.
TUYỂN SINH ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG

Cần giao quyền tự chủ cho các trường

.

Không chỉ các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) trên cả nước “kêu” thiếu thí sinh mà tại Đà Nẵng, nhiều trường “có tiếng” cũng rơi vào cảnh tuyển sinh nhiều đợt nhưng vẫn thiếu so với chỉ tiêu. Sự bị động trong khâu xét tuyển là điều dễ nhận thấy, nhất là trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016.

Thí sinh tìm hiểu thông tin các trường đại học tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh 2016 do Đại học Đà Nẵng tổ chức.
Thí sinh tìm hiểu thông tin các trường đại học tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh 2016 do Đại học Đà Nẵng tổ chức.

Bị động xét tuyển

Sau khi thí sinh đăng ký xét tuyển xong, các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng gồm: Trường ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Sư phạm, Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum, Khoa Y Dược thuộc ĐH Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh, Trường CĐ Công nghệ, CĐ Công nghệ thông tin đã thông báo xét tuyển bổ sung với hơn 3.600 chỉ tiêu. Dù vậy, đầu tháng 9, do số lượng sinh viên đến nhập học chưa đủ, nhất là các ngành đào tạo chất lượng cao nên các trường tiếp tục tuyển sinh bổ sung đợt 2 theo hình thức xét tuyển học bạ với hơn 800 chỉ tiêu nhưng khả năng vẫn khó tuyển đủ.

Theo PGS.TS Võ Văn Minh, Trưởng phòng Đào tạo thuộc Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), các trường hầu hết phải tuyển bổ sung vì dữ liệu xét tuyển của các trường khác nhau nên không thể dự đoán được tình hình cụ thể. Các trường cũng không dám tuyển vượt chỉ tiêu vì sẽ bị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phạt, nhưng nếu lấy đúng so với chỉ tiêu công bố thì bị thiếu hụt thí sinh.

Do vậy, để lấy được đủ chỉ tiêu, các trường phải xét tuyển bổ sung. “Trong thực tế, nhiều thí sinh và phụ huynh băn khoăn, lo lắng vì không biết thông tin chính xác về vị thứ của mình trong ngành/trường sau khi đã nộp hồ sơ. Trong khi đó, về phía các trường vẫn biết sẽ “ảo” nhưng không có cơ sở để lấy vượt bao nhiêu % nhằm bảo đảm tuyển đúng chỉ tiêu. Có những ngành gọi bao nhiêu em thì các em nhập học bấy nhiêu, nhưng có nhiều ngành đã gọi vượt nhiều nhưng các em không đến nộp hồ sơ”, ông Minh nói.
Có nên nhập hai kỳ thi?

Trong những năm gần đây, Bộ GD&ĐT có nhiều cố gắng nâng cao chất lượng đề thi, thay đổi hình thức xét tuyển thuận lợi cho thí sinh. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều bất cập trong thi và xét tuyển ĐH, CĐ. “Dù địa phương đã nỗ lực hết sức tạo mọi điều kiện thuận lợi trong công tác coi thi và chấm thi tốt nghiệp THPT, nhưng thực tế vẫn có những nơi coi chưa chặt và rất dễ dẫn đến chênh lệch điểm, trong khi chỉ cần chênh lệc 0,25 điểm cũng đã quyết định đậu hay rớt đối với thí sinh xét tuyển ĐH. Việc hai kỳ thi nhập một khiến các trường ĐH, CĐ bị động hơn ở khâu xét tuyển”, đại diện lãnh đạo một trường ĐH tại Đà Nẵng cho biết.

PGS. TS Võ Văn Minh cũng cho rằng, trường ĐH phải chịu trách nhiệm trước xã hội từ tuyển sinh đến đào tạo cũng như sản phẩm đào tạo; không nên ghép hai kỳ thi với hai mục đích riêng thành một, đồng thời cần phải thay đổi nội dung và hình thức thi THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.

Hiện nay, việc tuyển sinh vẫn được xem là của các trường, nhưng thực tế Bộ GD&ĐT gần như quyết định nhiều vấn đề. PGS.TS Đào Hữu Hòa, Hiệu phó Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) kiến nghị: “Thi tốt nghiệp là để đánh giá người học đã hoàn thành chương trình phổ thông hay không, còn xét tuyển ĐH là việc của từng trường để bảo đảm thí sinh có đủ trình độ chuyên môn, khả năng học tập ở trường đó hay không.

Theo tôi, Nhà nước nên giao việc tuyển sinh, xét tuyển cho các trường và chỉ quản lý bằng cách đưa ra chuẩn mực mà các trường phải đáp ứng. Tức là các trường muốn đào tạo thì phải đạt những chuẩn đó”.  Theo thầy Hòa, phương án thi tốt nghiệp và giao quyền chủ động xét tuyển ĐH cho các trường là việc ngành GD&ĐT cần nghiên cứu. Trường ĐH cần được giao quyền tự chủ theo đúng Luật Giáo dục đại học.

Theo dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ được Bộ GD&ĐT vừa công bố, kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ tiếp tục có những đổi mới. Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu giáo dục, về trách nhiệm tổ chức kỳ thi THPT để xét tốt nghiệp giao cho Sở GD&ĐT là phù hợp, nhưng sử dụng kết quả đó để xét tuyển ĐH, CĐ là quá rủi ro. Nên tách biệt giữa kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ.

Bài và ảnh: P.T

;
.
.
.
.
.