“Biến hóa” những chiếc ống hút, vỏ hộp sữa, vỏ bình nhựa... đã qua sử dụng thành đồ dùng dạy học là sáng chế của nhiều giáo viên ở quận Sơn Trà.
Học sinh Trường tiểu học Trần Quốc Toản thích thú với đồ dùng dạy học do các thầy cô tự làm từ phế phẩm. |
Từ những chiếc thanh sạp ngủ bị gãy, vỏ bình nước rửa chén, biển quảng cáo cũ, hộp xốp..., cô Võ Ngọc Ánh My và thầy Lê Đình Phượng, giáo viên Trường tiểu học Trần Quốc Toản đã làm thành Bộ đồ dùng dạy tích hợp ứng phó biến đổi khí hậu khiến học sinh tròn mắt thích thú. Cô My cho biết, bộ đồ dùng này được áp dụng vào môn khoa học tự nhiên, xã hội và giáo dục ngoài giờ lên lớp trong chương trình lớp 3, 4, 5. “Trước đây, nếu muốn giảng cho các em về lũ, lụt, chúng tôi phải mô tả khá nhiều qua tranh ảnh để học sinh “nhìn thấy” tác động lớn của hiện tượng thiên nhiên này. Bây giờ, nhờ có mô hình học tập trực quan nên những điều tưởng chừng rất trừu tượng như việc xả thải, hiện tượng lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, nước biển dâng trở nên dễ hình dung hơn đối với học trò”, cô My nói.
Chi phí để thầy cô tạo nên những bộ đồ dùng dạy học có thể nói rất rẻ bởi hầu như vật liệu đều từ phế phẩm. Tuy nhiên, gói ghém trong những sản phẩm giáo dục đó là công sức, sự sáng tạo và trăn trở của thầy cô đối với việc truyền đạt kiến thức sao cho dễ hiểu, sinh động đến với học trò.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Hiệu phó Trường tiểu học Trần Quốc Toản cho biết, từ đầu năm, nhà trường triển khai nhiệm vụ và phát động thi đua sáng tạo đồ dùng, đồ chơi tự làm phục vụ công tác giảng dạy trong toàn trường. Không chỉ có các giáo viên mà phụ huynh và học sinh cũng hăng hái góp sức cùng làm đồ chơi, đồ dùng theo sự hướng dẫn, gợi mở của thầy cô. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, học sinh và phụ huynh khối lớp 5 tham gia làm đồ dùng dạy học nhiều nhất. Ngoài ra, nhà trường còn mời lực lượng bộ đội các đơn vị kết nghĩa cùng tham gia làm đồ dùng dạy học. “Đồ dùng dạy học rất quan trọng bởi góp phần tạo sự phong phú cho bài giảng, giúp học sinh hứng thú hơn trong việc học và giúp phát triển trí tưởng tượng, tư duy phù hợp với lứa tuổi”, bà Ngân nói.
Nhiều năm trong nghề dạy học, với cô Đào Phương Thanh, giáo viên Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện, mỗi bộ đồ chơi, đồ dùng dạy học đều được cô chăm chút cẩn thận. Đơn cử như mô hình An toàn giao thông do cô Thanh tự làm. Chỉ bằng vỏ hộp sữa, hộp bánh, hộp thuốc, thùng các-tông, giấy bìa màu cùng chiếc kéo và hộp keo dán, cô đã “xây dựng” được cả “thành phố” với đủ loại “phương tiện giao thông” cùng “đèn báo hiệu”. Cô Thanh cho biết, mô hình này dùng để hướng dẫn học sinh cách tạo không gian 3 chiều cho bối cảnh chủ đề trong môn mỹ thuật và giúp các em nhận biết biển báo giao thông. “Việc làm đồ dùng, đồ chơi từ những phế phẩm giúp tôi có thêm nhiều kỹ năng, kinh nghiệm và có những sáng kiến phục vụ trong công tác giảng dạy”, cô Thanh bộc bạch.
Bà Lê Thị Thúy Nga, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo quận Sơn Trà cho biết, nhu cầu về thiết bị dạy học rất lớn trong khi kinh phí còn hạn chế nên việc giáo viên các trường tự làm đồ dùng dạy học mang lại ý nghĩa thiết thực. “Làm đồ dùng dạy học trở thành phong trào rộng khắp tại các trường trên địa bàn quận với hàng trăm sản phẩm được các thầy cô làm ra mỗi năm. Nhiều đồ dùng khá đẹp, bền, có tính sư phạm và giá trị sử dụng cao. Việc làm đồ dùng dạy học xuất phát từ chính tình hình mỗi lớp, từ thực tế bài giảng nên những sản phẩm này thường đơn giản song rất hiệu quả và mang lại hứng thú cho học sinh. Ngoài ra, học sinh cùng làm đồ dùng học tập với cô giáo sẽ giúp các em học thêm nhiều kỹ năng và biết trân quý những bộ đồ dùng có mình góp sức”, bà Nga nói.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ