Đoạt giải nhất Cuộc thi Sáng tạo trẻ quốc tế, 2 giải nhì cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc và 1 giải nhất Cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học, Nguyễn Ngọc Trâm Kha (23 tuổi) - hiện là học viên cao học chuyên ngành Phương pháp lý luận và dạy học vật lý, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) không khỏi khiến các bạn trẻ ngỡ ngàng với đam mê sáng tạo của mình.
Trâm Kha miệt mài và nỗ lực với việc tìm tòi tài liệu để sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo. |
Kha thổ lộ niềm đam mê sáng tạo của mình có từ rất sớm nhưng mãi đến năm lớp 12, Kha mới bắt tay vào sáng tạo với mô hình mô phỏng đồ thị hình sin. Với mô hình này, Kha mong muốn sẽ giúp các giáo viên khi dạy các bài về vật lý- toán học có thể thông qua mô hình để giúp học sinh hiểu hơn về bài giảng của mình, không nhất thiết chỉ bằng các hình vẽ đơn điệu trên giấy. Mô hình này đã giúp Kha đoạt giải nhì Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc và một giải nhất Cuộc thi Sáng tạo quốc tế.
Từ sự động viên đó, khi là sinh viên năm thứ hai khoa Vật lý, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), Kha bắt tay vào làm mô hình hình học không gian. Với mô hình này, các giáo viên có thể sử dụng ngay đầu chương hình học không gian để giúp học sinh tưởng tượng và chọn cho mình những phương pháp học dễ hiểu.
Mô hình hình học không gian của Kha cũng đoạt giải nhì Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc. Hai năm sau, xuất phát từ quá trình học tập của mình, Kha lại nghiên cứu và hoàn thiện tiếp 2 mô hình dao động và sóng. Hai mô hình này tiếp tục giúp Kha giành giải nhất Cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học toàn trường.
Là con gái, nên việc tạo ra các sản phẩm sáng tạo không dễ, nhất là việc dùng khoan đục các lỗ, cắt gọt các mô hình. Tuy nhiên, vì đam mê, Kha muốn mọi sản phẩm của mình phải tự chính tay mình sáng tạo nên. Với Kha, việc hoàn thiện các sản phẩm sáng tạo không chỉ tạo cho mình tính kiên trì, cẩn thận mà còn giúp Kha có kiến thức thực tế để sau này có thể giảng dạy cho học sinh.
Hiện Kha đang ấp ủ nhiều sáng tạo mới, trong đó có bộ nhạc cụ làm công cụ giảng dạy cho học sinh.
Bài và ảnh: Thanh Tình