* Các trường đại học cần đầu tư có hiệu quả, theo đơn đặt hàng chứ không bao cấp
ĐNĐT - Cả nước có 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, trong đó có đến 200.000 lao động có trình độ chuyên môn.
Các trường đại học cần đổi mới cách quản trị để nâng cao chất lượng. Ảnh minh họa (Trong ảnh: một giờ học của sinh viên Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng) |
Đây là con số được nêu lên tại Hội nghị "Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học" do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 7-1, tại Đà Nẵng.
Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cùng gần 300 hiệu trưởng các trường đại học trên cả nước.
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng bàn bạc về 3 vấn đề lớn của giáo dục đại học: Đổi mới quản trị đại học/thực hiện tự chủ đại học; giải pháp tăng cường điều kiện bảo đảm chất lượng, nâng cao chất lượng đào tạo và giải pháp nâng cao tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Theo thông tin tại hội nghị, trong tổng số 54,4 triệu người thuộc lực lượng lao động, cả nước có hơn 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, chiếm tỷ lệ 2.25% dân số.
Trong số lao động thất nghiệp này có trên 200.000 lao động có trình độ chuyên môn.
Theo nhiều đại biểu, những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thất nghiệp như hiện nay là tỷ lệ nguồn nhân lực cung vượt cầu, cơ cấu cung – cầu không gặp nhau hay chất lượng nguồn nhân lực cung không phù hợp với chất lượng cầu.
Ngoài ra, sự biến đổi không ngừng của nền kinh tế dẫn đến nhu cầu nhân lực thay đổi, việc tư vấn hướng nghiệp chưa được chú trọng dẫn đến sự hiểu biết hạn chế của học sinh lẫn phụ huynh về cơ cấu ngành nghề và tầm quan trọng của các bậc đào tạo...
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng các hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm trong công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội. Trước khi tuyển sinh đầu vào phải nghiên cứu dự báo trong vòng 3 đến 4 năm nữa, khi sinh viên tốt nghiệp ra trường thì những ngành nghề nào cần nhân lực lớn.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu lên thực tế: "Việc đầu tư cho nghiên cứu dự báo còn hạn chế, chủ yếu vẫn là dự báo dựa vào kinh nghiệm nên nhiều ngành rất có triển vọng, nhu cầu thị trường rất lớn nhưng các trường không đáp ứng được, trong khi đó có những ngành đào tạo thừa".
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, đối với đại học, cần phải đầu tư có hiệu quả, theo đơn đặt hàng chứ không bao cấp. Đồng thời phải thay đổi quan hệ với doanh nghiệp, đổi từ quản lý sang quản trị.
Cần phân định rạch ròi giữa những người làm khoa học chuyên môn và người làm công tác quản lý. Hiệu trưởng các trường đại học không nhất thiết phải là giáo sư hay tiến sĩ, mà phải là những người quản lý giỏi. Bởi vậy, các trường đại học phải thay đổi, đổi mới trong cách quản trị để nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Tin và ảnh: Phương Trà