Dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia lần 2 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra có nhiều điểm mới thuận lợi cho thí sinh; tuy nhiên cũng còn không ít những băn khoăn từ các cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh các trường THPT xung quanh dự thảo này.
Thầy Nguyễn Huy Bính, Hiệu phó Trường THPT Trần Phú:
Dự thảo quy chế thi lần thứ 2 này có thêm điểm mới có lợi cho thí sinh, nhất là những em giỏi toàn diện. Với những em này, các em có thể làm 5 bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Theo tôi, nội dung thi năm 2017 nằm trong chương trình lớp 12 là đúng, bởi phải có giới hạn chương trình khi lâu nay nhiều môn các em đang làm theo dạng tự luận, nay lại chuyển sang trắc nghiệm nên không khỏi bỡ ngỡ. Những năm tiếp theo, nội dung thi nằm trong chương trình toàn cấp (lớp 10, 11, 12) là thực sự cần thiết, bởi kiến thức giữa các khối lớp phải có sự liên thông và học sinh cần nắm bắt một cách toàn diện.
Thầy Nguyễn Văn Thục, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Thanh Khê:
Hiện nay, học sinh lớp 12 của Trung tâm tích cực ôn tập theo dạng đề trắc nghiệm ở nhiều môn để chuẩn bị thi học kỳ 1 và hướng đến thi tốt nghiệp THPT 2017. Bộ GD&ĐT sử dụng phần mềm quản lý thi đã tạo được sự thống nhất trên cả nước và tránh những sai sót không đáng có. Bên cạnh đó, việc xếp thí sinh hệ Giáo dục Thường xuyên ở phòng thi riêng khi dự thi tổ hợp Khoa học xã hội thực ra cũng không tạo nhiều sự khác biệt bởi quan trọng là chất lượng bài làm của các em như thế nào.
Cô Nguyễn Thị Nhiên, giáo viên Văn, Trường THPT Nguyễn Trãi:
Điểm bài thi môn tự luận lấy đến 0,25, không quy tròn. Như vậy, thí sinh phải cố gắng hơn, chăm chút hơn cho từng chi tiết trong bài. Để chấm chính xác như vậy, người chấm thi phải thật kỹ và thật chính xác. Tuy nhiên, theo tôi, môn Văn có đặc thù riêng không giống những môn khác. Nếu không quy tròn điểm số sẽ khó có độ mở cần thiết cho những sáng tạo trong từng bài và thiệt thòi cho học sinh nên cần sự linh hoạt trong chấm bài để khuyến khích các em.
Trương Diệu Nguyên, học sinh lớp 12/8, Trường THPT Trần Phú:
Dù đã học gần hết học kỳ 1 và được thầy cô ôn tập cũng như cho làm nhiều dạng bài kiểm tra trắc nghiệm nhưng việc thi theo hình thức tổ hợp cũng tạo áp lực không nhỏ đối với em. Trước đây chỉ cần tập trung học kỹ 4 môn, nay phải học tất cả các môn trong tổ hợp.
Tuy nhiên, với học sinh chúng em, việc được thi cả 2 tổ hợp tự nhiên và xã hội thì cơ hội để xét tốt nghiệp cũng như tuyển sinh đại học, cao đẳng nhiều hơn. Ngoài ra, em cũng băn khoăn, khi xét tốt nghiệp THPT thì có được cộng điểm năm học lớp 12 cùng các bài thi để lấy điểm số trung bình hay không?
PHƯƠNG TRÀ thực hiện