Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố Dự thảo phương án thi THPT và tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2017. Tuy nhiên, hiện nay, dư luận vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016 tại Đà Nẵng để lấy kết quả xét tuyển đại học. |
* PGS. TS Võ Văn Minh, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng): Đổi mới cần có lộ trình
Trước hết, tôi đồng ý là cần phải thay đổi nội dung và hình thức thi tốt nghiệp THPT cũng như tuyển sinh ĐH, CĐ. Về phía đổi mới môn thi theo hướng tích hợp (Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội), tôi cho là rất cần thiết, phù hợp với tinh thần đổi mới. Tuy nhiên, theo tôi không nên áp dụng năm 2017, bởi nhiều lý do. Thứ nhất, học sinh và giáo viên không thể nào thay đổi kịp. Tôi nghĩ Bộ GD&ĐT cần phải xây dựng lộ trình và công bố trước 3 năm để học sinh và giáo viên có thời gian chuẩn bị. Thứ hai, đề thi tích hợp và trắc nghiệm khách quan đòi hỏi phải có thời gian đầu tư cẩn thận chứ không phải là tổ hợp cơ học kiến thức của các môn học. Mặt khác, học sinh lớp 10 đã theo học, ôn các tổ hợp Toán - Lý - Hóa, Toán - Hóa - Sinh... thì bây giờ lại thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội khiến các em lúng túng và trường xét tuyển cũng gặp khó khăn. Theo tôi, trong lúc giao thời của công cuộc đổi mới giáo dục, mọi phương án thi đều khó hoàn hảo nên rất cần sự ổn định về mặt tư tưởng của giáo viên và người học. Muốn vậy, cần phải nghiên cứu thật chu đáo, công bố lộ trình thay đổi chặt chẽ để xã hội theo dõi, đồng thời củng cố niềm tin của xã hội đối với ngành giáo dục thì đổi mới giáo dục mới thành công.
* Thầy Nguyễn Đình Hòa, giáo viên bộ môn Văn Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu): Lấy điểm chung toàn bài làm điểm xét ĐH
Tôi hoàn toàn đồng ý với hình thức thi tốt nghiệp THPT quốc gia theo dự thảo của Bộ GD&ĐT. Hình thức thi này vừa đánh giá được kiến thức tổng quát của học sinh, hạn chế việc học tủ, học lệch, phân biệt “môn chính” (môn có thi) và “môn phụ” (môn không thi); vừa tiết kiệm thời gian của học sinh, tiết kiệm thời gian chấm bài, tiết kiệm kinh phí và tránh sai sót khi chấm bài. Tuy nhiên, hình thức thi này chỉ phù hợp với yêu cầu xét tốt nghiệp của học sinh, bởi hạn chế về thời gian và một số đặc điểm của hình thức thi trắc nghiệm nên bài thi sẽ khó có tính phân loại cao. Nếu muốn kết hợp cả yêu cầu xét tốt nghiệp lẫn thi ĐH thì nên có sự kết hợp giữa thi trắc nghiệm với tự luận theo tỷ lệ nhất định. Bởi bài thi tự luận có khả năng phân loại học sinh tốt hơn. Ngoài ra, đối với bài thi tổ hợp, nên lấy điểm chung toàn bài làm điểm xét ĐH để tránh việc học sinh chỉ tập trung học và thi 1 môn trong tổ hợp để lấy điểm cao xét ĐH. Chỉ cần thay đổi quan niệm về tổ hợp môn xét điểm ĐH. Ví dụ như các trường thuộc khoa học tự nhiên thì lấy điểm Toán + Anh + Khoa học tự nhiên. Các môn thuộc khoa học xã hội thì lấy điểm Văn + Anh + Khoa học xã hội theo tỷ lệ, hệ số nhất định.
* PGS. TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ (ĐH Đà Nẵng): Nên tách biệt 2 kỳ thi
Giao cho Sở GD&ĐT tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia là hoàn toàn đúng và cũng nên có đơn vị giám sát quản lý. Tuy nhiên, nếu thi theo cách mới như vậy, chắc chắn việc xét tuyển của các trường ĐH, CĐ sẽ gặp nhiều khó khăn. Việc thi môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, trong đó tích hợp các môn học thì rất khó cho các trường ĐH, CĐ trong việc đánh giá kiến thức, năng lực học sinh. Trong khi đó, phần mềm lọc ảo của Bộ GD&ĐT lại chưa ổn định.
Học sinh lớp 12 phải trải qua 2 kỳ thi: tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Hai kỳ thi này có những mục đích khác nhau: thi tốt nghiệp là để đánh giá kiến thức, trình độ của thí sinh ở bậc THPT; kỳ thi tuyển sinh ĐH là nhằm chọn người để đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho xã hội. Bởi vậy, theo tôi nên tách biệt rõ ràng hai kỳ thi này. Đồng thời giao quyền tự chủ trong việc xét tuyển cho các trường ĐH, CĐ. Đổi mới và cải cách nhưng phải hết sức khoa học và thận trọng trên cơ sở tìm hiểu kỹ đối tượng người học. Đổi mới phải bắt đầu từ các bậc học thấp nhất và phải tính đến tính bền vững và lâu dài.
* Em Nguyễn Đình Gia Huy (học sinh lớp 12/5, Trường THPT Trần Phú): Một số môn nên thi tự luận
Là học sinh lớp 12 nên em rất quan tâm đến việc đổi mới trong cách thi cử. Theo em, cần nghiên cứu lại việc hầu hết các môn đều thi trắc nghiệm vì có những môn như: Toán, Văn, Ngoại ngữ cần phải ra đề theo hình thức tự luận. Lâu nay tụi em học và ôn luyện cũng theo cách làm bài tự luận. Bây giờ thay đổi đột ngột sang cách làm trắc nghiệm hoàn toàn thì rất khó để làm bài chất lượng và có sự đánh giá chính xác năng lực của học sinh. Bởi vậy, nếu có thay đổi phải có thời gian và sự chuẩn bị cần thiết.
* Chị Lê Thanh Thu (48 tuổi, quận Thanh Khê), có con đang học lớp 12 Trường THPT Thái Phiên: Đừng gây áp lực thi cử cho các em
Bộ GD&ĐT có chủ trương giảm tải áp lực trong thi cử nhưng nếu tính số môn thi trong 2 tổ hợp mới là Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội thì lại tăng hơn so với trước đây. Như vậy, áp lực về việc học đối với con tôi và các em khác lại tăng hơn và buộc các em phải học nhiều hơn. Trong khi đó, chương trình và sách giáo khoa vẫn giữ nguyên chưa có sự đổi mới, cách học vẫn chưa thay đổi kịp thì liệu thi như vậy có bảo đảm chất lượng không? Và nếu cải cách đổi mới mà chưa chú trọng đến thực tiễn thì sẽ tạo nên sự lãng phí không nhỏ cho từng gia đình và cho cả xã hội.
PHƯƠNG TRÀ thực hiện