam, thì vẫn có những nhà đầu tư coi giáo dục là mục đích để kinh doanh nên đầu tư để kiếm lợi. Cho nên nhiều lúc chính quyền bị động trong quy hoạch về phát triển hệ thống trường lớp, dẫn đến tình trạng phát triển thiên lệch, xu hướng dồn về trung tâm khiến nơi thừa, nơi thiếu, khu vực trung tâm ngày càng chật chội, đông đúc, cản trở sự phát triển chung.
Đồng thời, một số nơi vùng ven thành phố lại ít được đầu tư cả về nguồn lực lẫn con người. “Điều đó dẫn đến một thời kỳ các nhà đầu tư ồ ạt đổ xô vào việc xin đất xây dựng trường và chiếm những chỗ dễ thu lợi nhất, đầu tư đào tạo những ngành nghề dễ kiếm lời, dẫn đến khủng hoảng trong đầu tư xây dựng trường nơi thừa nơi thiếu kể cả trong và ngoài công lập. Đó là hậu quả do tư duy quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu”, ông Long nói.
Khi tìm hiểu thực tế ở một số trường THPT trên địa bàn Đà Nẵng, có thể thấy rõ những trường nằm ở quận Hải Châu bao giờ cũng được ưu tiên hơn hẳn. Cụ thể, Trường THPT Phan Châu Trinh được mở rộng khuôn viên, đầu tư mới hồ bơi, sân đa năng, trong khi đó, Trường tiểu học Ngô Quyền (quận Sơn Trà) xin xây 1 sân mà nhiều năm chưa được duyệt.
Hay như Trường THPT Hòa Vang (quận Cẩm Lệ) nằm ngay dưới đường cất hạ cánh của sân bay Đà Nẵng, giờ học thường xuyên bị gián đoạn bởi tiếng ồn nhức óc của máy bay, nhưng đến nay vẫn chưa được chuyển sang địa điểm khác để bảo đảm việc học cho các em trong giai đoạn năm học mới đang đến gần. “Ở một số khu vực, các ban quản lý, các nhà đầu tư chỉ chú trọng mục tiêu kinh tế, đó là phân lô bán nền và xây căn hộ, nhưng thiếu quan tâm đến việc đầu tư các cơ sở thiết chế văn hóa-giáo dục. Nhà nước phải có cơ chế riêng cho nhà đầu tư giáo dục, có như vậy mới đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục theo chủ trương của Đảng, Nhà nước”, ông Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh.
C. ANH - P. TRÀ