Trái với mọi năm thí sinh luôn chờ những ngày cuối cùng của đợt xét tuyển để nộp hồ sơ, năm nay, tính đến ngày 10-8, dù chưa hết hạn nộp nhưng số hồ sơ nộp xét tuyển vào các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng đã là 14.800 hồ sơ.
Thí sinh tìm hiểu thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016 và xét tuyển đại học tại Đại học Đà Nẵng. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ |
Thí sinh cân nhắc kỹ
TS Trần Đình Khôi Quốc, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Đà Nẵng cho biết, năm nay không có tình trạng nộp hồ sơ ồ ạt vì Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có sự điều chỉnh phương thức xét tuyển, tức là thí sinh không được thay đổi nguyện vọng, hồ sơ không được rút ra, nộp vào. Vì vậy, các em đã có sự cân nhắc, lựa chọn kỹ trước khi nộp hồ sơ và nộp sớm hơn.
Tại các trường, việc phân loại hồ sơ, nhập dữ liệu, liên hệ với thí sinh để điều chỉnh sai sót để kịp tiến độ công bố điểm trúng tuyển theo đúng yêu cầu của Bộ GD&ĐT được khẩn trương tiến hành. PGS,TS Võ Văn Minh, Phó phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho biết, bộ phận tư vấn tuyển sinh của trường đã trả lời trực tiếp trên 1.000 cuộc điện thoại, trên 2.000 tin nhắn qua facebook, hàng trăm thí sinh và phụ huynh đến trực tiếp, đặc biệt là tư vấn qua live stream.
Các câu hỏi của thí sinh và phụ huynh tập trung về cơ hội việc làm, chương trình học tập và chia sẻ các nguyện vọng… “Các ngành Giáo dục mầm non và Giáo dục tiểu học được thí sinh quan tâm nhiều nhất và khả năng chọn để nhập học rất lớn. Căn cứ vào phổ điểm chung cũng như điểm mà các thí sinh cho biết, có thể dự báo điểm chuẩn của các ngành này sẽ rất cao”, PGS,TS Võ Văn Minh nói.
Cũng theo PGS,TS Võ Văn Minh, dự báo các ngành sau đây sẽ có điểm chuẩn ở tốp giữa: Sư phạm Toán, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Văn, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Địa lý, Giáo dục Chính trị, Cử nhân Công nghệ thông tin, Cử nhân Việt Nam học, Cử nhân Báo chí, Cử nhân Công nghệ sinh học và Cử nhân Tâm lý học.
Trong khi đó, các ngành được dự báo có điểm chuẩn ở mức trung bình hoặc chỉ trên điểm sàn (>15) gồm: Sư phạm Tin học, Sư phạm Hóa học, Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Âm nhạc; Cử nhân Lịch sử, Cử nhân Văn học, Cử nhân Văn hóa học, Cử nhân Địa lý học, Cử nhân Hóa học, Cử nhân Vật lý học, Cử nhân Địa lý tự nhiên, Cử nhân Khoa học môi trường…
Tránh sai sót khi nộp hồ sơ
Đại học Đà Nẵng cho biết, tính đến ngày 10-8, thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào 9 trường đơn vị thành viên của Đại học Đà Nẵng là 14.800 hồ sơ, trong đó có 7.645 hồ sơ gửi qua đường bưu điện. Ngày cao điểm có khoảng hơn 1.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển trực tuyến và qua đường bưu điện.
Theo TS Trần Đình Khôi Quốc, các thí sinh gặp nhiều sai sót khi nộp hồ sơ là đăng ký xét tuyển vào nhóm Đại học Đà Nẵng với mã DND nhưng lại dùng 2 phiếu xét tuyển riêng. Mỗi phiếu thí sinh chỉ có hai nguyện vọng 1, 2 nên bộ phận xử lý hồ sơ không thể tự xếp thứ tự ưu tiên các ngành học. Bởi vậy, với những trường hợp này, cần có sự điều chỉnh, tức là dùng mẫu đăng ký xét tuyển do Đại học Đà Nẵng quy định, trong đó ghi tất cả các ngành, trường đăng ký xét tuyển vào cùng một phiếu đăng ký xét tuyển. Có trường hợp thí sinh đăng ký nhiều hơn 2 ngành vào một trường trong nhóm hoặc chọn tổ hợp môn xét tuyển không có trong danh mục xét tuyển.
“Thí sinh cần chú ý một sai sót thường gặp nữa là tốt nghiệp THPT lại đăng ký vào các ngành liên thông. Các ngành liên thông (mã ngành có phần cuối LT) chỉ dành cho thí sinh đã tốt nghiệp trung cấp (liên thông lên cao đẳng) hoặc tốt nghiệp cao đẳng (liên thông lên đại học) từ các trường Cao đẳng Công nghệ, Cao đẳng Công nghệ thông tin thuộc Đại học Đà Nẵng và Trường Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch Đà Nẵng”, TS Quốc nói.
Điều đáng chú ý nữa là năm nay, thí sinh muốn điều chỉnh đối tượng ưu tiên đều phải gửi qua đường bưu điện nên các cán bộ của Đại học Đà Nẵng phải cẩn thận đối chiếu, kiểm tra các giấy tờ chứng minh đối tượng thuộc diện ưu tiên. Đặc biệt, năm nay, các trường chỉ cập nhật số lượng thí sinh nộp hồ sơ qua đường bưu điện nhưng không công bố điểm xét tuyển. Số lượng thí sinh đăng ký trực tuyến vào các trường cũng được giữ kín.
PHƯƠNG TRÀ