Giáo dục

Chuyện ngôi trường Hoàng Sa

08:39, 24/09/2016 (GMT+7)

Ngôi trường ấy đặc biệt không chỉ ở tên gọi Hoàng Sa - một phần máu thịt của Tổ quốc đang bị Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép, mà còn  bởi có đến 2/3 cán bộ, giáo viên ở đây là vợ của bộ đội, đặc biệt là lực lượng hải quân.

Hầu hết học trò của Trường THCS Hoàng Sa đều là con em ngư dân, bộ đội Hải quân tại địa phương.  Ảnh: PHƯƠNG TRÀ
Hầu hết học trò của Trường THCS Hoàng Sa đều là con em ngư dân, bộ đội Hải quân tại địa phương. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

Mang những câu chuyện về biển, đảo sống động và chân thực từ chính người chồng là anh Ngô Hồng Tú đang công tác tại đảo Phú Quý đến cho học trò, cô giáo Nguyễn Trần Thu Hà (41 tuổi), giáo viên Trường THCS Hoàng Sa (quận Sơn Trà) hãnh diện nói: “Những câu chuyện về người lính, về nỗi nhớ nhà, cuộc sống trên đảo… được kể vào những giờ ngoại khóa, hoặc lồng ghép vào bài giảng về lòng yêu nước và thấy các em vô cùng thích thú”. Những lời kể được lồng ghép một cách tự nhiên bằng tất cả tình yêu thương, nỗi nhớ mong của chính cô giáo dành cho người chồng đang công tác nơi đảo xa giúp các em học sinh hiểu hơn về biển, đảo quê nhà.

Anh Tú, chồng cô Hà một năm chỉ về nhà vào dịp Tết. “Tôi thường hay đùa là bố lâu quá không về nên các con quên bố mất rồi. Nói vậy thôi chứ tụi nhỏ thương nhớ bố lắm. Ngày nào cũng điện thoại cho bố, có khi chỉ là để kể chuyện trường, chuyện lớp”, cô Hà nói. Cây bàng vuông do anh Tú mang về từ đảo được cô Hà nâng niu, chăm sóc và hiện giờ khá xanh tốt. Một mình lo cho hai con (lớp 9 và lớp 2) nên nỗi vất vả của người vợ lính như cô Hà khó có thể đong đếm. Tất cả những buồn vui, nhung nhớ chị đều dồn vào lời giảng, truyền cho các em tình yêu văn chương và xa hơn là tình yêu đất nước, yêu những con người đang ngày đêm canh giữ biển trời.

Còn với cô giáo Nguyễn Thị Hằng (42 tuổi) thì “món quà” cô dành cho học trò khi giảng những bài học về lịch sử không chỉ là những câu chuyện chủ quyền biển, đảo mà còn là những thước phim về cuộc chiến Hoàng Sa, về nỗi mong muốn, khát khao đưa mảnh đất Hoàng Sa về với đất mẹ. “Thật sự các em còn chưa biết nhiều về chủ quyền biển, đảo, về quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Bởi vậy, kể cho các em nghe cũng chính là nhắc các em nhớ những điều không thể quên. Đó chính là một phần lịch sử của dân tộc”, cô Hằng bộc bạch. Do không phải công tác nơi đảo xa nên anh Nguyễn Văn Trường, chồng cô Hằng thường hay có mặt ở nhà. Và trong những bữa cơm gia đình, anh chị hay trao đổi những câu chuyện thời sự về biển, đảo. Để rồi, từng ngày đứng trên bục giảng, chị lại truyền cảm xúc, tình yêu biển, đảo đến cho những cô cậu học trò để biết và để nhớ rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Cô giáo Nguyễn Thị Hằng thường lồng ghép nội dung chủ quyền biển, đảo trong những giờ giảng để giáo dục học sinh lòng yêu nước.
Cô giáo Nguyễn Thị Hằng thường lồng ghép nội dung chủ quyền biển, đảo trong những giờ giảng để giáo dục học sinh lòng yêu nước.

“Em rất thích nghe những câu chuyện thời sự lồng ghép vào bài học Văn, hay Sử, Địa. Đặc biệt, những câu chuyện về biển, đảo, người lính được các cô kể rất sống động và hấp dẫn. Từ đó, chúng em cảm thấy yêu hơn phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc”, em Ngô Minh Nhật, học sinh lớp 9 thổ lộ. Cô Nguyễn Thị Hồng Nga, Hiệu phó nhà trường cho biết, gần 2/3 cán bộ, giáo viên của trường là vợ cán bộ, chiến sĩ trong quân đội, biên phòng, đặc biệt là lực lượng hải quân. “Tên Hoàng Sa luôn ở trong tim mỗi người con đất Việt và với chúng tôi; đặc biệt, với những người vợ có chồng đang ngày đêm canh giữ đảo thì tên gọi này lại càng tha thiết. Các chị cũng chính là hậu phương vững chắc giúp các anh an tâm hoàn thành nhiệm vụ”, cô Nga nói.

Cô Nga cho biết thêm, Trường THCS Hoàng Sa được xây dựng cũng với mục đích tạo điều kiện để con em người dân khu vực ven biển được học tập thuận lợi nhất. Bởi vậy, phần lớn học sinh trong trường là con em của ngư dân - những “cột mốc sống” đang ngày đêm góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Dù mới thành lập nhưng nhà trường đã được lãnh đạo thành phố quan tâm đầu tư và các doanh nghiệp cùng chung tay hỗ trợ về cơ sở vật chất. Trường hiện có khu nhà 3 tầng với 9 phòng học và phòng thực hành Hóa – Sinh, Lý - Công nghệ; một phòng vi tính với 20 máy và một phòng máy khác trị giá 120 triệu đồng cùng thư viện trị giá 90 triệu đồng với hàng trăm đầu sách. Sách ở thư viện trường có đủ thể loại phù hợp với từng lứa tuổi học sinh và đặc biệt có rất nhiều đầu sách về chủ quyền biển, đảo, Hoàng Sa, Trường Sa. 14 Chi đội trong trường cũng được đặt tên theo các anh hùng lịch sử như: Chi đội Nguyễn Chí Thanh, Lê Đình Chinh... “Chúng tôi sẽ cố gắng liên hệ xin các phiên bản của những tấm bản đồ cổ chứng minh Hoàng Sa là của Việt Nam và treo trong các lớp học để học sinh có thể thấy mỗi ngày khi đến trường”, cô Nga cho biết.

Trường THCS Hoàng Sa (quận Sơn Trà) được thành lập vào cuối tháng 5-2016 với 35 cán bộ, giáo viên và hơn 300 học sinh khối 7, 8, 9 được chuyển từ trường THCS Lý Tự Trọng (cùng địa bàn) về. Năm học đầu tiên này, trường tuyển hơn 150 em học sinh lớp 6 từ khu vực Mân Quang và Thọ An của phường Thọ Quang.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

.