.

Thí điểm đầu tư khu thể thao trong trường học

.

Để tháo gỡ những vướng mắc trong việc hợp tác với doanh nghiệp (DN) đầu tư khu thể thao trường học, ngày 9-11, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng có cuộc làm việc với lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Cơ sở vật chất của các trường vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu học thể thao của học sinh.  Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Trần Phú trong giờ học thể dục.
Cơ sở vật chất của các trường vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu học thể thao của học sinh. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Trần Phú trong giờ học thể dục.

Đôi bên cùng có lợi

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Đà Nẵng cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố về việc đầu tư sân thể thao trong các trường học, đơn vị đã dự thảo cơ chế kêu gọi liên kết đầu tư. Theo ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT, nhu cầu sử dụng sân thể thao trong trường học (trước mắt là sân bóng đá và bể bơi) rất lớn.

Ngân sách không thể đáp ứng hết nhu cầu này, trong khi các nhà đầu tư sẵn sàng hợp tác khai thác và sử dụng, đôi bên cùng có lợi. “Chúng tôi sẽ giao cho trường kêu gọi nhà đầu tư xây dựng sân thể thao với nhiều môn học; đồng thời trường phải đàm phán với nhà đầu tư về khoảng thời gian thu hồi vốn và bàn giao tài sản cho nhà trường. Sau khi bàn giao, trường tiếp tục khai thác các cơ sở này”, ông Vĩnh nói.

Đồng quan điểm với ông Vĩnh, ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu nêu ý kiến: “Hiện nay trong khuôn viên nhiều trường trên địa bàn quận cỏ mọc um tùm và nhà trường phải bỏ tiền ra dọn cỏ. Nếu những nơi này làm sân bóng đá, bể bơi sẽ rất tốt”. Ông Nguyễn Phúc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, trong giai đoạn ngân sách khó khăn như hiện nay, việc hợp tác với DN tạo sân học thể thao, sân chơi cho học sinh là điều cần làm.

Thực tế lâu nay tại Đà Nẵng, một số trường cũng đã dành khuôn viên làm sân bóng, bể bơi cho học sinh, đơn cử như Trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu). Hiện nay, trường này có 3 sân bóng đá mini do Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ An Phúc đầu tư. Bà Phan Thị Thu Lan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị Sáu cho biết, những năm qua, thầy và trò nhà trường học thể dục trên các sân này hoàn toàn miễn phí. “Doanh nghiệp chỉ khai thác ngoài giờ, còn trong giờ trường được sử dụng cho việc dạy và học. Nhờ vậy, việc học thể dục của các em thuận lợi hơn. Tôi thấy hình thức này khá hay và hiệu quả”, bà Lan nói. Việc hợp tác này kéo dài trong 10 năm và những năm cuối trường sẽ được chia lợi nhuận từ phía nhà đầu tư.

Làm thí điểm ở mỗi quận, huyện

Theo bà Huỳnh Thị Liễu Hoa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cái vướng chủ yếu từ… cách gọi tên. “Chúng ta không nên dùng từ liên doanh liên kết giữa nhà trường và DN, bởi đây đâu phải là hoạt động góp vốn. Quan trọng nhất là chúng ta không sử dụng sai mục đích và phải sử dụng có hiệu quả nhất”, bà Hoa nói.

Ông Huỳnh Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, phải có quy định cụ thể đối với các nhà đầu tư; đồng thời việc bàn giao sau khi nhà đầu tư thu hồi vốn cũng là vấn đề cần bàn vì phải tính đến hiệu quả sử dụng.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng khẳng định, việc hợp tác đầu tư sân thể thao trong trường học là cần thiết, tuy nhiên không được làm sai quy định. “Nhà đầu tư chỉ được khai thác ngoài giờ học, trong giờ học phải giao hết cho nhà trường phục vụ việc dạy và học. Sau khi hết thời gian hợp đồng, cơ sở đó được giao cho nhà trường toàn quyền quản lý nhưng cũng phải cân nhắc xem nhà trường tự khai thác hay hợp đồng tiếp với các đơn vị khác sẽ hiệu quả hơn”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng yêu cầu; đồng thời chỉ đạo làm thí điểm mỗi quận, huyện một trường để rút kinh nghiệm trước khi làm đại trà.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.