Giáo dục
Bài cuối: Cần giải pháp đồng bộ, dài hạn
Làm sao phát triển hệ thống cơ sở giáo dục đồng bộ, cân đối, phù hợp với thực tế là điều lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đang quan tâm. Đó có thể là sự đổi mới trong tư duy về quy hoạch nói chung, quy hoạch giáo dục nói riêng hay là những giải pháp mạnh tay để bảo đảm xây dựng cơ sở vật chất phù hợp cho giáo dục.
Thành phố cần dành quỹ đất cho giáo dục để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực. TRONG ẢNH: Giờ sinh hoạt ngoại khóa của cô và các bé Trường mầm non Hoàng Lan. Ảnh: P. TRÀ |
Phải dành quỹ đất cho giáo dục
Đà Nẵng đang trong quá trình phát triển nhanh chóng, toàn diện. Với “tiếng thơm” về “thành phố đáng sống”, “thành phố an bình”, thành phố hiện đang là mảnh đất khiến rất nhiều cư dân trong nam ngoài bắc muốn về sinh sống, làm ăn. Dân số hiện nay của Đà Nẵng chỉ hơn 1 triệu người, nhưng theo dự báo đến năm 2020 sẽ đạt 1,4 triệu người và đến 2030 là 2,5 triệu.
Trong khi đó, quỹ đất của Đà Nẵng về phía đông, phía bắc và phía nam đã được khai thác gần như hoàn tất, chỉ còn phát triển về phía tây vốn là đồi núi. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, theo ông Vũ Hùng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy, thành phố cần đánh giá lại quy hoạch tổng thể 20 năm qua và xây dựng quy hoạch mới phù hợp với điều kiện thực tế, trên cơ sở đó, cần dành quỹ đất ngay trong các khu đô thị, khu trung tâm cho phát triển giáo dục, y tế, văn hóa xã hội về sau. “Theo tôi, phải căn cứ trên tài nguyên đất đai, dân số và dự báo tăng trưởng để xây dựng trường lớp. Quy hoạch trường học phải gắn với quy hoạch đất đô thị, cụ thể hóa theo từng cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông.
Xã hội hóa giáo dục cho phép người ngoài đầu tư, trên cơ sở chính quyền thành phố quy hoạch đất cho giáo dục, kêu gọi các nhà đầu tư hạ tầng cho giáo dục, chứ không thể chỉ dựa vào đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Qua đó, sẽ giảm gánh nặng của ngân sách Nhà nước cho giáo dục. Thực hiện được chủ trương này còn cần phải vượt qua tâm lý e sợ nhà đầu tư sẽ thương mại hóa giáo dục” - ông Vũ Hùng nói.
Còn ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng thì cho rằng, tại các khu dân cư, khu đô thị mới được triển khai gần đây đều bố trí đầy đủ quỹ đất để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bao gồm trường học các cấp. Tuy nhiên, hiện nay còn có một số khu vực chưa được đầu tư xây dựng nên phần nào xảy ra hiện tượng một số nơi thiếu trường học. Ngoài ra, những khu dân cư được xây dựng từ mươi, mười lăm năm trước, rõ ràng là còn nhiều bất cập, không còn phù hợp với thực tế sự phát triển nhanh chóng hiện nay.
Cần chính sách hỗ trợ riêng cho giáo dục
Thời gian qua, Đà Nẵng có chủ trương quyết liệt chống tuyển sinh trái tuyến. Thực tế, chủ trương này đã hạn chế được một lượng lớn học sinh đổ dồn về quận trung tâm, nhưng theo ông Nguyễn Hoàng Long, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng thì cũng cần xem xét lại. “Chủ trương chống trái tuyến rất hay, hợp lý, nhưng chỉ mang tính thời điểm. Bởi vì nguyên nhân sâu xa chính là từ quy hoạch.
Khi 2 phường có số dân tương đương nhau mà phường này có 4 trường tiểu học khang trang, hiện đại hơn hẳn ở phường chỉ có một trường thì việc tuyển trái tuyến là điều tất yếu, bởi không tuyển thì trường lớp bỏ không, giáo viên không có việc”, ông Long nói. Ngoài ra, theo ông Long, còn một lý do quan trọng nữa là thực tế, tâm lý phụ huynh luôn cho rằng trường trung tâm chất lượng hơn, giáo viên giỏi hơn trường vùng ven, dẫn đến những mâu thuẫn rất khó giải quyết một sớm một chiều.
Đó là nếu cấm trái tuyến triệt để thì trường ở trung tâm đã đầu tư nhiều tiền lại lãng phí, mà cho phép thì dẫn đến tình trạng dồn hết về trung tâm, kéo theo nhiều hệ lụy, như chạy trường, tiêu cực, hộ khẩu một nơi mà nhà ở thực chất một nơi. Đồng thời, giao thông khu vực trung tâm cũng thêm phần quá tải, chật hẹp, trong khi trường vùng ven lại thừa lớp, thừa giáo viên... Bởi vậy, không phải chỉ nói cấm là xong mà phải có sự đổi mới một cách toàn diện.
Về phía ngành giáo dục, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho rằng, phải rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường lớp các quận, huyện và quy hoạch tổng thể chung của ngành. Với những khu nhà công sở cũ, nơi nào có thể làm trường học được thì nên cho phép chuyển đổi, đồng thời tiếp tục sắp xếp mở rộng các trường hiện có. “Ngành đã chỉ đạo các trường ngoài công lập (như Sky line, Olympia, Quang Trung...) thực hiện mô hình trường nhiều cấp để chủ động trong việc tuyển sinh và giải quyết tình trạng căng thẳng phát sinh ở từng cấp học nếu có.
Chúng tôi cũng đang đề xuất chuyển đổi công năng các trung tâm giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp và dạy nghề thành các trường học theo từng cấp phù hợp với nhu cầu địa phương. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về vị trí đất xây dựng, kinh phí ưu đãi đầu tư cho giáo dục”, ông Vĩnh cho biết.
Hiện nay, Đà Nẵng đang từng bước rà soát lại quy hoạch phát triển đô thị, trong đó có quy hoạch về giáo dục. Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh cũng đã giao Sở Tài nguyên-Môi trường thành phố Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương rà soát, kiểm tra cụ thể từng địa bàn, khu vực; đồng thời yêu cầu thực hiện xây dựng các cơ sở giáo dục theo quy hoạch đã công bố, không được chuyển mục đích sử dụng sang phân lô bán nền. Những dự án không triển khai sẽ bị thu hồi, giao cho nhà đầu tư khác có năng lực hơn để xây dựng trường học.
Như vậy, theo các chuyên gia trong ngành giáo dục, thành phố cần có tư duy mới về quy hoạch nói chung, quy hoạch giáo dục nói riêng. Và trong quá trình đổi mới ấy, phải căn cứ vào dự báo phát triển dân số, mật độ dân cư trên địa bàn và nhu cầu học tập để xây dựng quy hoạch giáo dục hài hòa, hợp lý, phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Đồng thời, để phát triển giáo dục một cách bền vững, hợp lý và toàn diện, đối với những khu dân cư đã hoàn tất, phải có sự điều tra, khảo sát nhu cầu nhằm xây dựng kế hoạch, phân bổ nguồn vốn đầu tư phù hợp để phát triển hệ thống trường học một cách đồng bộ, hợp lý hơn.
C. ANH - P. TRÀ