.

Sẽ công bố phương án tuyển sinh 2017 vào đầu năm học tới

.

“Hiện nay, Bộ đã lấy ý kiến của các trường đại học, các sở giáo dục và đào tạo về phương án tuyển sinh sắp tới và đã thành lập Tổ công tác để nghiên cứu, tham mưu trong việc xây dựng phương án tuyển sinh tối ưu nhất, công bố vào đầu năm học tới.”

Thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia 2016. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia 2016. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Đây là thông tin được bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết sáng nay, 22/8.

Trước đó, chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết mặc dù nỗ lực đổi mới thi tuyển sinh tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng của Bộ đã được ghi nhận, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn.

Băn khoăn phổ biến nhất là khó có thể đạt được hai mục đích vừa xét tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa tuyển sinh đại học, cao đẳng trong một kỳ thi vì tính chất khác nhau.

Thứ hai, trên thực tế chỉ có khoảng 60-70 trường đại học có tính cạnh tranh cao trong tổng số gần 450 trường đại học, cao đẳng nên việc tổ chức một kỳ thi cho tất cả các trường có cần thiết?

Thứ ba là băn khoăn về việc có nên chuyển cách thi hiện nay sang hướng tiếp cận đánh giá năng lực của thí sinh với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin?

Ông Ga cũng cho biết, Bộ đã nhận ý kiến đề xuất của các sở giáo dục và đào tạo, các trường đại học, cao đẳng về phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học năm 2017. Trong đó, nhiều sở muốn tự tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp, còn các trường đại học muốn tự chủ trong tuyển sinh.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định tuyển sinh chỉ là giai đoạn khởi đầu của quá trình đào tạo đại học, cao đẳng.

Vì thế, bên cạnh việc chỉ đạo về công tác tuyển sinh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng và các cơ sở đào tạo tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, chương trình hành động… Mục tiêu là phải có công cụ quản lý các điều kiện đảm bảo chất lượng trong quá trình đào tạo theo hướng kiến tạo, hỗ trợ và giám sát, đặc biệt là chất lượng đầu ra, để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Giáo dục đại học sẽ tập trung thực hiện ba nhiệm vụ chủ yếu trong những năm sắp tới đó là quy hoạch mạng lưới, tự chủ đại học và đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và trình Thủ tướng ban hành Khung trình độ Quốc gia để chuẩn hóa chất lượng đào tạo. Trong thời gian tới, công tác kiểm định chất lượng sẽ được tăng cường trong toàn hệ thống.

Theo đó, tiêu chuẩn kiểm định sẽ được điều chỉnh trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn kiểm định của ASEAN (AUN) để chất lượng đào tạo của Việt Nam tiệm cận với các chuẩn quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, các kết quả kiểm định, xếp hạng, năng lực giảng viên, cơ sở vật chất, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp của các trường sẽ được dùng để đánh giá, phân loại, xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học.

Các thông tin này cũng sẽ được công khai để xã hội và người học biết và lựa chọn cơ sở đào tạo đảm bảo chất lượng. Thông qua đó, chất lượng đào tạo trong toàn hệ thống sẽ được nâng cao./.

Vietnam+

;
.
.
.
.
.