Giáo dục

Giáo dục đại học: Vừa yếu, vừa thiếu

07:44, 09/01/2017 (GMT+7)

Các trường đại học (ĐH) thiếu về cơ sở vật chất, trang thiết bị, giảng viên dẫn đến chất lượng chưa cao là thực trạng được nêu tại hội nghị “Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ĐH” do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức tại Đà Nẵng ngày 7-1.

Các trường đại học cần đổi mới cách quản trị để nâng cao chất lượng.  Trong ảnh: Một giờ học của sinh viên Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng.
Các trường đại học cần đổi mới cách quản trị để nâng cao chất lượng. Trong ảnh: Một giờ học của sinh viên Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng.

Chất lượng còn thấp

Theo kết quả đánh giá 20 trường ĐH được xem là “tốp trên” trong năm 2016 của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc ĐH quốc gia Hà Nội cho thấy, hiện nay tỷ số sinh viên (SV)/giảng viên (GV) khá cao, nhiều trường vượt tỷ số quy định cho cả trường hoặc nhóm ngành.

Có những nhóm ngành tỷ số này lên đến 1/40 hoặc 50, thậm chí cao hơn. Các GV dạy quá nhiều, thậm chí trên 50% GV dạy quá 200 giờ/năm, rất nhiều người dạy trên 540 giờ (gấp đôi quy chuẩn). Tỷ lệ GV chưa đạt chuẩn còn cao. GV có trình độ cử nhân trung bình chiếm khoảng 16%. GV là tiến sĩ hiện chưa nhiều. Kể cả nhóm trường tốp trên, GV là tiến sĩ mới chỉ đạt trung bình khoảng 32%.

Bàn về chất lượng đào tạo ĐH, GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục cho rằng, bên cạnh việc thiếu GV, GV chưa đạt chuẩn, hiện nay, tại nhiều trường ĐH, cơ sở vật chất vẫn chưa bảo đảm.

Hầu hết các trường thiếu phòng học nhỏ, phòng thực hành, thiếu bàn ghế linh hoạt cho các hoạt động học tập và thảo luận, thiếu các tiện ích phục vụ cho giáo dục toàn diện.

“Thực tế hiện nay nguồn thu của các trường chủ yếu từ học phí nên mất cân đối và thiếu bền vững. Nếu tuyển sinh sụt giảm sẽ gặp khó ngay. Trong khi đó, nguồn thu từ khoa học và chuyển giao công nghệ còn thấp nên không đủ bù đắp vào khoản thiếu hụt”, GS.TS Nguyễn Quý Thanh nói.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng thừa nhận chất lượng đào tạo hiện nay chưa cao bởi chi phí đầu vào thấp nên không thể có chất lượng tốt.

“Để nâng cao chất lượng đào tạo, cần để các trường tự chủ quyết định học phí và không nên có trần học phí như hiện nay. Đối với phần hỗ trợ của ngân sách Nhà nước, cần chi phí trực tiếp cho SV, tính trên số lượng SV mà trường đó tuyển sinh được”, PGS.TS Hoàng Minh Sơn nêu ý kiến.

Hơn 200.000 lao động có chuyên môn thất nghiệp

Theo thông tin tại hội nghị, cả nước có hơn 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động từ 15 tuổi trở lên bị thất nghiệp trong tổng số 54,4 triệu người thuộc lực lượng lao động, chiếm 2,25% dân số. Trong đó, số lao động thất nghiệp này có trên 200.000 lao động có trình độ chuyên môn trở lên.

Theo PGS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thất nghiệp như hiện nay là tỷ lệ nguồn nhân lực cung vượt cầu hoặc cơ cấu cung – cầu không gặp nhau.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ việc tư vấn hướng nghiệp chưa được chú trọng dẫn đến sự hiểu biết hạn chế của học sinh lẫn phụ huynh về cơ cấu ngành nghề và tầm quan trọng của các bậc đào tạo...

Tại Đà Nẵng, thực tế trong mùa tuyển sinh vừa qua, nhiều trường ĐH uy tín vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Ngay sau đó, các trường cùng ngồi lại để bàn giải pháp đẩy mạnh việc tuyển sinh. Đơn cử như Trường ĐH Sư phạm đẩy mạnh đào tạo theo chiều rộng, không quá chuyên sâu vào từng ngành hay như Trường ĐH Bách khoa giảm một số ngành nếu ngành đó quá ít thí sinh hoặc thị trường không có nhu cầu.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm, trước hết bắt đầu từ công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội. Khi tuyển sinh đầu vào phải nghiên cứu dự báo 3 - 4 năm sau khi SV tốt nghiệp ra trường và những ngành nghề nào cần nhân lực lớn.

Có một thực tế là việc đầu tư cho nghiên cứu dự báo còn hạn chế, chủ yếu vẫn là dự báo dựa vào kinh nghiệm nên nhiều ngành rất có triển vọng, nhu cầu thị trường rất lớn nhưng các trường không đáp ứng được.

Trong khi đó, có những ngành đào tạo lại thừa. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian đến, ngân sách Nhà nước sẽ đầu tư cho các trường ĐH nhưng các trường phải hoạt động có hiệu quả. Nhà trường phải thay đổi quan hệ với doanh nghiệp. Đó phải là mối quan hệ tương hỗ chứ không phải ngồi chờ người ta tìm đến mình.

Hiệu trưởng các trường ĐH không nhất thiết là giáo sư hay tiến sĩ mà phải là những người quản lý giỏi. Bởi vậy, các trường ĐH phải thay đổi, đổi mới trong cách quản trị để nâng cao chất lượng giáo dục.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

.