.

Cần thay đổi chỉ tiêu tuyển sinh

.

Điều dễ nhận thấy trong đợt tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) vừa qua tại Đà Nẵng là sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các trường và số thí sinh tuyển được ở từng trường ít hơn những năm trước, khiến các trường phải đưa ra nhiều thay đổi trong phương án tuyển sinh cho năm học tiếp theo.

Thí sinh chọn trường để đăng ký xét tuyển trong mùa tuyển sinh 2016 tại Ngày hội tuyển sinh, do Đại học Đà Nẵng tổ chức.
Thí sinh chọn trường để đăng ký xét tuyển trong mùa tuyển sinh 2016 tại Ngày hội tuyển sinh, do Đại học Đà Nẵng tổ chức.

Trong mùa tuyển sinh 2016, các trường vốn có “tiếng” về đào tạo uy tín thuộc ĐH Đà Nẵng như: ĐH Sư phạm, ĐH Bách khoa… cũng tuyển không đủ chỉ tiêu. Theo thông tin từ ĐH Đà Nẵng, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường năm nay (gồm: ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế, ĐH Sư phạm, ĐH Ngoại ngữ, Khoa Y Dược, Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum, Viện Nghiên cứu và đào tạo Việt - Anh, CĐ công nghệ, CĐ Công nghệ thông tin) là hơn 14.300 nhưng số thí sinh tuyển được chỉ khoảng 79%.

Vốn là đơn vị có nhiều chính sách hấp dẫn với chế độ ưu đãi học phí, học bổng, nhưng năm nay, số thí sinh nhập học tại Trường ĐH Sư phạm chỉ đạt hơn 75% so với tổng chỉ tiêu của trường. PGS.TS Lê Quang Sơn, Hiệu phó nhà trường cho biết, sau đợt tuyển sinh vừa qua, trường đã họp nhiều lần về công tác đào tạo để tìm nguyên nhân và giải pháp. “Chúng tôi sẽ có nhiều thay đổi.

Tức sẽ mở những ngành đào tạo không quá đi sâu vào chuyên ngành, đồng thời đẩy mạnh đào tạo theo chiều rộng chứ không chuyên sâu vào từng ngành. Chẳng hạn như hiện nay nhà trường đang tuyển ngành Hóa, gồm Hóa phân tích môi trường và Hóa dược. Trong khi chúng ta chỉ nên đào tạo tổng hợp để khi ra trường người học có thể làm được cùng lúc hai chuyên ngành trên. Như vậy cơ hội việc làm của người học cũng sẽ rộng mở hơn”, PGS.TS Lê Quang Sơn nói và cho biết, hiệu quả đào tạo của mỗi trường cần phải được đưa vào thông tin tuyển sinh từng ngành để hấp dẫn người học và cũng để xã hội biết rõ đặc thù của từng ngành như thế nào, đáp ứng nhu cầu thị trường ra sao.

PGS.TS Lê Văn Huy, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế cho biết, cứ 4 năm một lần, nhà trường làm lại khung chương trình. Bên cạnh đó, việc tăng, giảm chỉ tiêu các ngành luôn được nhà trường thực hiện căn cứ trên nhu cầu thị trường cũng như số lượng người học để bảo đảm yêu cầu tuyển sinh và đáp ứng nhu cầu người học.

Về vấn đề này, T.S Phan Minh Đức, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa cho biết, tăng chỉ tiêu các ngành có đông thí sinh lựa chọn và giảm đối với các ngành thí sinh không thích là vấn đề hầu như trường nào cũng tính đến và thực hiện, nhưng chỉ trong một giới hạn nào đó, phụ thuộc vào từng trường, trong từng điều kiện cụ thể. “Có nhiều trường tuyển sinh theo nhóm ngành. Chẳng hạn như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, sinh viên ở đó học hết đại cương rồi mới phân ngành và chọn ngành phù hợp với năng lực. Đó thực sự là phương án tuyển sinh tốt, rất nhiều trường quốc tế thực hiện”, T.S Phan Minh Đức nói.

Nguồn tuyển sinh giảm là thực tế không chỉ diễn ra tại các trường ĐH, CĐ ở Đà Nẵng mà còn trên cả nước. Mùa tuyển sinh năm 2016, trên cả nước có gần 400.000 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ nhưng các trường chỉ tuyển được khoảng gần 300.000 sinh viên. Ngoài ra, những năm trước, xét tuyển học bạ chỉ là phương thức cuối cùng, bởi số thí sinh nhập học bằng cách xét tuyển này thường rất thấp, thì trong mùa tuyển sinh năm nay, phương thức xét học bạ lại mang về kết quả bất ngờ ở Đà Nẵng với lượng thí sinh nhập học lên đến hơn 800 sinh viên (chiếm hơn 56% số em đăng ký).

PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng, đây là vấn đề cần lưu tâm. “Hiện nay, không chỉ các trường thuộc ĐH Đà Nẵng mà giữa các trường công lập và tư thục cũng có sự cạnh tranh quyết liệt. Qua việc xét tuyển học bạ cho thấy, vấn đề chính là ở ngành học. Nếu trúng tuyển vào ngành mà thí sinh không thích, khả năng có việc làm không cao thì các em có thể dễ dàng bỏ để đăng ký xét học bạ và học trường khác”, PGS.TS Đoàn Quang Vinh cho biết.

Phương án của các trường trong mùa tuyển sinh tới nhiều khả năng là mạnh dạn thay đổi chỉ tiêu ở các ngành, tập trung vào những ngành xã hội cần để mang lại hiệu quả cho người học lẫn nơi đào tạo.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.